Ngày mất tự do cũng là Ngày Tìm Tự Do

Quốc Hội Canada đã thông qua dự luật (Bill S-219) quy định ngày 30 Tháng Tư mỗi năm là ngày “Tìm Tự Do” (Journey to Freedom), và đạo luật đã được ban hành một tuần trước ngày kỷ niệm 40 năm dân miền Nam bị Cộng Sản cướp mất tự do. Năm ngoái, Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đề nghị dự luật này với tên là “Ngày Tháng Tư Ðen” (Black April Day). Khi thảo luận tại Thượng Viện, nhiều nghị sĩ đề nghị đổi tên để mang một ý nghĩa tích cực hơn và dễ được người Canada thuộc các sắc dân khác ủng hộ; do đó đề nghị đổi tên thành luật Hành Trình Tìm Tự Do. Nhiều người Việt không thỏa mãn với tên gọi không phản ảnh nỗi đau buồn và uất hận vì mất tự do. Nhưng đổi tên là một thỏa hiệp khôn ngoan để đạt mục đích muốn cả nước Canada ghi nhận phong trào vượt biển tị nạn của người Việt sau ngày 30 Tháng Tư 1975 là một biểu tượng cho khát vọng tự do của con người. Chưa một sắc dân nào ở Canada được Quốc Hội đối xử đặc biệt như vậy. Tại các nước khác, do yêu cầu của các công dân người Việt tị nạn, nhiều thành phố hoặc tiểu bang đã biểu quyết về ngày 30 Tháng Tư, hoặc đã ghi nhận giá trị biểu tượng của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tại các nơi đó nhiều cử tri gốc Việt tham dự trong các cuộc bầu cử. Canada là nước đầu tiên ban hành một đạo luật hiệu lực trên toàn quốc, ghi nhớ ngày 30 Tháng Tư tượng trưng cho khát vọng tự do của loài người, dù các công dân gốc Việt chiếm khoảng 1% dân số. Người Việt ở các nước khác có thể nêu trường hợp Canada như một tiền lệ khi yêu cầu các đại biểu quốc hội noi theo gương Canada. Cho nên việc ban hành đạo luật Hành Trình Tìm Tự Do là một thắng lợi của người Việt tị nạn khắp thế giới, không riêng ở Canada. Thắng lợi này càng nổi bật lên vì chính quyền Cộng Sản đã phản đối và ngăn cản bằng nhiều cách trước khi dự luật được đem ra thảo luận. Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đã gửi thư cho Bộ Ngoại Giao Canada yêu cầu Quốc Hội không thảo luận bản dự luật S-219. Nguyễn Tấn Dũng chính thức gửi thư phản đối với Thủ Tướng Stephen Harper, còn đe dọa rằng dự luật này có thể làm phương hại quyền lợi thương mại và đầu tư của Canada ở Việt Nam. Những lời phản đối này được báo chí loan tải, các công dân Canada biết tin và theo dõi. Vì thế việc hai viện Quốc Hội Canada lần lượt biểu quyết chấp thuận bản dự luật ghi nhận ngày 30 Tháng Tư càng có ý nghĩa mạnh hơn! Một luật sư người Việt tại Canada, ông Vũ Ðức Khanh nhận xét: “Tôi nghĩ Hà Nội đang làm trò hề vì họ không hiểu luật chơi, không biết ở một nước dân chủ như Canada vận động ai.” Ở một nước tự do dân chủ ông thủ tướng không thể ra lệnh cho quốc hội như một nước độc tài đảng trị. Dù Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải thuộc cùng đảng với Thủ Tướng Harper nhưng trong Quốc Hội còn hai đảng lớn khác. Ðối với các vấn đề có tính cách nhân bản và lịch sử vượt trên các quyền lợi phe phái, các đại biểu chỉ bỏ phiếu theo lương tâm. Bộ Trưởng Jason Kenney, phụ trách đa văn hóa nói ông ủng hộ dự luật bởi đó là cách ghi nhớ thành tích của 60 ngàn người Việt “đã dám đánh đổi mạng sống để đi tìm tự do, và đã tìm được tự do tại Canada.” Nhiều công dân Canada gốc Việt đã điều trần trước Quốc Hội giải thích lý do tại sao nên ghi nhận ngày 30 Tháng Tư như một ngày tưởng niệm hàng năm. Ông Lê Duy Cấn, từng là hội trưởng Liên Hội Người Việt ở Canada nhiều năm và đề xướng lập Tượng Ðài Thuyền Nhân ở thủ đô Ottawa. Ông Cấn giải thích: Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, bỏ tù mấy trăm ngàn người và đầy ải những người khác lên các “vùng kinh tế mới” dân miền Nam quyết định phải chạy thoát chế độ cộng sản; một nhà báo Pháp đã nhận xét: Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy. Ðặc biệt, các người Việt gốc Hoa bị tống xuất ra biển, sống chết không cần biết. Ông nhắc tới thảm cảnh của các thuyền nhân vào năm 1978, 79 khi các nước Ðông Nam Á không chấp nhận cho họ cập bến. Tình trạng này gây xúc động cho mọi người dân Canada. Ông Cấn kể lại, lúc đó chủ tịch Công Ðoàn Canada là ông Dennis McDermott đã nói, “Rõ ràng là vấn đề thuyền nhân Việt Nam đã lớn lên thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo của cả thế giới. Các phản ứng duy nhất là phải hành động quyết liệt ngay lập tức. Một phong trào phát xuất từ phía người dân đã kêu gọi hành động, riêng tại thủ đô Ottawa đã có 3,000 người biểu tình thỉnh nguyện; trong một tháng có 347 nhóm đứng ra bảo trợ. Thị trưởng Ottawa lập “Dự án 4,000” để tiếp nhận bốn ngàn người tị nạn. Giáo Sư Howard Adelman ở Toronto đã sáng lập “Chiến Dịch Cứu Nạn” (Operation Lifeline). Trước làn sóng nhân đạo đó, Thủ Tướng Joe Clark quyết định nhận 50,000 người tị nạn, sau tăng lên 60,000. Một phụ nữ Việt Nam ở Quebec, cô Anne Quách Minh-Thu đã điều trần về chuyến vượt biển tìm tự do của gia đình cô, với hai đứa con mới hai, ba tuổi. Cô nói: “Hôm nay tôi được đứng nói ở Quốc Hội này là vì cha mẹ tôi đã trốn thoát và được tị nạn ở Canada, bắt đầu một cuộc đời mới trong hòa bình, tự lực lao động để sống còn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Canada vì lòng can trường của cha mẹ tôi và vì lòng hào hiệp của dân Canada, để hôm nay tôi được tham dự vào cuộc sống dân chủ của xứ sở này.” Sứ quán Việt Cộng cũng tìm được người ủng hộ họ ra điều trần trước Quốc Hội. Mai Thu ở Ottawa đã phê bình rằng nước Canada có bao nhiêu nhóm người tị nạn từ khắp thế giới đến, không nên chọn một ngày riêng cho dân Việt Nam. Ông còn nghi ngờ dự luật này có thể gây chia rẽ vì chỉ có một nửa trong số 220,000 người Việt ở Canada là dân tị nạn, những người khác thì không chống chính quyền hiện nay. Giáo Sư Nguyễn Duy Vinh ở Ottawa đã phản bác, nói rằng 90% những người “không tị nạn” là những thân nhân đã được người tị nạn bảo trợ. Mai Thu cũng biện hộ rằng chính quyền Việt Nam hiện nay không còn là Cộng Sản nữa mà theo kinh tế tư bản với khuynh hướng xã hội; nhưng ông Vinh đã vạch rõ chế độ độc tài tàn bạo hiện nay vẫn còn, mà điều số 4 trong Hiến Pháp vẫn cho đảng Cộng Sản Việt Nam toàn quyền chuyên chế. Trong bài điều trần của ông Lê Duy Cấn tại Quốc Hội Canada, ông kết luận rằng việc đưa tay đón nhận người Việt tị nạn là một chương sách sáng chói trong lịch sử Canada. Nó cho thấy tấm lòng từ bi và hào hiệp của dân tộc Canada trước những thảm cảnh của loài người khắp thế giới, trong đó có những người chạy trốn khỏi ách độc tài tàn bạo. Chương sách chói lọi này đáng được vinh danh, ghi vào lịch sử, bằng dự luật S-219. Nhờ các cuộc điều trần trước Quốc Hội Canada, các đại biểu được nhắc nhở tới thảm cảnh của các thuyền nhân chạy trốn Cộng Sản. Một điều không ai muốn nhắc tới vì nó quá bỉ ổi, là dã tâm của đảng cộng sản Việt Nam lợi dụng cả phong trào chạy trốn chế độ tàn ác của họ để trục lợi. Vào những năm 1978, 79, cả thế giới xúc động trước làn sóng người Việt tị nạn; trong khi đó các lãnh tụ và cán bộ cộng sản đã nhân cơ hội kiếm tiền, bằng cách bán chứng chỉ công nhận là Hoa kiều, và tiền “bán bến.” Một cán bộ cấp tỉnh kiếm nhiều tiền nhất chính là Nguyễn Tấn Dũng. Thái độ tính toán lạnh lùng của Việt Cộng không qua mắt được những quan sát viên ở ngoài, như Lý Quang Diệu. Tháng Năm năm 1979, một chiếc Anh quốc là Roach Bank cứu nhiều người tị nạn, nhưng tới Ðài Loan thì bị đó từ chối không cho lên bờ. Bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh đã viết thư nhờ ông Lý Quang Diệu ở Singapore can thiệp giúp, để chiếc tàu này không phải qua Hồng Kông, thuộc địa của Anh. Các nước cứ đổ lẫn cho nhau xem nước nào có bổn phận đón nhận người Việt tị nạn, ông Lý Quang Diệu đã viết trong thư trả lời: “Tôi tin rằng những tin tức về vấn đề người tị nạn qua truyền thông và qua phát ngôn viên các chính phủ phương Tây chỉ làm lợi cho chính quyền Việt Nam.” Cho nên, ông đề nghị: “Các nước này... nên tập trung vào việc vạch trần tính bỉ ổi của chính quyền Việt Nam. Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại cho nhân dân và các nhà lãnh đạo toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chính là những kẻ tích cực thúc đẩy cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng cho các nước Ðông Nam Á.” Nội dung bức thư này đã được nhà văn Phạm Thị Hoài dịch và công bố trên mạng. Ông Lý Quang Diệu nói với bà Thatcher rằng, “Chúng ta phải đẩy họ vào thế thủ. Các người lãnh đạo Việt Nam không phải là những thằng điên... Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề động lòng trắc ẩn với chính đồng bào của họ, nhưng làm con tính so sánh chi phí với lời lãi thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải suy xét lại đường lối hiện tại. Từ giờ đến lúc đó, họ sẽ còn tung ra hàng ngàn người tị nạn mỗi tuần.” Những con người “bỉ ổi, lạnh lùng, chỉ tính toán lời lỗ” sau đó quả nhiên đã “bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ.” Cho đến khi đất nước cùng kiệt và chế độ sắp tan rã vì cả khối cộng sản ở Châu Âu sụp đổ, họ mới thay đổi. Giờ này họ vẫn còn ngự trị trên quê hương chúng ta. Vì vậy, mỗi năm đến ngày 30 Tháng Tư người Việt Nam vẫn thấy là một ngày tang tóc. Nhưng từ năm nay, ngày 30 Tháng Tư còn có thể mang thêm một ý nghĩa mới: Ngày quyết tâm xây dựng tự do dân chủ. Nhờ các dân biểu và nghị sĩ Canada đã lắng nghe lương tâm và lẽ phải, Dự luật S-219 đã chính thức thành đạo luật “Hành Trình Tìm Tự Do,” có giá trị tích cực với 35 triệu dân Canada, và tất cả mọi con người yêu tự do trên thế giới. Chúng ta tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư bằng những nỗ lực cùng tất cả mọi người Việt Nam tranh đấu đòi dân chủ, cuộc Hành Trình Tìm Tự Do cho dân tộc sẽ tiến nhanh hơn. Theo nguoi-viet.com
......

