Chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã chính thức bắt đầu khi Mỹ nã đại pháo thuế 145% vào hàng hóa China. Sức công phá quá lớn của quả đại pháo này có thể làm tan hoang nhiều nhà máy và công xưởng thế giới đặt tại China, khiến hàng triệu công nhân China có thể phải chạy tị nạn thất nghiệp để tránh bom rơi đạn lạc từ thương chiến. Ngoài ra, sức công phá dữ dội của quả bom thuế 145% cũng có thể làm rung chuyển thị trường chứng khoán, chao đảo thị trường tiền tệ China khiến chứng khoán lao dốc, đồng CNY chúi nhủi, sức mua của thị trường (China) vốn đang yếu do hậu quả bể bóng địa ốc mấy năm qua chưa phục hồi kịp, nay càng thêm suy yếu nên khó có thể tiêu thụ hết hàng made in China tồn kho vì thương chiến.
Ở bên kia chiến tuyến, China cũng không vừa, ngay lập tức phản pháo bằng đại pháo thuế 125%, khiến các sạp hàng tại Mỹ có nguy cơ hứng chịu bão giá, lo lắng căn bệnh nan y lạm phát vừa mới khỏi có thể tái phát, và ở xứ sở tự do như Mỹ chắc không thể thiếu những cuộc xuống đường phản đối thương chiến, không thể thiếu một số dư luận báo chí và mạng xã hội thuộc phe đối nghịch mở hết công suất phê phán gay gắt, lên án chiến thuế của chính phủ đương nhiệm…
Nhìn chung, còn hơi sớm để đưa ra bất cứ nhận định nào khả dĩ. Tuy nhiên có thể dựa vào một số điểm căn bản để đánh giá bước đầu. Trong chiến tranh thương mại, hai nước chiến thuế lẫn nhau nên :
- Bên nào có thị trường nội địa mạnh hơn bên đó thắng thế. Về điểm này Mỹ thắng thế China.
- Bên nào có thâm hụt mậu dịch bên đó lợi thế. Thâm hụt mậu dịch càng lớn lợi thế càng lớn. Về điểm này Mỹ lợi thế hơn China vi thâm hụt mậu dịch của Mỹ rất lớn với China.
- Nước nào xuất cảng nhiều hàng hóa đặc thù mà nước địch thủ không thể mua nơi khác, nước đó chiếm lợi thế. Mỹ xuất cảng qua China một số máy móc và thiết bị công nghệ cao, những con Chip v.v… mà China khó có thể mua ở các nước khác, nên chiếm ưu thế hơn. Dẫu China cũng có lợi thế về nguồn cung đất hiếm và một số sản phẩm đặc thù (cho sản xuất công nghiệp ở Mỹ) trong các chuỗi cung ứng đặt tại China. Song Mỹ có thể tìm nguồn đất hiếm từ nước khác, và các sản phẩm đặc thù trong các chuỗi cung ứng đặt tại TC thường do các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại China làm ra nên cũng không quá lo ngại với Mỹ, dù trong ngắn hạn Mỹ gặp không ít khó khăn.
- Nước nào kiểm soát đồng tiền quốc tế, kiểm soát hệ thống thanh toán quốc tế… Nước đó chiếm lợi thế. Mỹ kiềm soát đồng tiền quốc tế USD, kiểm soát hệ thống thanh toán toàn cầu nên chiếm ưu thế. Bởi ai cũng biết, tư nhân không thể đối chọi với các ngân hàng nhà nước, vì ngân hàng nhà nước có thể in tiền. Tương tự, trong phạm vi quốc tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) là cơ quan in tiền, ấn định lãi suất và quản lý tiền tệ USD, là đồng tiền giao hoán rộng rãi trên toàn thế giới, nên…
- Nước nào chịu đựng đói nghèo nhiều hơn nước đó lợi thế. Về điểm này China thắng đậm Mỹ.
Từ những nhận định trên cho thấy China khó thắng thương chiến Mỹ. Hiện có thể China đang hi vọng chiến thuế với Mỹ để lôi kéo đồng minh truyền thống của Mỹ, lôi kéo toàn cầu đứng về phía China để đoàn kết cô lập Mỹ. Nếu China làm được điều này thì chắc chắn đại thắng. không chỉ đánh bại Mỹ, mà còn trở thành siêu cường số một thay thế Mỹ lãnh đạo toàn cầu.
Song khả năng này rất khó, nếu không muốn nói là không thể xảy ra. Vì các nước văn minh trên thế giới không dại từ bỏ 49 để rước họa 50. Khả năng có thể có là China lôi kéo được một số nước đứng về phía China chống thương chiến, như lời chủ tịch Tập kêu gọi Tây Ban Nha và EU hợp tác với China chống lại thương chiến của Mỹ khi Thủ tướng Tây Ban Nha ghé thăm Bắc Kinh.
Vì đó khả năng cao nhất là, trong những ngày tới, khi cuộc vận động quốc tế ủng hộ Bắc Kinh chống thương chiến không khả quan, China sẽ tự rút củi đáy nồi, hạ hỏa đàm phán với Mỹ để tránh thiệt hại chưa thật cần thiết./.