Tưởng niệm và kỉ niệm

Tháng 4 năm nay giữa Úc và Việt Nam có một sự trùng hợp mang tính lịch sử. Úc kỉ niệm 100 năm ngày lính Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên bán đảo Gallipoli (Thổ Nhĩ Kì), gọi là Ngày ANZAC. Còn Việt Nam thì kỉ niệm 40 năm ngày "giải phóng miền Nam". Đối với Úc, Ngày ANZAC là tưởng niệm sự hi sinh của lính Úc trong trận chiến mà Úc là phía chiến bại, còn đối với Việt Nam thì đó là ngày kỉ niệm chiến thắng. Nhưng quan sát hai nơi kỉ niệm ngày trọng đại đó làm tôi suy nghĩ Việt Nam nên thay đổi cách kỉ niệm trong tương lai: nên dành ngày 30/4 hàng năm để tưởng niệm những người lính và đồng bào của hai miền đã hi sinh trong cuộc chiến. Hôm qua (Thứ Bảy, 25/4/2015) toàn nước Úc ngưng buôn bán nửa ngày để tưởng niệm 100 năm ngày quân đội Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên bán đảo Gallipoli của Thổ Nhĩ Kì đúng vào ngày đó năm 1915. Năm đó, liên bang Úc mới được 14 tuổi, tức còn rất non trẻ. Do đó, Úc rất muốn đóng góp cho thế giới, trước là chứng tỏ mình là công dân toàn cầu, sau là ngoại giao lấy tiếng. Lúc đó, Anh tuyên chiến với Đức và đồng minh của Đức là Thổ Nhĩ Kì. Mà, Úc và Tân Tây Lan là thành viên trong khối Commonwealth do Anh lãnh đạo, nên Úc và Tân Tây Lan tự động tham gia cuộc chiến. Anh giao cho hai nước non trẻ này nhiệm vụ đánh chiếm bán đảo Gallipoli. Khi lính Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên Gallipoli thì gặp kháng cự dữ dội của quân Thổ Nhĩ Kì, mà lính Anh thì không có hỗ trợ. Thế là tưởng rằng sẽ chớp nhoáng đánh chiếm Gallipoli, nhưng cuộc hành quân trở thành một bế tắc. Cuộc chiến kéo dài đến 8 tháng, và hai bên đều bị thương vong lớn. Hơn 8000 lính Úc hi sinh trong thời gian đó! Cần nói thêm rằng năm đó quân đội Úc chiến đấu trong đơn độc, không có sự hỗ trợ của "mẫu quốc" Anh. Do đó, Ngày ANZAC thực tế là một ngày tưởng niệm sự thất bại về quân sự của Úc, tưởng niệm sự hi sinh của những người lính Úc. Ngược lại, ngày 30/4 ở Việt Nam được xem là một ngày chiến thắng, ngày giải phóng miền Nam khỏi ách đô hộ của Mĩ Nguỵ. Nhìn chung thì đúng là ngày chiến thắng. Cũng là ngày thống nhất đất nước (dù trong thực tế, người dân của phân nửa đất nước chưa chắc muốn thống nhất). Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ và theo thời gian, hai khái niệm "chiến thắng" và "giải phóng" dần dần được xem lại, và đã có nhiều ý kiến chung quanh câu hỏi "ai giải phóng ai" hay "ai thắng ai". Thực tế hơn, nhiều người đặt câu hỏi: Về bản chất cuộc chiến đó tên gì? Anh em trong nhà đánh nhau, tức là nội chiến. Anh em trong nhà đánh cho người khác ở ngoài nhân danh chủ nghĩa ngoại lai, như vậy là cuộc chiến uỷ nhiệm. Dù là nội chiến hay chiến tranh uỷ nhiệm, thì người mất nhiều nhất và thiệt thòi nhất vẫn là dân tộc Việt Nam (sẽ nói thêm dưới đây). Tuy nhiên, điều tôi thấy thú vị khi quan sát là cách mà hai nước tổ chức buổi lễ. Ở Úc, buổi lễ mang tính cách tưởng niệm hơn là kỉ niệm. Họ tưởng niệm những người lính đã ngã xuống trong chiến tranh. Họ làm một cách rất nghiêm chỉnh. Tất cả các bang trên toàn quốc đều chọn buổi sáng sớm (đúng vào lúc lính Úc đổ bộ lên đảo) để làm lễ tưởng niệm. Gần như tất cả các hàng quán, doanh nghiệp đều ngưng hoạt động trong buổi sáng ngày thứ Bảy 25/4, có nơi ngưng nguyên ngày, để dồn tâm trí vào ngày tưởng niệm. Đài truyền hình và truyền thanh thì trực tiếp tường trình buổi lễ rất trân trọng. Trân trọng nhưng không có màu mè, không có những bài diễn văn lên gân làm anh hùng, không có những buổi duyệt binh theo hình thức khoa trương. Trân trọng là thấm đẫm tính nhân văn. (Cái này tôi cảm nhận thật, buổi lễ làm cho một người ngoài cuộc như tôi còn cảm động, chứ không phải tôi nịnh gì cái đất nước này). Còn ở Việt Nam thì làm hoàn toàn khác. Theo như báo chí mô tả thì năm nay sẽ có "hợp duyệt diễu binh". Nhìn qua những hình thì thấy rất tiêu biểu cho những cuộc duyệt binh ở Bắc Hàn và Tàu. Thật vậy, nhìn qua bức hình những người mặc đồng phục màu trắng cầm cờ màu máu đỏ trong một rừng người tôi thấy quen quen. Đây chính là motif của Bắc Hàn và Tàu, nơi mà người ta thích lấy màu đỏ làm màu chủ đạo trong duyệt binh. Cái hình các nam và nữ quân nhân đi theo kiểu một chân đứng và một chân trên mặt đất cũng là motif của Tàu và Bắc Hàn. Có lẽ cái motif này xuất phát từ truyền thống thời Liên Xô, nơi thường có những cuộc duyệt binh để thị uy sức mạnh quân sự, nhưng cũng [có lẽ là] đe doạ phương Tây. (Có điều thú vị là các nước hùng mạnh như Mĩ chẳng hạn thì họ chẳng có (hay có thì cũng rất rất ít) diễu binh theo kiểu khoe vũ khí như Việt Nam, nhưng họ là vua buôn bán vũ khí. Đúng là có hiện tượng thùng rỗng kêu to ở đây). Liên Xô thì họ còn có khả năng đe doạ nước khác, chứ Việt Nam thì tôi không chắc là đe doạ ai. Việt Nam nổi tiếng thế giới là nước đánh giặc giỏi, các nước trong vùng nể phục. Nói theo sử chính thống, có nước nào dám đánh và đánh bại các đội quân mạnh nhất nhì thế giới như Pháp và Mĩ. Chưa nói các thế kỉ trước đó, quân Tàu phải ôm đầu máu và tướng Tàu phải chui ống đồng về Tàu vì thất bại thảm hại ở Việt Nam. Nhìn như thế thì quả thật Việt Nam mạnh về quân sự. Nhưng thú thật, nhiều khi tôi hơi nghi ngờ về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Tính từ thế kỉ 20 trở đi, trong bất cứ cuộc chiến nào, quân đội Việt Nam cũng đều hi sinh rất nhiều, chắc chắn là nhiều hơn đối phương. Dĩ nhiên, có nhiều lí do về sự chênh lệch con số hi sinh, nhưng quan sát cuộc chiến xảy ra ở Tây Nam tôi thấy sự hi sinh như là "nướng quân". Khi Kampuchea dưới sự hỗ trợ của Tàu đánh ta và giết RẤT NHIỀU thường dân và cán bộ ta, thì phía Việt Nam chẳng làm gì cả (có lẽ giới lãnh đạo họ bận?). Đến khi tình hình quá cấp bách, khi quân KPC đánh chiếm cả làng xã ta, thì Việt Nam mới bắt đầu ra quân. Nhưng họ để cho những người dân và lính mới đi trước, chứ quân chủ lực… đi sau. Hàng vạn lính Việt Nam chết, phần lớn họ chỉ mới tham gia quân đội có mấy tháng và chưa được huấn luyện tốt. Có thể nói rằng trong cuộc chiến đó phía Việt Nam nướng quân quá nhiều. Ngay cả trong cuộc chiến với miền Nam và Mĩ, các tướng lãnh Mĩ cũng nói rằng Việt Nam nướng quân. Nếu con số thống kê đầy đủ (dĩ nhiên là chưa), số lính phe ta bị chết cao gấp 20 lần phe bên kia. Thật vậy, điều đáng nói mà tôi thấy ít ai đề cập đến là: Trong cuộc chiến đó, số người Việt Nam bị chết quá nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ thì số tử vong của các phe trong cuộc chiến là: • Miền Bắc: hơn 1.1 triệu lính; • Miền Nam Việt Nam Cộng hòa: hơn 300 ngàn lính; • Mĩ: 58 ngàn lính; • Hàn Quốc: khoảng 5 ngàn lính; • Úc: khoảng 500 lính. Cái hình ảnh, cái ấn tượng quân đội Việt Nam hùng mạnh càng ngày càng làm nhiều người tự đặt ra nhiều câu hỏi. Nếu mình mạnh, sao không chiến lại Hoàng Sa và Trường Sa? Nếu mình mạnh thì tại sao khi Tàu khiêu khích, chúng ta im lặng? Nếu mình tinh nhuệ thì sao mỗi lần tập trận là có vấn đề (như hai máy bay Su rớt gần đây)? Do đó, tôi hơi nghi ngờ về sức mạnh của quân đội Việt Nam. Cứ mỗi lần về Việt Nam và máy bay đáp xuống phi trường TSN là tôi thấy buồn buồn. Những chiếc máy bay quân sự cũ kĩ, rỉ sét đậu trong phi trường trông rất thảm hại. Có khi thấy trực thăng được phủ bằng… vải. Mới đây, khi xung đột giữa ta và Tàu xảy ra trên biển, chún ta mới biết rằng tàu hải quân, hải cảnh của ta rất cũ, chỉ bị Tàu nó đụng vào là biến dạng ngay. Tôi nhớ có lần một tàu hải quân Việt Nam sang thăm hữu nghị bên Tàu, báo Hoàn Cầu nó in hình tàu Việt Nam rỉ sét và mỉa mai nói "Tàu bè thế này mà họ vẫn còn chiếm đóng đảo của ta"! Do đó, khó có thể nói sức mạnh quân sự gì với những "hành trang quân sự" như thế. Thì ai mà không biết nước ta còn nghèo, nhưng muốn nói rằng quân đội Việt Nam hùng mạnh thì tôi nghĩ cần phải có thêm bằng chứng. Nhiều khi chúng ta quen miệng nói theo tuyên truyền rằng ngày 30/4 là ngày miền Nam được giải phóng. Nhưng suy nghĩ lại xem: có thật sự giải phóng? Thông thường, giải phóng có nghĩa là làm cho người bị kìm kẹp thoát ra khỏi vòng cương toả của ai đó. Nhưng trong trường hợp miền Nam trước 1975 thì có ai kìm kẹp dân chúng đâu. Trong thực tế, người miền Nam sống tự do hơn đồng hương miền Bắc, và đó là một thực tế không thể chối cãi. Một thực tế khác là sau 1975 thì người miền Nam mới thực sự bị kìm kẹp. Nhìn như thế mới thấy hai chữ "giải phóng" có vấn đề. Có lẽ chính vì thế mà mấy năm sau này, danh từ "giải phóng" càng ngày càng ít được dùng hơn, và theo tôi đó là một tín hiệu tích cực. Còn "chiến thắng"? Nếu nhìn chung, toàn cục, thì quả thật đó là một chiến thắng. Biểu tượng rõ ràng nhất là người Mĩ cuốn cờ rút khỏi Sài Gòn, và cờ Việt Nam Cộng hòa bị hạ xuống, thay thế bằng cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. (Ngày nay, có mấy ai còn nhớ đến cái "mặt trận" này?) Nhưng nếu nhìn kĩ vào chi tiết và những gì xảy ra sau đó, thì tôi thấy cần phải dè dặt với hai chữ "chiến thắng". Mĩ họ không bao giờ nghĩ rằng quân đội họ thua trận; họ chỉ rút quân vì tình thế chính trị thôi. Còn phía ta, ngay cả Đại tướng Lê Đức Anh cũng thú nhận rằng: "Việc chúng ta năm nào cũng nói đến việc thắng Pháp, Mỹ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thì có đúng không? Theo tôi là chưa đúng. Pháp, Mỹ đều là các siêu cường cả về khoa học, kỹ thuật, quân sự đến Liên Xô thắng được phát xít Đức cũng phải nể. Thời điểm đó, mình thắng Mỹ làm sao được, mình là một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa có vũ khí gì hết, không làm ra được 1 chiếc ô tô, xe máy. Đó là chúng ta bảo vệ được độc lập và Pháp, Mỹ phải rút quân. Sự thực như thế nào nói như thế, không được nói dối." (Trích phát biểu của tướng Lê Đức Anh trên báo Giáo dục Việt Nam 25/1/2012). Chiến thắng gì khi mà xong cuộc chiến thì cả nước lâm vào cảnh khốn cùng, bị phía bên kia trừng phạt suốt 20 năm trời, và cuối cùng phải đi cầu cạnh chính cái kẻ mà mình đánh đuổi nó ra khỏi nước. Hệ quả của cuộc chiến còn thê thảm hơn nữa. Nó đẩy đất nước vào nghèo đói triền miên. Cho đến nay vẫn còn nghèo. Cả triệu người bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có nhiều người bỏ nước ra đi như thế. Do đó, tôi nghĩ kỉ niệm ngày 30/4 thì cũng nên kỉ niệm. Nhưng hình thức và cách làm cần phải suy nghĩ lại. Tôi không lặp lại những lời kêu gọi hoà hợp hoà giải dân tộc mà nhiều người đã nói (vì thấy đồng ý quá); tôi chỉ muốn nói rằng cần phải biến ngày 30/4 là ngày TƯỞNG NIỆM, chứ không phải kỉ niệm chiến thắng. Nên nhớ rằng ngoài số hơn 1.5 triệu lính của hai miền hi sinh, còn có 2 đến 5 triệu người dân hi sinh trong cuộc chiến. Chưa bao giờ trong lịch sử người Việt chết nhiều như thế. Đừng đổ thừa cho ngoại bang, mà hãy trước hết hỏi chính mình tại sao để chiến tranh xảy ra. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một tựa đề bài báo rất có ý nghĩa trên Việt Namexpress sáng nay, và tôi đồng ý: "Chiến tranh không bao giờ là ngày hội" (*). Không có một chuẩn mực đạo lí nào cho phép chúng ta ăn mừng trên những cái chết như thế. Thay vì ăn mừng, chúng ta nên dành ra một ngày để tưởng niệm những cái chết của người Việt trong cuộc chiến (như người Úc làm). N. V. T. === (*) http://giaitri.vnexpress.net/…/chien-tranh-khong-bao-gio-la… Theo  facebook.com/drtuanvnguyen/
......

Nhìn Lại 40 Năm Ngày Quốc Hận 30/4

Radio Chân Trời Mới Phỏng Vấn Ông Lý Thái Hùng http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/04/20150426-ctm-... Để nhìn lại Việt Nam 40 năm qua dưới chế độ Cộng sản từ sau khi cuộc chiến tranh tương tàn chấm dứt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thanh Thảo, Radio Chân Trời Mới phỏng vấn ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân. Sau đây là nội dung trao đổi. Radio CTM (Thanh Thảo): Ngày 30/4/1975 là ngày kết thúc cuộc chiến sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lãnh đạo Hà Nội gọi đây là ngày “giải phóng miền Nam”. Nhiều người dân miền Bắc thì gọi là ngày “thống nhất đất nước”. Người dân miền Nam và Cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại thì gọi là ngày Quốc Hận. Theo quan điểm của ông thì 30/4 mang ý nghĩa gì? Lý Thái Hùng: Đúng như chị chia xẻ ngày 30/4 của 40 năm về trước đã mang ba tên gọi khác nhau tùy theo vị trí của từng người vào thời điểm xảy ra biến cố này. Nhưng sau 40 năm trải qua những thăng trầm của đất nuớc dưới sự cai trị độc tài của đảng CSVN, cái gọi là ngày “giải phóng” không còn ai nhắc đến nữa, ngoại trừ lãnh đạo và bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Những người đã từng vào sinh ra tử ở cả hai miền Nam Bắc, đóng góp vào biến cố 30/4 hầu hết đã cảm thấy bị phản bội và không còn coi ngày này là ngày giải phóng như CSVN rêu rao. Thay vì gọi là ngày giải phóng, cách gọi ngày 30/4/1975 là ngày thống nhất chỉ nói lên sự gượng ép theo vở tuồng “Hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền Nam và miền Bắc” do chính những người của đảng CSVN diễn xuất vào năm 1976. Theo tôi, ngày 30/4 đích thực phải là ngày Quốc Hận từ những sai lầm sau đây của CSVN: Sai lầm đầu tiên của chế độ chính là sự trả thù quân cán chính và thân nhân của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa do chính sách hận thù và ngược đãi của kẻ chiến thắng, khiến cho hàng triệu người phải sống trong nỗi kinh hoàng trên một đất nước gọi là hòa bình, thống nhất. Điều đau xót nhất sau năm 1975 là hàng trăm ngàn người ở vào tuổi thanh xuân, có nhiều năng lực nhất để đóng góp cho công cuôc phục hưng đất nước sau chiến tranh, lại bị giam cầm trong những trại tù khắc nghiệt gọi là trại cải tạo không biết ngày về. Sài lầm thứ hai là phá đổ toàn bộ xã hội miền Nam vốn được xây dựng trên nền tảng tự do, nhân bản và tiến bộ trong hai mươi năm (từ 1955 đến 1975) để thay thế bằng chế độ tem phiếu, công an trị và giáo dục ngu dân. Hậu quả là xã hội ở miền Nam đã nhanh chóng bị san bằng bởi chính sách bần cùng hóa của miền Bắc, nền tảng gia đình đã bị phá nát khi không còn là chỗ dựa mà đã biến thành nơi canh chừng, nghi ngờ, tố cáo lẫn nhau giữa các thành viên. Sai lầm thứ ba là tham vọng cộng sản hóa miền Nam để thành lập Liên bang Đông Dương làm bàn đạp cộng sản hóa Đông Nam Á. Chính vì tham vọng bành trướng chủ nghĩa vô sản quốc tế này, ngay sau khi chiếm miền Nam, lãnh đạo Hà Nội đã lập tức khống chế Lào và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia, gây ra một cuộc chiến tương tàn đe dọa nền hòa bình Đông Nam Á từ năm 1979 đến khi Hà Nội buộc phải rút quân ra khỏi Campuchia năm 1989. Những chính sách sai lầm khủng khiếp này đã đưa đến cuộc bỏ phiếu bằng chân của hàng triệu người Việt, đánh đổi mạng sống của chính mình bằng hành trình vượt biên, vượt biển để tìm tự do - chưa từng xảy ra trong lịch sử nước nhà. Thảm kịch thuyền nhân Việt Nam đã trở thành một bi kịch lớn của nhân loại vào đầu thập niên 80 khi hàng trăm ngàn thuyền nhân bị vùi thây trên biển Đông, đánh động lòng từ tâm của thế giới; nhưng lãnh đạo CSVN thì lại dửng dưng gọi đó là “tàn dư của Mỹ Ngụy”. Những bi kịch đau thương xảy ra cho người dân Việt Nam sau ngày 30/4 vẫn còn tiếp tục kéo dài cho đến ngày hôm nay, và chỉ có hai chữ Quốc Hận mới lột tả hết ý nghĩa của ngày 30/4. Song song, cũng chính tinh thần Quốc Hận của 30/4 đã phát sinh ra cuộc đấu tranh mới của toàn thể dân tộc ở cả hai miền Nam Bắc. Thanh Thảo: Như vậy thì 40 năm qua, Việt Nam dưới chế độ Cộng sản Việt Nam là một đất nước như thế nào, thưa ông? Lý Thái Hùng: Sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam vào thời điểm tháng 4/1975 đã khiến cho lãnh đạo Hà Nội tự mãn và cho rằng họ đứng trên “đỉnh cao trí tuệ” của loài người, là trung tâm của thế giới vì đã chiến thắng cường quốc Hoa Kỳ và lãnh đạo của thế giới tự do. Chính sự cao ngạo này đã khiến Hà Nội vội vã đưa Việt Nam rơi vào bốn thảm kịch lớn tiếp tục kéo dài đến ngày nay. Thứ nhất là bần cùng hóa xã hội Việt Nam bằng chế độ vô sản chuyên chính triệt để. Hậu quả của chủ trương này đã phá hủy toàn bộ xã hội miền Nam từ vật chất đến tinh thần, làm ảnh hưởmg trầm trọng đến khả năng vươn lên của miền Nam nói riêng và toàn thể đất nước nói chung. Thứ hai là gieo rắc chiến tranh và thù nghịch đến các lân quốc, đặc biệt là đối với Campuchia và biên giới phía Bắc với Trung Cộng, khiến cho Việt Nam bị thế giới cô lập trong nhiều năm dài, đồng thời làm hao tổn thêm sinh mạng và tài nguyên dân tộc. Hậu quả là CSVN phải dựa vào khối cộng sản Liên Xô thời đó để sống còn. Thứ ba là ngược đãi và phân biệt đối xử đối với người dân miền Nam, đặc biệt là đối với con em trong các gia đình có người thân là quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa như không được ghi danh vào đại học, không được nhận vào các cơ quan quốc doanh. Hậu quả của chính sách ngược đãi này đã biến hàng triệu người thành loại “công dân hạng hai” trên một đất nước gọi là hòa bình, thống nhất, làm phí phạm nhân tài của đất nước, và khiến hiện tượng “chảy máu chất xám”, vượt biên gia tăng. Thứ tư là nạn tham ô, cửa quyền phát sinh từ bộ máy độc đảng, độc quyền của đảng CSVN đã làm cho đất nưóc Việt Nam tiếp tục suy kiệt vì tài nguyên quốc gia chạy vào túi riêng của cán bộ các cấp dưới những kế hoạch đầu tư hoang tưởng. Nói tóm lại, 40 năm qua, đất nước Việt Nam đã bị biến thái thành một xã hội phân cực giàu nghèo một cách cùng cực vì nạn tham ô, chuyên quyền và sứ quân của chế độ toàn trị. Thanh Thảo: Trong phần chia xẻ vừa rồi ông có đề cập ngày 30/4 là khởi điểm của một cuộc đấu tranh mới. Tại sao gọi là mới và nhìn lại 40 năm qua, cuộc đấu tranh đã có những diễn tiến và thành tựu như thế nào thưa ông? Lý Thái Hùng: Tôi nghĩ cuộc đấu tranh mà dân tộc Việt Nam đang tiến hành kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cuộc đấu tranh mới vì hai lý do sau đây: Thứ nhất, đây là cuộc đấu tranh không nhằm phục hồi lại chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam mà có mục tiêu triệt để là chấm dứt ách độc tài của đảng cộng sản trên toàn thể đất nước. Chính vì mục tiêu này mà cuộc đấu tranh đã không chỉ giới hạn ở miền Nam hay ở miền Bắc mà đã lan rộng trên toàn thế giới với sự tham gia và hưởng ứng của người Việt yêu nước khắp nơi. Thứ hai, đây không phải là cuộc chiến tranh dựa trên súng đạn, xe tăng, máy bay theo lối đánh quy ước trước năm 1975, mà là cuộc đấu tranh dựa trên sự căm phẫn của người dân vùng lên chống lại một thiểu số cai trị độc tài. Nói cách khác, cuộc đấu tranh hiện nay là cuộc đấu tranh “dựa trên chính nghĩa để huy động toàn dân, dựa trên chính nghĩa để tranh thủ thế giới và dựa trên chính nghĩa để khuất phục đối thủ”. Đây là cuộc đấu tranh “toàn dân, toàn diện” mà ai cũng có thể tham gia và cần tới tất cả mọi người, trong mọi lãnh vực để bao vây, tạo áp lực và làm ruỗng nát các cột trụ chống đỡ chế độ. Với nền tảng mới của cuộc đấu tranh sau năm 1975 như vậy, nhìn lại những nỗ lực đấu tranh và tình hình đất nước trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Khối 8406 ra đời vào tháng 4 năm 2006 cho đến nay, chúng ta có thể tóm gọn qua hình ảnh của 5 đợt sóng như sau: 1. Đợt sóng đầu tiên phải nói đến sức đấu tranh bền bỉ và can đảm của các nhà đấu tranh dân chủ và bà con dân oan đã từng lớp nhồi cưỡi lên nhau, chồng chất vươn cao: đợt đầu bị bắt, bỏ tù thì lại có đợt sau xuất hiện đông hơn, tỏa rộng hơn, quyết liệt hơn. 2. Đợt sóng thứ hai chính là sự chán chường, mất niềm tin trong nội bộ đảng CSVN tạo ra làn sóng thoái đảng, chống đảng, bỏ đảng đang đe dọa sự tồn vong của chế độ. 3. Đợt sóng thứ ba là những hỗ trợ của dư luận quốc tế, của các tổ chức nhân quyền thế giới tỷ lệ thuận với nỗ lực đấu tranh của người Việt Nam. Đặc biệt là những hỗ trợ này đã tiến hành ngay tại Việt Nam. 4. Đợt sóng thứ tư là sự xuất hiện của mạng Internet và mạng xã hội đã phá vỡ bức màn bưng bít củc CSVN với sự ra đời của làn sóng truyền thông lề trái - còn gọi là truyền thông phi nhà nước - gây rất nhiêu lúng túng cho chế độ. 5. Đợt sóng ngầm sau cùng chính là thượng tầng lãnh đạo không còn là khối thuần nhất với sự kèn cựa, đấu đá lẫn nhau giữa các phe nhóm mà biểu hiện rõ nhất hiện nay là phe bám vào Trung Quốc và phe chủ trương thoát vòng lệ thuộc Trung Cộng. Cả 5 đợt sóng đang hòa mình trổi dậy thành ngọn sóng thần, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong hoàn cảnh sôi sục và chín mùi của đất nước chúng ta ngày hôm nay, và sẽ quét sạch đi mọi tàn tích của độc tài đảng trị để dân tộc có cơ hội vươn lên. Và mỗi một chúng ta đều có thể đóng góp phần nhỏ bé nhưng thiết yếu của mình vào đại cuộc chung. Thanh Thảo: Song song với công cuộc đấu tranh tại Quốc Nội, theo ông thì trong 40 năm qua, Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đã có những đóng góp gì đáng kể vào công cuộc chung bên cạnh những thành tựu trên con đường hội nhập nơi xứ người? Nhờ sống trong môi trường tự do và dân chủ tại các quốc gia tiếp cư, người Việt tỵ nạn – tuy rất vất vả trong những ngày đầu lưu vong – nhưng hầu hết mọi người đã nhanh chóng tạo dựng một cuộc sống ổn định và đa số có mức sống trên trung bình. Đây là những nhân tố quan trọng góp phần tạo ra những trung tâm thương mại to lớn của Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu, Pháp, Đức... Đồng thời những trung tâm này đã trở thành một tiêu biểu cho sức vươn lên của khối người Việt hải ngoại trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đối với quốc gia tiếp cư. Nhưng điểm đáng nói của Cộng đồng người Việt hải ngoại trong 40 năm tỵ nạn là giữ vững lập trường đấu tranh chống độc tài cộng sản một cách quyết liệt và không khoan nhượng trước những chính sách chiêu dụ “hòa giải, hòa hợp” của thiểu số lãnh đạo CSVN. Nhờ vậy mà Cộng đồng hải ngoại đã đóng góp 3 nỗ lực rất thiết yếu cho công cuộc đấu tranh chung hiện nay. 1/Tranh thủ sự hậu thuẫn của thế giới đối với công cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa hiện nay của dân tộc Việt Nam. Đồng thời vận động thế giới áp lực CSVN phải tôn trọng nhân quyền và ngăn chận những đàn áp đối với các nhà dân chủ tại Việt Nam. 2/Làm cho CSVN thất bại trong kế hoạch bao vây kinh tế đối với các nhà dân chủ và những người yêu nước bằng sự kiên trì hỗ trợ tài chánh, phương tiện để bà con quốc nội có điều kiện thăm nuôi thân nhân bị tù, thuốc men chữa bệnh; mướn luật sư bênh vực, nhất là giúp bà con dân oan có phương tiện đi tìm công lý… 3/Góp phần phá vở bức màn bưng bít của CSVN dưới nhiều hình thức và nhất là tạo một chỗ dựa tình thần cho các nhà dân chủ, các tổ chức đấu tranh trong nước để có thể vượt qua tình trạng khống chế, cô lập của bộ máy an ninh. Nói tóm lại, sự hiện hữu của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại sau năm 1975 đã trở thành một nhân tố quan trọng hỗ trợ cho phong trào dân chủ ngày một lớn mạnh, vượt qua mọi khó khăn, sóng gió để từng bước đối đầu công khai với chế độ Hà Nội. Thanh Thảo: Nhìn lại sức mạnh của đảng CSVN vào lúc họ chiếm miền Nam ngày 30/4 năm 1975 so với tình trạng của đảng CSVN ngày nay, ông nhìn về viễn cảnh tương lai Việt Nam trong thời gian tới như thế nào thưa ông? Lý Thái Hùng: So sánh CSVN khi tiến chiếm Sài Gòn 40 năm trước đây với ngày hôm nay, chế độ Hà Nội hiện đang bị suy yếu đi rất nhiều. Sự suy yếu này là hệ quả tất nhiên của đường lối cai trị thoái hóa, lạc hậu của chế độ; nhưng quan trọng nhất vẫn là ý chí và sức mạnh đấu tranh của đại khối dân tộc ở trong và ngoài nước đang ngày càng thêm lớn mạnh; CSVN không còn có thể dập tắt như nhiều thập niên trước đây. Những diễn biến xã hội như vụ chống chặt cây xanh ở Hà Nội, chống lấn, lấp sông Đồng Nai, chiếm Quốc lộ 1A để chống ô nhiễm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II tại Bình Thuận, vụ đình công tại khu chế xuất Tân Tạo chống điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội vân, vân... đã đưa ra tín hiệu rằng tình hình Việt Nam đang bước vào một giai đoạn bất ổn khó lường. Từ nền kinh tế suy sụp trầm trọng, tới những rạn nứt không thể phủ nhận trong nội bộ lãnh đạo đảng CSVN và nhất là tình trạng biến loạn xã hội đang chực chờ bùng nổ; tất cả đang tạo ra những áp lực thay đổi thể chế chính trị mạnh mẽ tại Việt Nam trong một tương lai rất gần. Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.
......

Từ giàn khoan HD 981 đến căn cứ Gạc Ma

Từ Giàn Khoan HD 981…. Ngày 2/5/ 2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt tại một khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với một lực lượng tàu chiến hùng hậu hộ tống. Ngày hôm sau 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc lên tiếng cảnh báo tàu thuyền nước ngoài trong ba tháng không được tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý chung quanh HD 981. Phạm vi này được tăng gấp ba lần kể từ ngày 5/5 sau khi Cộng sản Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối. Đây là một biến cố đột ngột làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh vốn không còn mấy đầm ấm sau khi Trung Cộng công bố đường lưỡi bò thâu tóm 80% Biển Đông. Nó cũng khiến cho lãnh đạo CSVN lúng túng tìm kế sách đối phó trong hoàn cảnh Việt Nam đang lún sâu vào vòng lệ thuộc mọi mặt của Bắc Kinh. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác trong khu vực tiếp giáp Biển Đông rất quan tâm về những cuộc đàm phán giữa Hà Nội và Bắc Kinh vốn có cùng chung ý thức hệ cộng sản. Đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào Biển Đông, Trung Cộng để lộ ý đồ muốn kiểm soát biển Đông sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hôm 23/22/2013. Đó là bước đi đầy tham vọng nhằm xác lập vị trí số một của một cường quốc đại dương mà Trung Cộng ấp ủ từ lâu hầu trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới. Vì thế, Trung Cộng mang giàn khoan HD 981 vào trong lãnh hải Việt Nam không phải để “răn đe” Hà Nội mà thực chất là “thách thức” chính sách xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Nói cách khác, Trung Quốc đã dùng HD 981 như một con bài để thách thức phản ứng của Hoa Kỳ trong tình trạng Việt Nam và Phi Luật Tân bị Bắc Kinh “coi thường”. Nhưng phản ứng của Hoa Kỳ được mô tả là có chừng mực trong khuôn khổ ngoại giao. Không ai mong muốn một cuộc chiến tranh dù là cục bộ, kể cả Việt Nam và Trung Quốc có lúc gia tăng căng thẳng đối đầu quanh giàn khoan HD 981, nhưng chỉ bằng những khẩu súng bắn nước. Thật sự Hoa Kỳ cũng chưa đủ cảm thấy bị đe dọa trực tiếp nên chỉ tăng cường sức phòng thủ cho đồng minh Philippines một cách hạn chế. Việt Nam tự lượng sức mình nên liên tục nhẫn nhục, ngay cả một nghị quyết phản đối của quốc hội cũng không được đưa ra. Mặt khác, cho dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cao giọng khi thăm Philippines rằng sẽ xem xét việc đưa vấn đề Biển Đông ra trước một tòa án quốc tế theo chân Philippines; nhưng đó cũng chỉ là những lời tuyên bố nhằm xoa dịu dư luận mà thôi. Đến căn cứ Gạc Ma Sau khi rút giàn khoan HD 981 về vùng biển Nam Hải, Trung Quốc lại ra đòn mới. Đó là gia tăng việc bồi đắp và xây dựng các bãi đá chìm ở quần đảo Trường Sa với một tốc độ chưa từng thấy. Ít nhất 7 bãi đá trong đó có Gạc Ma thuộc quần đảo này mà Trung Cộng chiếm của Việt Nam năm 1988 đang được biến thành những căn cứ quân sự, song song với việc củng cố những cơ sở có sẵn ở Hoàng Sa. Bãi đá Gạc Ma trên thực tế là một rạng san hô thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần đảo Gạc Ma chìm dưới nước, nằm cách đá Cô Lin hơn 3km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn. Thế nhưng với những phương tiện hiện đại, lớn lao và những nỗ lực không ngừng Trung Cộng đã và đang bồi đắp Gạc Ma thành một đảo nổi giữa đại dương. Với tốc độ xây dựng hiện nay, theo đánh giá của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly, năm 2016 Gạc Ma trở thành một căn cứ quân sự vững chắc của Trung Cộng với sân bay và đường băng dài 3.000 mét. Rõ ràng những hoạt động này nằm trong một dự án có tầm vóc chiến lược khống chế toàn bộ Biển Đông bằng quân sự bất chấp Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ và Đồng Minh. Vì chỉ có làm chủ được Biển Đông, Trung Cộng mới thoát khỏi tình trạng bị cô lập bởi một vòng xích sắt chặt chẽ từ Đông Bắc Á đến eo biển Malacca. Trên bản đồ thế giới, Biển Đông với lực lượng hùng hậu của hải quân Hoa Kỳ là tử lộ đồng thời là sinh lộ của Trung Cộng trong tương lai. Nhưng sau khi hoàn tất những pháo đài quân sự giữa Biển Đông như Gạc Ma, Trung Cộng không thể không đưa ra lá bài hỗ trợ cho sinh lộ của mình. Đó là, tương tự như biển Hoa Đông năm 2013, Trung Cộng sẽ tuyên bố việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông chỉ còn là thời gian, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự thế giới. Xung đột Biển Đông? Những hảnh động của Trung Cộng trong một năm qua nói trên, nhiều nhà phân tích đã nêu ra câu hỏi là liệu chiến tranh có xảy ra hay cuộc xung đột gói gọn trong những ngôn từ ngoại giao mang tính chất chiến tranh lạnh? Nhiều phần là sẽ không diễn ra một cuộc xung đột quân sự ở Biền Đông nếu Trung Cộng tiếp tục giới hạn trong những hành động răn đe Việt Nam và Philippines hơn là trực tiếp đối đầu với Hoa Kỳ. Hơn ai hết Trung Cộng thừa biết với một quân số trên 2 triệu người không phải là yếu tố quyết định cho một trận chiến trong tương lai đối với Hoa Kỳ, ngay cả với Việt Nam quân số ít hơn 5 lần. Cho dù Trung Cộng có khoe khoang về một hạm đội tàu ngầm còn trong vòng bí mật ở căn cứ đảo Hải Nam, hay úp mở nói rằng sắp đóng một loạt hàng không mẫu hạm tối tân, nhưng cũng không ai tin rằng họ có thể tạo ra một Trân Châu Cảng thứ hai như người Nhật đã làm năm 1941. Khả năng chiến đấu của lực lượng bộ binh Trung Cộng được mô tả thuộc loại lỗi thời trên thế giới, và quan trọng nhất là trình độ phối hợp tác chiến không – hải – lục quân vẫn còn trong tình trạng phải huấn luyện. Tuy không muốn tạo ra tình trạng xung đột, Trung Cộng vẫn phải ráo riết việc bồi đắp các đảo hiện nay là vì muốn dùng các căn cứ quân sự này làm bàn đạp cho những đàm phán tương lai. Lý do đơn giản là Trung Cộng biết chắc họ sẽ thua trong vụ kiện của Phi Luật Tân về đường lưỡi bò chín khúc mà Tòa Trọng Tài Tối Cao Liên Hiệp Quốc sẽ ra phán quyết vào tháng 6/2016. Khi Bắc Kinh đặt thế giới trước một sự đã rồi thì dù có thua kiện, chiến thuật thương thuyết đơn phương sẽ trở nên dễ dàng hơn để Bắc Kinh khuyến dụ các nước liên quan phải chấp nhận. Về phần Việt Nam, những người cộng sản chưa bao giờ chứng tỏ được quyết tâm bảo vệ đất nước trong tất cả mọi trường hợp. Quyền lợi của dân tộc đáng lẽ phải được đặt trên hết nhưng họ đem đánh đổi với sự tồn tại của đảng. Gần đây nhất, trong chuyến viếng thăm Trung Quốc của Nguyễn Phú Trọng từ 5-7/4/2015, sự quy phục của đảng được tiếp tục thể hiện qua bản thông cáo chung giữa hai bên. CSVN tiếp tục kiên trì nỗ lực thực hiện tốt phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Đồng thời cam kết nghiêm túc tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” từ 2012. Rõ ràng là CSVN đang rơi vào thủ đoạn đàm phán “song phương” và để cho đất nước và tài nguyên của Việt Nam lần lượt rơi vào sự khống chế và chiếm đóng của Bắc Phương. Phạm Nhật Bình 24/4/2015 Theo viettan.org
......

Vì sao chưa bầu được Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam?

Mặc dù Đại hội Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã bế mạc hôm nay, nhưng chức danh Chủ tịch vẫn chưa bầu được, vì nhân vật "Đãng" muốn áp đặt vào ghế đó là Lê Thúc Anh bị các luật sư bất tín nhiệm bằng lá phiếu, dù chỉ nửa vời, của mình. Công lý Việt Nam! Nhân vật thứ hai được Đãng cài cắm trù bị cho chiếc ghế đó là Phạm Quý Tỵ, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp, lại nhận phiếu tín nhiệm quá thấp, nên Đãng đành áp dụng kế hoạch chẳng đặng đừng là chờ Hội đồng Luật sư Toàn quốc bầu sau. Số thành viên hội đồng này ít nên chắc chắn Đãng dễ kiểm soát, thao túng và áp đặt hơn. Không có chủ tịch. Chỉ có 4 phó chủ tịch được bầu chủ trì họp báo sau ĐH Chính Luật sư Phan Trung Hoài thừa nhận rằng rất nhiều người quan tâm đến vấn đề tại Đại hội lần này là Hội đồng Luật sư Toàn quốc chưa bầu được chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thông tin hành lang của các luật sư tham dự Đại hội cho biết chắc chắn ông Phạm Quý Tỵ sẽ được chọn trong cuộc họp sắp tới của Hội đồng Luật sư Toàn quốc, dù vị này đang bị các luật sư tín nhiệm thấp. Cần lưu ý rằng, cả hai nhân vật Lê Thúc Anh, cựu Phó Chánh án Toà tối cao, và Phạm Quý Tỵ, cựu Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đều là luật sư trên danh nghĩa, tức vẫn có chứng chỉ hành nghề, nhưng chưa bao giờ hành nghề như một luật sư ngày nào, và trở thành luật sư cốt để ngồi vào chiếc ghế do Đãng sắp đặt sẵn nhằm bảo đảm rằng hoạt động chung của giới luật sư phải chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đãng. Trong khi các luật sư có nhiều kinh nghiệm và đầy tâm huyết với nghề luật sư, luôn nhận được tín nhiệm cao của các đồng nghiệp, thì hoặc bị gạt ra ngoài hoặc chỉ ngồi vào các ghế phó nhằm trang trí cho bộ mặt "dân chủ" của tổ chức nghề nghiệp này mà thôi. Nhìn các cuộc bầu cử dân chủ trá hình của các Đoàn luật sư tại các tỉnh thành cả nước và của chính Liên đoàn Luật sư Việt Nam, có thể thấy rằng ngày nào Đãng còn chuyên chế như bấy lâu nay, thì ngày đó mọi cuộc bầu cử đều là hình thức, hoàn toàn thiếu vắng sắc thái tự do và minh bạch thực sự. Nói rộng ra, Quốc hội, Toà án hay Chính quyền từ cao đến thấp đều chỉ gồm những gương mặt được Đãng cử và chọn cả, dân đi bầu để làm bình phong cho đẹp. Không thể trông mong gì hơn. Cái gọi là bầu cử ở xứ "dân chủ gấp triệu lần" này được mỗi việc là làm tốn tiền và thời gian của thiên hạ, thế thôi! Theo facebook.com/LSLeCongDinh ++++ ĐH Liên Đoàn Luật sư VN lần II: tiếp tục rơi vào bế tắc khi chọn chủ tịch http://www.ttdq.de/node/2198
......

ĐH Liên Đoàn Luật sư VN lần II: tiếp tục rơi vào bế tắc khi chọn chủ tịch

ĐẠI HỘI LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ TOÀN QUỐC Sáng ngày 18/4, Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II đã khai mạc tại Hà Nội. Tới dự có ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn An, ông Nguyễn Văn Yểu , ông Nguyễn Doãn Khánh, ông Hà Hùng Cường, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và 385 đại biểu chính thức đại diện cho 9.436 luật sư, trên 3.500 luật sư tập sự trên cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi lẵng hoa chúc mừng đại hội. Các LS tham dự Đại hội là đảng viên được gặp gỡ, "dặn dò" trước khi tham dự, các LS phía Nam cũng được Thành uỷ quan tâm, "chăm sóc đặc biệt" trước khi ra HN tham dự Đại hội. Nguyên Chủ tịch Liên Đoàn - ông Lê Thúc Anh. Ông là nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã nghỉ hưu, và chưa từng có nổi 1 ngày hành nghề luật sư, nhưng đã lãnh đạo giới LS Việt Namtừ năm 2009 đến nay. Nhưng, may mắn thay ông Lê Thúc Anh đã không trúng Hội đồng Luật sư. Một kịch bản được một số người tiết lộ: "Cơ cấu ông Lê Thúc Anh tiếp tục làm Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư VN, nếu ông Lê Thúc Anh không trúng thì bầu ông Phạm Quý Tỵ nguyên là Chánh án Toà án nhân dân TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Uỷ ban tư pháp Quốc Hội, Thứ trưởng Bộ tư pháp. Nếu ông Phạm Quý Tỵ không trúng cử Chủ tịch thì bầu các Phó chủ tịch Liên Đoàn còn chức Chủ tịch tạm để lại quyết định sau". Nói thêm rằng, ông Phạm Quý Tỵ có số phiếu gần thấp nhất trong 32 người trúng vào Hội đồng Luật sư toàn quốc, Luật sư Nguyễn Minh Tâm có số phiếu cao nhất (Lão Luật), Luật sư Trương Trọng Nghĩa rút không ứng cử Phó Chủ tịch Liên Đoàn. Có người nhận xét kỳ Đại hội này " Đoàn HN thể hiện dũng khí, thẳng thắn nêu quan điểm và yêu cầu. Đoàn SG thì lại lặng lẽ, âm thầm nhưng đoàn kết và quyết tâm". Hiện nay, kịch bản xấu nhất đã xảy ra, mới bầu bốn Phó chủ tịch Liên Đoàn, chức Chủ tịch sẽ bầu vào kỳ họp Hội đồng lần tới. Ý KIẾN CÁ NHÂN SAU KHI THAM KHẢO Ý KIẾN CỦA MỘT SỐ LUẬT SƯ 1. Giới Luật sư mong rằng, Lãnh đạo Liên Đoàn phải là "Luật sư của các Luật sư" chứ không phải Quan của các Luật sư. Mong rằng việc ứng cử của các vị là vì lợi ích chung của các LS chứ không phải dùng chức danh lãnh đạo Liên Đoàn đề phục vụ cho việc hành nghề cá nhân. 2. Những người được các Luật sư tín nhiệm bầu ra phải là đội ngũ tiên phong bảo vệ và đưa nghề luật sư lên một vị thế mới để bảo vệ người dân, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội. 3. Ngay trong nhiệm kỳ mới, đề nghị Lãnh đạo Liên Đoàn những vấn đề sau: - Có những kiến nghị quyết liệt để sủa đổi Bộ luật TTHS theo hướng bỏ quy định cấp Giấy CNNBC và các quy định khác để tạo điều kiện tốt nhất cho luật sư hành nghề trong các vụ án hình sự. Làm được điều này đương nhiên quyền của bị can, bị cáo được bảo vệ, góp phần giảm bớt án oan sai, mặt khác bảo vệ được quyền con người trong tố tụng hình sự được tốt hơn; - Hỗ trợ tốt nhất cho các Luật sư trẻ mới hành nghề bởi họ đã phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức mới có tấm thẻ Luật sư. Trong khi đang tìm việc, tìm cách khẳng định mình thì phí gia nhập Đoàn luật sư, phí Đoàn LS hàng tháng, Phí Liên Đoàn đè nặng lên vai các LS trẻ làm họ gặp nhiều khó khăn. Giải pháp là miễn giảm ít nhất 50% các loại phí cho các Luật sư trẻ mới hành nghề, nếu khó khăn có thể miễn 100% trong hai năm đầu cho họ; - Đề nghị sửa đổi mức thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT theo hướng miễn giảm cho các VPLS chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, tranh tụng bảo vệ người cận nghèo, người lao động, tham gia trợ giúp pháp lý; - Sủa đổi Điều lệ Liên Đoàn LS VN theo hướng nhiệm kỳ của Chủ tịch và các Phó chủ tịch giảm xuống 2 năm để tránh việc tham quyền cố vị. (Các Đoàn LS Pháp, nhiệm kỳ Chủ tịch một năm một lần). Cuối cùng, Tôi hi vọng một trong các vị Luật sư hành nghề lâu năm, sống chủ yếu bằng nghề Luật sư được làm Chủ tịch Liên Đoàn LSVN sẽ tốt cho giới LS hơn. Không ai hiểu hơn họ về những khó khăn của các Luật sư trong hành nghề ở VN. Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Lão Luật), Luật sư Phan Trung Hoài, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đều xứng đáng giữ chức vụ Chủ tịch Liên Đoàn LSVN. Nhưng, LS Phan Trung Hoài đã trúng cử Phó chủ tịch, Chủ nhiệm hai Đoàn LS lớn là HN và SG đều giữ chức Phó chủ tịch. Còn lại, hi vọng Luật sư Nguyễn Minh Tâm hoặc Trương Trọng Nghĩa giữ chức Chủ tịch Liên Đoàn thì giới LSVN có hi vọng hơn. Nhân đây, Nam gởi lời chúc mừng đến Lão Luật đã được mọi người tín nhiệm nhất! (Bài viết có tham khảo ý kiến của LS Trần Vũ Hải và nghe ý kiến của các LS khác.) Nếu có gì đụng chạm xin các LS thứ lỗi! TTN. Theo facebook.com/luatsunam01/ ***** Vì sao chưa bầu được Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam? http://www.ttdq.de/node/2199
......

Gieo gì cho một ngày giải phóng thực sự?

Người ta vẫn luôn tin rằng thời gian là phương thuốc hữu hiệu có khả năng chữa lành mọi vết thương cả về tinh thần lẫn thể xác. Giống như Martin Luther King (1) nói rằng, “Thực ra, thời gian tự nó không thiên về đâu hết; nó có thể được dùng để xây dựng hay phá hoại”. Tôi cũng có một cảm nhận khác về thời gian, ở một khía cạnh nào đó, một trường hợp nào đó thời gian có thể là một con dao hai lưỡi như đối với lòng hận thù chăng?! Hận thù bắt đầu từ nỗi đau, sự thương tổn có thể được thời gian chữa lành bằng cách làm nhạt nhòa cho những đớn đau lui dần vào quên lãng, nhưng cũng có thể nuôi lớn hận thù từ quá khứ đau buồn nọ. VỠ MỘNG “GIẢI PHÓNG” Người cộng sản lấy hận thù làm động cơ thổi bùng lửa cách mạng. Khi làm như vậy người ta tin tưởng đó là động lực chủ chốt để đưa cách mạng tới thành công và giải phóng con người. Nhưng kết cục “Giải phóng” chỉ còn là cụm từ hoa mỹ không hơn không kém được đảng cộng sản – thứ gọi là lực lượng tiên phong lập đi lập lại, ngày này qua ngày khác. “Giải phóng” kia là cái vốn dĩ đã không những không thể giải thoát con người, lại còn đưa con người vào một xã hội bế tắc, đầy kìm kẹp, đầy dối trá, xảo quyệt, tham nhũng, cướp bóc, thù hằn, tranh chấp, chia rẽ của tham tàn, của thành kiến, của nghi kị lẫn nhau. Và vì lẽ hòa bình là một giá trị dựa trên nền tảng của công lý và bác ái, nên “Giải phóng” kia chẳng những không lập lại hòa bình, lại còn kéo dài chiến tranh âm ỉ bởi sự thiếu vắng của công lý và lòng yêu thương. Đó là “Giải Phóng” hay trói buộc, nô lệ hóa con người vào lòng thù hận? Một sự thật không thể chối cãi, sau 40 năm “giải phóng miền Nam”, những gì có được từ lòng hận thù đó là xả ra một chuỗi bi kịch, khiến đa phần con người ở những thế hệ sau trở nên hư hỏng. Khi hận thù được nuôi lớn không chỉ trên một cá nhân, mà còn gieo mầm vào trẻ nhỏ nó phát triển trở thành một “lề thói vốn dĩ” (2) bóp méo nhân cách hủy hoại tâm hồn trong sáng. Mọi hành động xuất ra cũng chỉ là vì sự muốn trả đũa mà thôi, và chung cục là bế tắc tư tưởng. Trước thì người ta nhục mạ, các lãnh đạo chính quyền miền Nam, gọi họ là ngụy quân, ngụy quyền, rồi sử dụng chính sách cải tạo khổ sai, đập phá nghĩa trang của những người thuộc chế độ cũ như một phương thức trả thù. Về sau, người ta ngăn chặn hòng cô lập sự giúp đỡ đến với những số phận bất hạnh, những người lính chế độ cũ, những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa - người mà còn lại phần sống không trọn vẹn, người này thiếu tay, người kia thiếu chân, người thì bị mù, người thì không còn khả năng đi lại, những người mà vẫn bị nhà cầm quyền đặt nặng kỳ thị, phân biệt đối xử đè lên cuộc đời. Cách ứng xử như vậy đã làm cho sự hô hào “hòa hợp hòa giải dân tộc” của họ tự nó tố cáo nó chỉ là một trò bịp bợm. Làm thế nào người ta có thể “hòa hợp hòa giải dân tộc” bằng cách duy trì, nuôi nấng hận thù và cấm cản yêu thương được? HẬN THÙ HẠ THẤP PHẨM GIÁ CON NGƯỜI Thật vậy, khi mang trong mình hận thù là lúc ngôi vị giữa người và người đã bị hoán đổi. Thay thế cho quan hệ Anh – Tôi, là quan hệ Ta - Nó, như vậy ngôi vật vị đã thay thế cho nhân vị (3) đó, chẳng khác gì nói rằng con người đã bị giáng phẩm giá xuống và trở thành một thứ đồ vật, tệ hại hơn chỉ là súc vật. Hận thù không sai khi nó chỉ tồn tại dưới dạng là một trong những cảm xúc của con người, nhưng nếu nó được sử dụng để phát thành một thứ động lực cực đoan là lúc lòng yêu thương đã bị phủ bỏ. Sẽ không một ai có thể lý luận rằng có thể xây dựng được một xã hội nhân bản cao thượng từ sự thiếu vắng tình yêu thương, lòng nhân ái cả. Trong quang cảnh bi thảm của một xã hội ngày càng mất đi nhân tính hôm nay, chúng ta phải tranh đấu không vì lẽ hận thù, mà chính vì mục đích để có một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn, nhân bản hơn với đầy đủ các quyền tự do mà công dân của một đất nước dân chủ đáng lý ra phải có. Đối với mục tiêu này, hận thù sẽ chỉ là con đê nguy hiểm của sự dè bỉu, ích kỷ, đè nén dòng văn minh nhân loại đến với Việt Nam. Quá lâu rồi Việt Nam thân thương của chúng ta sa vào vũng lầy hận thù trong khi mọi người ao ước được yêu thương. Không ai mang bên mình hận thù và cảm thấy đó là một cảm xúc dễ chịu. Liệu rồi chúng ta sẽ tiếp tục duy trì hận thù hay phát triển lòng yêu thương? Có một định luật bất biến trong thế giới vật lý đó là trọng lực, dưới sự ảnh hưởng của trọng lực điều gì đi lên ắt sẽ đi xuống. Và cũng có một quy luật bất biến trong thế giới loài người là nhân quả, rồi ta sẽ gặt được quả lành hay trái đắng là do thứ ta đang gieo trồng trong ô đất của chính mình. ---- * Chú Thích: (1). Theo Thư Viết Từ Ngục Birmingham của Martin Luther King. Ông là một mục sư người Mỹ gốc Phi cũng là một nhà hoạt động dân quyền chống phân biệt chủng tộc (2). “Lề thói vốn dĩ”, ý nói một thói quen vốn có đã trở thành vô thức. (3). Theo lời lẽ của Martin Luther King trong diễn văn kinh điển “Tiếng gõ cửa lúc nửa đêm”.
......

40 NĂM: Quốc Sách Tham Nhũng

Vào khoảng thời gian này 40 năm trước, phải công nhận rằng đại đa số cán bộ, đảng viên CSVN trung và cao cấp đều khá lý tưởng và tin rằng mình đang "cứu nước". Ý đồ dùng máu người Việt để "đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc" được giữ kín trong đầu của chỉ khoảng 10 người chung quanh các ông Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh. Từ căn bản lý tưởng nêu trên, hầu hết cán bộ cũng sống trong nghèo nàn, đói khát như dân. Nhưng ngày 30/4/1975 có thể nói đã đánh dấu lằn mức khởi đầu của cuộc chạy đua "kiếm ăn" của toàn bộ guồng máy cán bộ đảng. Họ bắt đầu giành nhau từng căn hộ lớn của các gia đình miền Nam bỏ chạy ra nước ngoài hoặc bị đẩy đi vùng Kinh tế mới. Có những cán bộ phường, quận tranh cãi kịch liệt để giành nhau từng chiếc tivi, tủ lạnh trong các nhà bỏ trống. Sau chừng một năm, khi các món lặt vặt đó đã cạn, cán bộ địa phương bắt đầu nhìn và học cách lừa đảo, cướp trắng tài sản của dân qua các thủ thuật đổi tiền, đánh "tư sản mại bản", rồi đánh luôn "tư sản dân tộc", rồi "xây, xóa, chuyển tiểu thương", ... Và chỉ vài năm sau, cán bộ nhiều tỉnh, thành đã biết tự tổ chức bán "bãi vượt biên" kiếm vàng, lập các trại tù kín để bắt những người vượt biên lén lút hoặc vượt biên từ các "bãi" khác để lột cho hết vàng rồi thả về. Tay nghề của cán bộ lúc đó đã tiến khá xa nhưng nhìn chung họ vẫn còn tự xem tham nhũng là chuyện phải làm lén lút, phải giấu giếm trung ương. Và ít là khi bắt đầu chính sách "Mở cửa" năm 1986 vì Liên Xô cắt hết viện trợ, lãnh đạo đảng CSVN vẫn còn xem tham nhũng là quốc nạn. Nhưng từ điểm đó đến nay, tham nhũng đã tiến từ quốc nạn lên quốc sách. Nghĩa là hiện nay tham nhũng đang được chủ động xử dụng để duy trì guồng máy vận hành và bảo vệ chế độ, duy trì sự trung thành của toàn bộ hàng ngũ cán bộ đang nắm quyền. Sau 4 thập niên với mấy chục chiến dịch toàn quốc chống tham nhũng, hàng ngàn các ủy ban bài trừ tham nhũng ở mọi cấp, hàng trăm lời thề độc "nếu không diệt được tham nhũng thì từ chức" của các quan chức ở thượng đỉnh, nay lãnh đạo đảng không những hoàn toàn chịu thua mà còn chuyển qua khâu vận động cả nước chấp nhận tham nhũng như một phần của cuộc sống. Lời hứa không đánh chuột nữa vì chuột đang nằm cả trong bình quí đã được chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố và được các cán bộ tuyên giáo lập lại trên cả nước. Tại sao lại như thế khi mà chính giới lãnh đạo biết và cảnh báo tham nhũng sẽ làm nguy hại đến khả năng lãnh đạo của đảng? • Lý do thứ nhất rất đơn giản: Vì những người được chỉ thị đi diệt tham nhũng ngày nay đều có khối tài sản lớn hơn nhiều những kẻ mà họ có trách nhiệm điều tra hay trừng phạt. Càng mở thêm các chiến dịch phòng chống tham nhũng họ càng giàu nhanh nhờ các món quà chạy án. • Lý do thứ nhì cũng đơn giản không kém: Vì các quan chức ở thượng đỉnh, những người có thẩm quyền đề xuất các chiến dịch phòng chống tham nhũng, đều biết "chúng ta cùng giàu như nhau cả ". Cấp bậc càng càng cao mức giàu càng vĩ đại vì mạng lưới đàn em bên dưới "cư xử đúng phép tắc" càng rộng. Và khi đã như thế, ai lại nỡ tước đoạt chính mình, vợ mình, con mình? • Lý do thứ ba: Vì tham nhũng đã tràn ngập như nước lụt và quá hiển nhiên trước mắt mọi người hàng ngày. Làm sao giải thích được những quan chức đã và đang "cống hiến mọi thời giờ, năng lực và cả cuộc đời cho cách mạng" và chỉ dùng những giây phút hiếm hoi còn lại cuối ngày đã đủ để quấy lên những núi tài sản ở cấp hàng tỉ mỹ kim? Hiện tượng thiên tài đó lại không hiếm, từ các cố quan chức như Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Hữu Thắng, ...; đến các cựu quan chức như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, ...; đến các quan chức đương thời như Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh, Nguyễn Xuân Phúc, v.v... • Lý do thứ tư cũng hiển nhiên không kém: Vì tất cả mọi người, từ lãnh đạo đến các cán bộ trong đảng và những đối tượng đang phấn đấu vào đảng đều biết hiện nay chỉ còn một qui luật vận hành duy nhất trong cả guồng máy, bất kể ở ban ngành nào. Đó là, cấp trên phải nhớ: "Phải cho ăn mới nuôi được sự trung thành"; và cấp dưới phải vững tin: "Cứ trung thành là còn có ăn". Qui luật trên hiển nhiên đến độ nó được viết ra công khai trong bài bản huấn luyện tư tưởng cho đảng viên và được dùng để thu hút đảng viên mới, dưới tiêu đề "Chỉ biết còn đảng còn mình". Tuy nhiên, quốc sách tận dụng tham nhũng vẫn chưa phải là giải pháp hữu hiệu cho lãnh đạo đảng vì 2 khó khăn sau đây: Hệ thống cán bộ ngày càng phình lớn quá nhanh. Mỗi ghế mới được đẻ ra, từ địa phương đến trung ương, đều lập tức trở thành món hàng bán được giá, và giá ngày càng cao. Từng cán bộ đã bỏ tiền mua ghế, do đó, phải kiếm ăn ngay để lấy lại vốn và sinh lời, kể cả việc đẻ thêm các ghế mới bên dưới mình để bán. Áp suất kiếm ăn của mỗi cán bộ mới lên nắm quyền càng nặng nề, thúc bách khi đương sự biết cái ghế mình đang ngồi, dù được mua với giá đắt, vẫn có thể mất vì người bán trở mặt, vì có người khác cũng muốn chen vào và đang trả giá cao hơn, hoặc vì ô dù lớn hơn ở phía trên bị thay thế. Tóm tắt là số miệng đòi ăn trong hệ thống cán bộ đang gia tăng liên tục theo cấp số nhân. Cùng lúc đó các nguồn "lương thực" đang cạn dần. Hầu hết các viện trợ quốc tế, các khoản cho vay của các ngân hàng phát triển để xây những dự án lớn đều đã biến mất, vì tình trạng rút ruột công trình quá trầm trọng trong lúc thi công và tình trạng bỏ mặc công trình hư hại sau khi xây xong. Các hãng xưởng quốc tế cũng rút hầu hết các ý định đầu tư ra khỏi Việt Nam (và Trung Quốc) để chuyển qua Thái Lan, Indonesia vì hệ thống luật pháp tại đó bảo đảm hơn, cũng như các chi phí "bôi trơn" thấp hơn nhiều. Hiện nay cũng không còn hiện tượng các tập đoàn kinh tế và tổng công ty dưới quyền Thủ tướng Nguyền Tấn Dũng tha hồ xài tiền vay quốc tế mua hàng phế thải rồi chia nhau "khoản lời". Các vụ mua sắm tàu ngầm, hỏa tiễn cũ với giá hàng mới cũng không còn ngân quĩ để tiếp tục. Những nỗ lực hốt tiền lẻ như các lệ phí mới tại trường học, tại nhà thương, tại công sở, đặc biệt các trò "đẻ luật tại chỗ" để đòi tiền của CSGT, ... dù gia tăng nhiều nhưng vẫn không đủ ở cấp hệ thống để chia chác. Chính tình trạng "cám ít, lợn nhiều" đó đã dẫn đến hiện tượng nở rộ các sáng kiến kiếm ăn mới ngày càng táo bạo: Các đường giây dẫn người, bán người, cho thuê nô lệ Việt tại nước ngoài đang lan từ Đông Á, Đông Nam Á, sang các nước Trung Đông, Đông Âu, Tây Âu, và đến tận Phi Châu; Tài nguyên quốc gia  từ dầu hỏa đến than đá đến cát trắng đến cao su được bán gấp với giá càng lúc càng rẻ; Khắp nơi khởi công xây cất các công trình vô lợi vô ích nhưng vô cùng mắc tiền: tượng đài vĩ đại nơi này, tháp cao nhất thế giới nơi kia; Thành phố nào cũng lên kế hoạch "chỉnh trang đô thị" với trọng tâm cắt hàng ngàn cây cổ thụ đem bán; Tỉnh nào cũng nghiên cứu cách "bảo trì sông ngòi" với trọng tâm lấp bớt lòng sông để bán mặt bằng cao cấp. Và nay đã bắt đầu ló dạng những đường dây cung cấp nội tạng con người với giá phải chăng.   Nhưng có lẽ áp suất mạnh nhất đang thúc đẩy guồng máy cán bộ kiếm ăn càng lúc càng man dại là điều mà chính họ đã nhận ra rất rõ: không một chế độ nào với tầm vóc và tốc độ nạo khoét quốc gia như hiện nay có thể tồn tại được. Sụp đổ là hậu quả chắc chắn, chỉ không biết ngày nào thôi. Chính vì vậy mà họ càng phải ăn gấp rút hơn nữa và càng phải chuyển tài sản nhanh chóng hơn nữa ra khỏi Việt Nam. Dịch xâu xé đất nước đã lên tới mức gần như điên loạn, không khác gì bầy cá mập xông vào một con mồi đang tuông máu. Còn ai thấy 40 năm vẫn chưa đủ?
......

Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước

Từ ô nhiễm môi trường… Vụ việc người dân địa phương xung quanh Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận xuống đường phản đối nhà máy thải bụi than và xỉ vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, không chỉ trên đất liền mà cả một vùng biển rộng lớn, đã làm nóng dư luận suốt mấy hôm nay. Từ ngày 14/4, hàng ngàn người dân đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua đây, gây ách tắc giao thông Bắc - Nam kéo dài hàng chục km. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công từ tháng 8/2010. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.162 tỷ VNĐ (sau điều chỉnh tăng lên tới 23.477 tỷ VNĐ), trong đó 85% là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi dành cho người mua của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và ODA của Chính phủ Trung Quốc, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN). …đến đe doạ an ninh quốc gia Vụ việc trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng hầu hết các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia nói chung và các dự án nhiệt điện nói riêng suốt mấy năm qua đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Ngành công nghiệp xi-măng, chẳng hạn, đang triển khai 24 dự án thì nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC đến 23 dự án. Ngành điện lực hiện có 20 dự án nhiệt điện đang triển khai thì đến 15 dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (Engineering – Procurement – Construction: nghĩa là nhà thầu làm tất cả các công đoạn, từ thiết kế, mua sắm đến xây dựng rồi bàn giao chìa khoá công trình cho chủ đầu tư – ở Việt Nam vẫn gọi là hình thức “chìa khoá trao tay”). Trong các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện thì tình trạng chung là: chậm tiến độ hàng năm trời; công nghệ lạc hậu, tốn nhiên/nguyên liệu, hay hỏng hóc; ô nhiễm môi trường; đội giá công trình lớn; tỷ lệ nội địa hoá hầu như bằng không (nhà thầu Trung Quốc mang sang Việt Nam từ cái đinh ốc cho đến đội quân công nhân hùng hậu); phụ thuộc vào linh kiện và phụ tùng thay thế của Trung Quốc… Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là một trong số 15 dự án nói trên. Một dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 rõ ràng là nhạy cảm về vấn đề an ninh - quốc phòng. Một khi mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc xẩy ra biến cố lớn thì với bản chất “thâm như Tàu” cố hữu, Trung Quốc hoàn toàn có thể vô hiệu hoá nhà máy nhiệt điện này. Hiểm hoạ mang tên “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân” Trên thực tế, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ là 1 trong 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang được xây dựng ở đây: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 do Công ty Lưới điện Phương Nam (Trung Quốc), Cty Điện lực Quốc tế Trung Quốc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, công suất 1.200 MW; liên danh tổng thầu của dự án này là Cty GEDI và Cty DGEC thuộc Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 do Cty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) thi công. Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổ hợp Nhà thầu Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Cty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và Cty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC 2) làm tổng thầu EPC. Như vậy, trong 4 dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thì có đến 3 dự án rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Nguy hiểm hơn, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lại do 2 Cty Trung Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BOT; còn nhà máy lớn nhất là Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 thì do Cty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, mà Cty này gồm 3 cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất, chiếm 49% cổ phần, lại là Cty OneEnergy Ventures Ltd của Trung Quốc. Trên hết, nhân vật chịu trách nhiệm cao nhất về trung tâm nhiệt điện lớn nhất cả nước này cũng là một người Trung Quốc nốt: đó là PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải, người khuynh loát ngành điện lực Việt Nam từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước và hiện là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành, trong đó có ngành điện lực. “Người Trung Quốc làm gì cũng có tính toán” – lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng thẳng thừng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ như thế. Tuy vậy, để biết được cái sự “tính toán” của người Tàu thâm hậu thế nào, và hiểm hoạ mang tên “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân” lớn đến đâu, chúng ta còn cần xét thêm một dữ kiện quan trọng nữa: Vĩnh Tân có phải là một vị trí hiểm yếu về an ninh - quốc phòng hay không? Ngày 16/4 vừa qua, Dự án Bến cảng Tổng hợp Vĩnh Tân đã được khởi công xây dựng. Tổng mức đầu tư toàn dự án là hơn 2.292 tỷ VNĐ. Quy mô dự án giai đoạn 1 gồm 2 bến tổng hợp cho tàu đến 30.000DWT và 1 bến cho tàu đến 3000DWT. Dù không đến tham dự, nhưng PTT Hoàng Trung Hải cũng không quêngửi lẵng hoa chúc mừng lễ khởi công. Một người dân ở Vĩnh Tân cho biết: “Vùng đất này chính là yết hầu của Nam Trung Bộ, nơi 'núi thò chân ra biển.' Quốc lộ 1A độc đạo đi qua với một bên là núi, một bên là biển. Gọi là yết hầu hay độc đạo bởi không còn con đường nào khác nối liền Nam Bắc ở vùng duyên hải này.” Nằm ở vị trí giáp biển, bên cạnh quốc lộ 1A (đồng thời là tuyến độc đạo nối liền Nam - Bắc) và một hải cảng lớn, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân rõ ràng là một khu vực xung yếu về an ninh - quốc phòng. Với việc 3 trong số 4 nhà máy ở đây là do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC và 2 trong số 4 nhà máy do các Cty Trung Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ luôn có hàng nghìn người Trung Quốc túc trực trong hàng chục năm. Người Trung Quốc sẽ sinh cơ lập nghiệp, lập xóm lập phố ở đây. Khi có sự biến, lực lượng nằm vùng này đủ sức làm tê liệt hoàn toàn Trung tâm Nhiệt điện, chia cắt giao thông Bắc - Nam, tạo điều kiện cho hải quân Trung Quốc từ Hải Nam và các căn cứ quân sự ở Trường Sa ồ ạt đổ bộ qua cảng Vĩnh Tân, khống chế hoàn toàn khu vực yết hầu của vùng duyên hải Nam Trung Bộ này. Cùng lúc đó, lực lượng Trung Quốc nằm vùng trong dự án Bauxite Tây Nguyên và các dự án kinh tế trá hình dọc biên giới Việt Nam – Campuchia sẽ đánh xuống, phối hợp với lực lượng đổ bộ và đội quân nằm vùng ở Vĩnh Tân đánh lên để chia cắt Việt Nam từ Tây Nguyên xuống duyên hải Nam Trung Bộ. (Lưu ý thêm là quả bom nguyên tử mang tên “Bùn Đỏ” có thể được Trung Quốc cho phát nổ bất cứ lúc nào, sẵn sàng nhấn chìm cả vùng Đông Nam Bộ trong cơn lũ bùn đỏ.) Lúc này, Việt Nam không chỉ bị chia cắt ở đây, mà còn bị chia cắt ở chân Đèo Ngang (nơi đặt “đại bản doanh” của căn cứ quân sự Trung Quốc mang tên Formosa Hà Tĩnh), ở Hải Vân (nơi có hai “dự án” với hàng trăm ha của người Hoa), ở Ninh Thuận (nơi có Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận mà PTT Hoàng Trung Hải là Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước), v.v. Rõ ràng, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân chính là một Formosa Hà Tĩnh khác ở vùng duyên Hải Nam Trung Bộ. Giống như ở Vũng Áng, Hải Vân, Ninh Thuận hay việc các Cty Trung Quốc thuê dài hạn hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân cũng hoàn toàn do PTT Hoàng Trung Hải “đạo diễn”, với sự tiếp tay và đồng loã của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ai đó có thể lạc quan cho rằng trong thời đại ngày nay, Trung Quốc sẽ không dám mạo hiểm xâm lược Việt Nam, bởi điều đó ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Luận điểm này thiếu thuyết phục ở ít nhất 3 điểm: (i) Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Nga vẫn cứ đưa quân sang Grudia, sang Krym hay Ucraina; (ii) Cho dù có thể phải gánh chịu nhiều rủi ro, tổn thất, nhưng nếu không bành trướng, xâm lược nước khác thì Trung Quốc không còn là chính mình nữa, như thể đã là bò cạp thì cứ phải cắn vậy; và (iii) binh pháp Trung Quốc vẫn quan niệm: “đánh mà thua là hạ sách, đánh mà thắng là trung sách, không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Hiện nay, ở Trường Sa, Trung Quốc đang hối hả bồi đắp các đảo đá, hình thành các căn cứ quân sự liên hoàn, tiến tới thôn tính quần đảo này và khống chế hoàn toàn Biển Đông, lối ra của dân tộc Việt trong thế kỷ 21; trên đất liền, Trung Quốc đang từng bước chiếm lĩnh những vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng (các doanh nghiệp từ Hồng Kông, Đài Loan - Trung Quốc đang thuê dài hạn (50–70 năm) trên 264.000 ha rừng đầu nguồn, mà 87% con số này là ở các tỉnh biên giới xung yếu), thiết lập các căn cứ quân sự trá hình sát biên giới Campuchia - Việt Nam và Lào - Việt, và trong khi Trung Quốc ngăn cấm làm đường gần biên giới thì Việt Nam lại mở toang cửa ngõ biên giới với Trung Quốc; trên địa hạt kinh tế, Trung Quốc đang giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc xâm lược kinh tế Việt Nam; trong hệ thống chính trị, việc PTT gốc Tàu Hoàng Trung Hải “làm mưa làm gió” suốt hơn 10 năm nay là một bằng chứng cho thấy bộ máy chóp bu ở Việt Nam đã bị ông Hoàng Trung Hải và Trung Nam Hải khống chế, thao túng. Các gọng kìm của chủ nghĩa Đại Hán đang dần siết chặt dải đất thân thương hình chữ S. Rõ ràng là với Việt Nam, Trung Quốc đang nhắm đến kế thượng sách “không đánh mà thắng”. Nếu vẫn cứ đà này, việc trở thành một Tây Tạng hay Tân Cương mới là kết cục không tránh khỏi cho dòng giống “con Lạc cháu Hồng”. Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/trung-tam-nhiet-dien-vinh-tan-va-hie...
......

Không hề cấm giúp Thương Phế Binh

Giám tỉnh DCCTVN: Tôi không hề cấm giúp đỡ, em trai tôi cũng là thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa Video Clip cuộc phỏng vấn: https://www.youtube.com/watch?v=-ZYa_heoFW0 Những ngày gần đây, trên mạng xã hội một số thông tin cho rằng Tân Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam đã cấm việc giúp đỡ Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa qua vụ việc tạm hoãn khám sức khỏe cho một số TPB vừa qua. Nhân dịp Tân Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam (DCCT) ra Hà Nội, chúng tôi có dịp tiếp xúc và phỏng vấn trực tiếp ngài Giám tỉnh. Những thông tin của Giám tỉnh DCCTVN khẳng định rằng: Ngài không hề và chưa bao giờ ra lệnh cấm giúp đỡ Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa. Về cá nhân, em trai ngài cũng là Thương phế binh VNCH. Hình Linh Mục Nguyễn Ngọc Bích Tân Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam Trong hội trường DCCT Hà Nội, hôm nay mất điện cả ngày, chúng tôi đã đặt những câu hỏi khá thẳng thắn, nội dung như sau: JB. NHV:  Con chúc mừng cha vừa được bầu làm Giám tỉnh DCCT nhiệm kỳ mới, xin chúc cha có được sự quan phòng của Thiên Chúa để có thể đảm đương được nhiệm vụ khó khăn này. Nhân dịp gặp cha ở đây, con xin có một số câu hỏi xin được đặt ra và xin cha giải thích cho được hài hòa và cho rõ ràng. Thứ nhất, là nhiệm kỳ mới bắt đầu, vậy thì có thay đổi gì của Tỉnh dòng trong nhiệm kỳ mới này hay không? Giám tỉnh DCCTVN: Trong Tỉnh dòng có nhiều lãnh vực lắm, cộng đoàn, đào tạo, tông đồ, truyền giáo và những vấn đề quản trị nữa. Những sự thay đổi, nếu có những gì tốt thì không có lý do gì để thay đổi cả. Những gì cần thay đổi thì chúng tôi sẽ thay đổi, nhưng việc thay đổi đó không phải là việc của cá nhân tôi. Việc thay đổi đó là phải Hội đồng Quản trị, Hiện nay thì chúng tôi đang có kế hoạch mục vụ tông đồ để định hướng cho những việc làm của Tỉnh dòng. JB.NHV: Thưa cha, việc định hướng cho mục vụ tông đồ hiện nay cũng chưa có cụ thể phải không ạ. Vậy nhưng cha có thể nói cho con chút gì đó về kế hoạch trong thời gian tới của nhà dòng nó như thế nào không thưa cha? Giám tỉnh DCCTVN: Kế hoạch tông đồ mục vụ của chúng tôi, chúng tôi đã bắt đầu làm việc trong mấy tháng vừa qua. Chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, chúng tôi sẽ phổ biến cho tất cả các cộng đoàn của chúng tôi. Như vậy, khi có kế hoạch mục vụ, chúng tôi sẽ dựa trên cái đó để hành động. Nhưng Kế hoạch mục vụ dựa trên nền tảng Giáo huấn của Hội thánh, dựa trên những hướng dẫn của các vị mục tử Giáo hội địa phương, dựa trên Hiến pháp. dựa trên quy luật, dựa trên chỉ đạo của Trung ương Dòng và dựa trên ý kiến đồng thuận của Hội đồng quản trị. Chúng tôi sẽ có một kế hoạch cụ thể trong thời gian tới chắc chắn mọi người sẽ biết. JB.NHV: Thưa cha, như vậy là cho đến bây giờ, Nhà dòng đang làm kế hoạch, chưa có kế hoạch cụ thể. Nhưng, vừa qua có một việc là tạm hoãn việc khám bệnh cho một số anh em Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB). Việc đó đã gây ra một số lời đồn đoán rằng cha đã cấm việc giúp đỡ TPB. Vậy cha nghĩ thế nào về việc giúp đỡ TPB? Giám tỉnh DCCTVN: Ý kiến của bản thân tôi, việc giúp anh em TPB là điều tốt, điều cần. Nếu những anh em đó có những nhu cầu mà mình có thể giúp được thì mình phải giúp. Điều đó tôi không hề và tôi chưa bao giờ ra lệnh cấm. Đó là điểm tôi phải khẳng định bởi lẽ có rất nhiều lời đồn đoán. Có lẽ họ không biết rõ chuyện này. Hôm nay, tôi khẳng định tôi chưa bao giờ cấm. Và cụ thể là em tôi cũng là một TPB, không có lý do gì mà tôi không ủng hộ việc giúp đỡ anh em TPB. Tôi ủng hộ việc đó, đó là điều tốt. JB.NHV: Thưa cha, như vậy là con hiểu ra vấn đề là việc vừa qua có những lời đồn đoán như vậy, cha đã không có ra lệnh cấm cũng như chưa có một hành động nào ngăn cản việc khám sức khỏe của anh em TPB vừa qua. Việc tạm hoãn, chỉ là vấn đề sử dụng các cơ sở của nhà dòng cho việc đó. Vậy thì việc sử dụng các cơ sở của nhà dòng cho các hoạt động thì nó thế nào thưa cha, xin cha cho con biết? Giám tỉnh DCCTVN: Về việc sử dụng các cơ sở cũng như việc nhân danh Nhà dòng để làm một việc gì, trước tiên, phải được sự đồng ý của người có trách nhiệm. Đồng thời có sự đồng thuận của những anh em trong cộng đoàn. Để một việc gì mình làm, một việc bác ái, một việc mục vụ, một việc giúp đỡ, thì nó phải là một việc chung, chứ không phải là việc cá nhân, cho nên cần phải có sự đồng thuận của anh em. Khi chưa có sự đồng thuận thì có thể gây chia rẽ. Vậy cho nên, khi làm một việc gì phải có sự đồng nhất với nhau, thì khi ấy việc làm mới đưa đến kết quả vừa tốt đẹp và thực sự có giá trị. JB.NHV: Thưa cha, con cảm ơn cha đã chia sẻ cho chúng con biết những vấn đề mà chúng con cũng như cộng đồng mạng và nhiều người khắp nơi đang phân vân qua những lời đồn đoán vừa qua về những vấn đề đã xảy ra. Rất cảm ơn cha đã nhận lời về cuộc phỏng vấn hôm nay. Xin chúc cha được sự thành công và có sự phù hộ để hoàn thành sứ mệnh của mình. Giám tỉnh DCCTVN: Xin cám ơn anh Hà Nội, ngày 20/4/2015 J.B Nguyễn Hữu Vinh nguyenhuuvinh's blog
......

Chuyện tham nhũng

Trong thời gian gần đây, vấn đề tham nhũng, hối lộ lại được hâm nóng trở lại bởi một phát biểu của ông bộ trưởng bộ Công an Việt Nam. Trong phiên chất vấn của Đại biểu Quốc Hội ngày 14/3/2015, bộ trưởng công an đã khẳng định: “Trong môi trường công tác chịu rất nhiều áp lực, tuyệt đại đa số cảnh sát giao thông giữ được phẩm chất đạo đức của mình, hoàn thành nhiệm vụ, không nhận hối lộ, không tiêu cực.” Không những vậy, trong các lập luận của những người yêu chế độ, muốn giảm thiểu mức độ trầm trọng của tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thường cho rằng, nước nào cũng có tham nhũng, Việt Nam cũng tham nhũng như mọi nước khác trên thế giới mà thôi. Vậy thực hư của chuyện này là thế nào? có đúng là Việt Nam cũng như tất cả các nước đều có tham nhũng và tham nhũng đều giống nhau hay không? Nhìn nhận một cách khách quan, ít nhất vế đầu của lập luận, nước nào cũng có tham nhũng và việt Nam cũng có tham nhũng là đúng! Sự khác nhau chỉ xuất hiện khi đi vào phân biệt sự khác nhau về tham nhũng ở các nước khác và sự tham nhũng ở Việt Nam. Có thể dùng hình ảnh về bệnh tật của con người để mô tả sự khác nhau về tham nhũng ở các nước và ở Việt nam. Ở các nước (những người nói Việt Nam giống các nước về tham nhũng rất hay so sánh với các nước như Mỹ, Đức, Nhật và châu Âu) thì tham nhũng của họ được ví như bệnh ghẻ lở, hắc lào tức là bệnh ngoài da. Còn tham nhũng ở Việt Nam, nhẹ thì so sánh với ung thư xương, ung thư máu còn chính xác thì so với Si đa giai đoạn cuối. Sự khác biệt là như vậy. Ở các nước tư bản phát triển, nơi có sự công khai, minh bạch và thông tin trung thực, cùng với hệ thống tam quyền phân lập, đối trọng quyền lực và các định chế ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng, thì việc tham nhũng là có, nhưng chỉ là số ít, các vụ việc đơn lẻ và mức độ không quá nghiêm trọng. Sự việc tham nhũng ở các nước này, nếu bị phát hiện thì tuyệt đại bộ phận đều bị truy tố, dù cấp bậc và chức vụ của người tham nhũng ở vị trí nào đi chăng nữa. Động cơ tham nhũng ở đây, thường là kẻ tham nhũng gặp khó khăn bất ngờ về tài chính, hoặc những phút bốc đồng nổi máu tham không kiềm chế được. Phần lớn công chức, quan chức trong hệ thống công quyền đều nhận thức được cái giá phải trả vô cùng nặng nề so với công sức họ bỏ ra để học hành, thi cử và làm việc để có được vị trí họ đang nắm giữ. Chính vì vậy, trong suy nghĩ và hình thành động cơ đã có sự khác biệt rất lớn với Việt Nam trong vấn đề tham nhũng. Tóm lại, với các định chế hiện hành cùng với mức lương đủ sống, tham nhũng ở các nước này là những hiện tượng cá biệt, trong các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, không phải phổ biến và không thành hệ thống. Tham nhũng ở Việt Nam là câu chuyện khác hẳn. Đầu tiên, mức lương của tất cả các chức danh, của quan chức hoàn toàn không đủ sống theo nhu cầu bình thường của họ. Do hệ thống chính trị độc tài, toàn trị ở Việt Nam đã duy trì hai hệ thống tổ chức song song, đó là hệ thống đảng và hệ thống chính quyền. Đồng thời, Việt Nam còn có các tổ chức ngoại vi là các hội, đoàn thể cùng với hệ thống an ninh, mật vụ, đặc tình để giám sát và kiểm soát dân chúng. Chính vì vậy, số lượng người thông thường hưởng lương ngân sách của một quốc gia tương ứng với 90 triệu dân là khoảng 3-4 triệu người thì ở Việt nam, con số này khoảng 20-25 triệu người. Nếu tính cả số người nhận phụ cấp hàng tháng và khối doanh nghiệp nhà nước trong ngân sách chi quốc gia, thì số người hưởng phụ cấp từ 200.000 VNĐ trở lên, tới lương Tổng bí thư số lượng khoảng từ 30-40 triệu người. Một con số khủng khiếp. Với một số lượng lớn chi thường xuyên của ngân sách như vậy, thì mức lương của công chức và quan chức hoàn toàn không thể đủ sống. Chính vì vậy mà nguyên nhân đầu tiên dẫn tới động cơ tham nhũng ở Việt nam chính là do cơ chế, do mức lương không đủ sống mà tất cả mọi người bắt buộc phải tham nhũng, kiếm chác để duy trì cuộc sống. Lý do thứ hai, quan trọng không kém là tình trạng mua quan, bán tước đút lót, hối lộ để vào làm công chức, viên chức, vào biên chế nở rộ hiện nay. Tất cả những ai, có lương tâm và hiểu biết ở Việt Nam đều phải thừa nhận, gần như tuyệt đối, các suất biên chế, các chức danh ở Việt nam đều phải có một cái giá nhất định nào đó. Trường hợp các suất biên chế, các chức danh không mất một đồng nào chỉ có con cháu của cán bộ cao cấp gửi gắm ở cấp dưới mà thôi. Với việc mua các suất biên chế, mua các chức danh như vậy, các công chức, quan chức bắt buộc phải tham nhũng để bù vào số tiền, số vốn đã bỏ ra để mua các chức danh đó. Có một điều cần nhấn mạnh, về các văn bản, thủ tục và quy trình thực hiện việc tham nhũng ở Việt Nam cũng không hề dễ dàng. Tức là nếu ai muốn tham nhũng được, ví dụ ở một công trình xây dựng, thì phải có sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống, những đầu mối để hoàn thành các thủ tục giải ngân. Chính vì vậy mà tham nhũng ở Việt nam là sự tham nhũng có hệ thống, chứ không hề đơn lẻ và cá biệt. Điều này giải thích các vụ việc tham nhũng rất khó bị phanh phui, như mấy vụ tham nhũng tiền ODA của Nhật bản trong giao thông, đều do phía Nhật Bản phát hiện (vụ đại lộ Đông – Tây; vụ đường sắt trên cao). Và mức độ tham nhũng ở Việt Nam, theo luật ngầm tự hiểu trong hệ thống, đối với các công trình xây dựng, giao thông là 75%. Tức là số tiền thực được đưa vào các công trình là 25%, còn lại 75% là số tiền thất thoát, tham nhũng. Đây gọi là tỷ lệ vàng ở Việt Nam. Như vậy, sự khác biệt về tham nhũng ở Việt Nam so với các nước khác, đó là tham nhũng do cơ chế. Người ta cần tham nhũng để có tiền để sống, để có tiền mua các chức danh, chức vụ và cùng với nó là cuộc sống sung sướng, hưởng thụ. Ngay từ năm 2000, đã có người tổng kết rằng: tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan bán tước nở rộ hiện nay. Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời về tham nhũng và cách thức xóa bỏ tham nhũng ở Việt Nam./ Hà Nội, ngày 18/4/2015 Nguyễn Vũ Bình Theo rfavietnam.com
......

Về cuộc phản kháng của nông dân bình thuận

Ngày 17/4 vừa qua, người dân tại hai huyện Tuy Phong và Thuận Nam thuộc tỉnh Bình Thuận đã đồng ý không còn chiếm Quốc Lộ 1 A sau khi ban giám đốc nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân II cam kết là sẽ không xả bụi tro than, gây ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng lên đời sống của người dân trong vùng. Đây chỉ là tình trạng hoãn binh tạm thời, vì ngày nào mà nhà máy còn xử dụng phương pháp “nhiệt điện đốt than” của Trung Quốc – đã từng gây ô nhiễm cho bầu trời Hoa Lục - cuộc đấu tranh sẽ tiếp tục bùng nổ. Những Diễn Biến Sự phản đối của người dân thuộc hai Huyện nói trên đã nhen nhúm từ rất lâu vì họ đã phải hứng chịu những trận bão “bụi tro than” khủng khiếp từ bãi tro rộng hơn 64 hécta, hàng ngày nhận 3 ngàn đến 4 ngàn tấn tro than từ hai tổ máy của nhà máy nhiệt điện thải ra. Những bụi tro than không chỉ làm cho cây cối, hoa màu bị hư hại mà còn làm cho nguồn nước bị ô nhiễm và quan trọng hơn là phát sinh ra nhiều chứng bệnh về đường hô hấp. Người dân của hai huyện, đặc biệt là nông dân thôn Vĩnh Phúc nằm sát bãi chứa bụi tro than – nơi hứng chịu 100% các cơn bão tro than - đã nhiều lần yêu cầu chính quyền can thiệp nhưng không có kết quả. Ban giám đốc nhà máy nhiệt điện vẫn không chịu giải quyết những bụi tro than từ bãi chứa khiến cho người dân phải sống trong ác mộng, như mô tả của ông Nguyễn Duy đã nói với báo Pháp Luật: “Những khi có bão bụi tro, người dân không ăn uống gì được, đồ ăn dọn ra là đóng bụi xám đen, rồi thì không tắm được, không buôn bán hay làm bất cứ gì được”. Cuối cùng, khoảng vài trăm nông dân tại thôn Vĩnh Phúc đã phải đứng dậy bằng cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày 14 tháng 4 để phản đối ban quản lý nhà máy. Cuộc biểu tình của nông dân thôn Vĩnh Phúc tuy chỉ kéo dài vài giờ nhưng đã lan rộng khắp nơi trong tỉnh Bình Thuận vì những nạn nhân của nhà máy nhiệt điện không thể tiếp tục im lặng. Khoảng 9 giờ sáng ngày 15/4 đã có hàng ngàn nông dân thuộc hai huyện Tuy Phong và Thuận Nam - không hẹn mà gặp - giúp nhau mang bàn ghế, cây, đá.. chắn ngang quốc lộ 1A không cho các xe đi qua đoạn đường băng qua hai huyện. Cuộc phản kháng của nông dân đã làm tắc nghẽn lưu thông trên một đoạn đường dài 50 cây số khiến cho hàng trăm chiếc xe bị kẹt không thể di chuyển hay quay đầu trở lại. Đã có một số cuộc xô xát bạo động xảy ra giữa nông dân với lực lượng cảnh sát cơ động khi nhà nước muốn dùng vũ lực để giải tỏa một số đoạn đường. Nhưng do nông dân dùng gạch đá, bom xăng tấn công khiến cho lực lượng cảnh sát cơ động phải rút lui. Sau 30 tiếng đồng hồ chiếm đóng làm tê liệt giao thông trên quốc lộ 1 A, nông dân hai Huyện đã ngừng cuộc phản kháng sau khi ông Đinh Văn Thanh - Giám đốc nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - cam kết với người dân sẽ không vận chuyển tro than ra bãi trong vòng 10 ngày. Đồng thời tiến hành việc tưới nước, che bạt bãi tro để không phát tán bụi. Tính Phản Kháng Những cam kết của ông Đinh Văn Thanh không khác gì những yêu cầu mà nông dân hai Huyện Tuy Phong và Thuận Nam đưa ra từ những tháng trước đó. Họ chỉ yêu cầu nhà máy phải giải quyết bãi chứa tro than rộng đến 64 hécta để tránh những trận bão tro khủng khiếp làm xám xịt bầu trời Bình Thuận. Điều này cho thấy là chỉ khi nào người dân có những hành động phản kháng tập thể mới khiến cho các cơ quan nhà nước lùi bước. Sự kiện nói trên không chỉ mới xảy ra ở Bình Thuận mà chỉ là những tiếp nối từ các vụ xảy ra gần đây như chống việc chặt hàng ngàn xây xanh trên 18 tuyến đường thành phố Hà Nội; hay hàng chục ngàn công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo thành phố Sài Gòn đình công chống điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội; và vụ lấn, lấp sông Đồng Nai còn đang âm ỉ. Những hiện tượng này đã biểu hiện một số điểm: Thứ nhất, CSVN không còn có thể tùy tiện tiến hành những dự án hay những điều luật theo lối áp đặt của chế độ như trước đây. Người dân ngày nay đã không còn thụ động chấp nhận những hứa hẹn suông từ phía nhà nước mà đã biết đòi hỏi và gây những áp lực cần thiết. Kết quả này có được chính là sự đấu tranh bền bỉ và kiên trì của nhiều cá nhân, nhiều tập hợp trong những năm vừa qua để dần dần tạo thành một phong trào phản kháng tự phát khi đối diện với bất công. Thứ hai, những phản kháng của quần chúng gần đây không còn giới hạn trong các quyền lợi thiết thân của chính họ hay gia đình mà đã lan sang những lãnh vực liên quan đến chính sách, đường lối như chống dự luật Bảo Hiểm Xã Hội, về môi trường vân vân… Đây là sự tiến bộ đáng kể của một phong trào phản kháng khi chuyển từ những đấu tranh cục bộ để mở rộng thành những cuộc đấu tranh mang tầm vóc cộng đồng. Thứ ba, mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động và chuyển sự phản kháng lan rộng đến khắp nơi, đặt chế độ ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong cách đối phó. Trong những tình huống này, bộ máy trung ương hay cấp cao đổ trách nhiệm cho cấp địa phương, cấp thừa hành và xử lý bằng cách ngưng chức, ngưng tiến hành kế hoạch để mua thời gian. Đây là lối giải quyết phủi trách nhiệm - tuy làm lắng đọng làn sóng phản kháng trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo ra sức bộc phá to lớn khi mà thành phần thừa hành trong chề độ bất mãn, quay sang đứng cùng với dân chống lại những kẻ đã “cạn tàu ráo máng” với họ. * Trong vòng non một tháng vừa qua, bốn đợt phản kháng xảy ra tiếp nối nhau tại Hà Nội (chặt, đốn cây xanh), Đồng Nai (lấn, lấp sông Đồng Nai), Sài Gòn (điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội), Bình Thuận (bụi tro than của nhà máy nhiệt điện) đã và đang đưa ra một thông điệp: “dân không tin và chỉ có con đường phản kháng”. Điều này cho thấy là tình hình Việt Nam đang trong giai đoạn âm ỉ của một cuộc biến động xã hội tất yếu như đã từng mục kích tại các quốc gia Đông Âu trước đây. Lý Thái Hùng 17/4/2015
......

Tình hình điện hạt nhân ở Nhật và việc phản đối bán kỹ thuật điện hạt nhân cho VN

Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, quy chế vận dụng điện nguyên tử ở Nhật trở nên nghiêm khắc hơn. Ngoài các tiêu chuẩn mới do Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực (độc lập với chính quyền) đưa ra còn phải qua sự khám định của Ủy ban Địa chấn. Lọt được qua hai cửa ải này vẫn còn phải qua một cửa ải khác, đó là phải có sự đồng ý của người dân sinh sống trong vòng bán kính 30 km tính từ nhà máy điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân Takahama ở tỉnh Fukui Năm 2014, Tổng công ty điện lực Kansai đã làm đơn xin cho nhà máy điện hạt nhân Takahama ở tỉnh Fukui hoạt động trở lại vào tháng 11 năm nay. Sau khi cho các chuyên gia đến kiểm tra, ngày 15/02/2015 Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực tuyên bố nhà máy điện hạt nhân Takahama đáp ứng tiêu chuẩn của quy chế mới. Tuy nhiên, đúng tiêu chuẩn không có nghĩa là an toàn 100%, vì với kỹ thuật hiện nay chưa có thể dự đoán được thiệt hại gây ra bởi một trận động đất có cường độ lớn hơn 9 độ Richter và trận sóng thần tiếp theo sau. Tuy nhận lời cảnh cáo đó, nhưng Tổng công ty điện lực Kansai vẫn tiến hành bước kế tiếp là hỏi ý kiến của cư dân trong khu vực. Nhiều người cư ngụ gần nhà máy điện hạt nhân Takahama cương quyết không chấp nhận cho nhà máy điện này tái hoạt động nên đã làm đơn kiện, và được tòa sơ thẩm Fukui thụ lý hồ sơ. Nhiều phiên tòa đã được mở ra sau đó để nghe hai bên trình bày các luận cứ của mình. Ngày 14/04/2014 tòa phán quyết là nhà máy điện hạt nhân Takahama phải tạm thời ngưng tái hoạt động sau tháng 11 năm 2015. Bản phán quyét ghi rằng, cho dù Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực đã thông qua, nhưng Ủy ban này cũng đề cập đến vài tiêu chuẩn chưa hợp lý đối với quy chế mới về nguyên tử lực, và nhất là không dám bảo đảm là tai nạn [sẽ] không xảy ra. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự nguy hiểm đối với sinh mạng của cư dân không sao mà lường được, nên họ có quyền đòi hỏi việc ngưng tái hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Takahama. Phán quyết này có ảnh hưởng lớn đối với việc tái hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật. Phía Tổng công ty điện lực Kansai cho biết họ sẽ làm đơn kháng cáo lên tòa Phúc thẩm. Về phía chính phủ Nhật thì Bộ trưởng Phủ Thủ tướng kiêm phát ngôn viên chính phủ là ông Kan đã họp báo nói rằng, Chính phủ tôn trọng sự giám định của Ủy ban Nguyên tử lực nên không thay đổi đường lối liên quan đến việc tái hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên phía chính phủ cũng yêu cầu các tổng công ty điện lực phải thận trọng trong việc xúc tiến cho các nhà máy điện hạt nhân tái hoạt động. Do phán quyết của tòa sơ thẩm Fukui, nhà máy điện hạt nhân Takahama vẫn tiếp tục ở trong giai đoạn tạm thời ngưng tái hoạt động; và chính phủ Nhật sẽ quan tâm theo dõi những phản ứng của Tổng công ty điện lực Kansai. Chuyện điện hạt nhân ở Nhật hiện nay là như thế, còn việc Nhật bán kỹ thuật cho Việt Nam thì sao? Tổ chức bảo vệ môi trường FoE Japan cho biết, dù Chính phủ Abe vẫn muốn bán kỹ thuật điện hạt nhân cho Việt Nam, nhưng việc này đang bị các đoàn thể, tổ chức, trong đó có FoE, cũng như nhiều người dân Nhật phản đối mạnh mẽ. Ba lý do chính được các tổ chức bảo vệ môi sinh và người dân Nhật nêu ra để phản đối là: Thứ nhất, nguyên tử, ô nhiễm phóng xạ là vấn đề hết sức nguy hiểm. Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đến nay còn chưa xử lý xong và chưa rõ sự thiệt hại lên đến bao nhiêu, vậy mà vẫn muốn xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Thứ hai, Việt Nam hiện nay là một quốc gia không mở rộng thông tin và không bảo đảm quyền tự do ngôn luận, người dân không được phép vận động để phản đối những chính sách [sai trái] của nhà nước. Rất nhiều người Việt Nam biết được sự cực kỳ nguy hiểm của điện hạt nhân nhưng không thể công khai lên tiếng thảo luận cũng như truyền bá cho mọi người biết. Thứ ba là sự phung phí một cách quá đáng liên quan đến điện hạt nhân. Điện hạt nhân mà không có ngân sách nhà nước đổ vào liên tục thì không thể duy trì hoạt động được. Ngân sách nhà nước của Việt Nam đang ở trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng, lấy đâu ra tài khoản để duy trì sự hoạt động của nhà máy điện hạt nhân? Như vậy rốt cuộc thì tiền viện trợ ODA rót vào đó chỉ để cho một số xí nghiệp và cá nhân hưởng lợi, mà ODA là tiền thuế của người dân Nhật (*) Một câu hỏi được các ký giả đặt ra là, nếu Nhật không bán kỹ thuật điện hạt nhân cho Việt Nam thì các quốc gia khác sẽ bán. Câu hỏi này đã được nữ nghị sĩ Fukuda (trước đây là Chủ tịch đảng Xã hội Dân chủ) trả lời như sau: “Ai bán thì quyền của người ta, chứ Nhật Bản phải dứt khoát không nhúng tay vào việc mua bán này. Tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chưa giải quyết xong mà đem bán kỹ thuật cho người ta, nếu tai nạn xảy ra - mà chắc chắn sẽ xảy ra - thì Nhật đâu có thể phủi tay được. Người dân Nhật ít ra cũng phải chịu trách nhiệm tinh thần về hành động gắp lửa bỏ tay người khác của chính quyền ông Abe.” (*) Độc giả có thể vào trang mạng dưới đây của FoE Japan để xem bằng tiếng Nhật http://www.foejapan.org/energy/news/pdf/111031).  
......

Chúng tôi không thể sống như đã chết!

Năm nào bà con đến tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên mặt trận chống Trung Quốc xâm lược cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn chặn. Họ luôn sử dụng lũ côn đồ hoặc giả côn đồ quấy phá, khiêu khích. Không ít người còn bị công an bắt lên trại Lộc Hà (Đông Anh), đồn nọ, đồn kia giam cầm, xúc phạm nhân phẩm. Sáng 14/3 năm nay, những người không thể quên ngày 64 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma, bị xâm lược Trung Quốc tàn sát, đến tưởng niệm vong linh họ ở tượng đài vua Lý Thái Tổ, vẫn bị lũ dư luận viên cản trở. Đám người vô văn hóa ưỡn ẹo nhảy múa theo điệu nhạc “trống cơm”, xô đẩy, dùng cờ búa liềm che chắn …trong thời khắc đau thương, uất hận của dân tộc là hành vi vô lương, vô sỉ, phản dân, hại nước. Sau các cuộc quậy phá của bọn “âm binh” có chỉ đạo đó, đến lượt Công an Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát giấy triệu tập tràn lan những công dân tham dự tưởng niệm với cái cớ “về vụ dư luận viên”, nhưng thực chất là thẩm vấn mang tính chất khủng bố tinh thần. Động thái này rất khó hiểu, hay là họ muốn lập công với các “đồng chí” Trung cộng? Trong con mắt của nhà cầm quyền, nghĩa cử tôn vinh các anh hùng liệt sĩ dũng cảm bảo vệ vùng biển Tổ quốc của chúng tôi là “vi phạm pháp luật” vì, vô hình chung đã “cản trở” mối quan hệ “toàn diện, sâu sắc” giữa Việt Nam với Trung Quốc. Chính trùm dư luận viên Trần Nhật Quang đã chửi bới mọi người đến tượng đài Lý Thái Tổ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận biên giới phía bắc ngày 16/2/2012 như thế này: “Các người muốn làm cho TQ nó tức giận cấm vận để gây khủng hoảng kinh tế rồi lật đổ Đảng Cộng sản để các người lên nắm quyền à? Được chưa? Các người thâm độc lắm...”. Phải chăng đó là một sự “suy bụng ta, ra bụng người” của Đảng? Chắc nhiều người cũng như tôi không thể nào cầm lòng được khi nghĩ đến những vùng đất đai, biển đảo ngàn đời ông cha để lại bị cướp đoạt, những đứa con của Đất Việt đã ngã xuống trên mặt trận biên giới năm 1979, 1985. Thậm chí, trên quần đảo Trường Sa 1988, khi tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Gạc Ma, bắn xối xả vào các chiến sĩ ta, máu loang đỏ biển xanh, vậy mà ai đó vẫn thản nhiên ra lệnh “phải kiềm chế, không được nổ súng”. Bản thân tôi đã 6 năm chiến trường, có nhiều bạn bè, người thân chiến đấu ở Campuchia, trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt, gian khổ, những kẻ sống sót ngày đêm chiến đấu trên những vùng đất xa lạ đầy rẫy bom, mìn, phục kích, xác chết…Khi cuộc chiến tạm lắng, bọn Polpot tạm lui, chưa một ngày ngơi nghỉ thì phần lớn họ lại phải hộc tốc ra bắc lên ngay biên giới chiến đấu một đánh mười với quân Tàu cộng. Có chuyện những người lính VN bị thương, bị bắt làm tù binh quân TQ đẩy xuống giao thông hào rồi đứng trên lia AK xuống. Lính TQ còn bịt miệng hầm ở Lạng Sơn bên trong có hàng trăm dân thường rồi nổ bộc phá, phun hơi độc…Không biết bao nhiêu nghìn, vạn những người con của Tổ quốc thân yêu nằm lại trên vùng đồi núi phía bắc, nhưng nay là “đất khách, quê người” không hương, không khói, đến cái bia ghi tên họ cũng bị đục phá…, mà người ta vẫn hớn hở vui cười với thứ bùa chú “16 chữ vàng”, “ 4 tốt” bịp bợm. Có vẻ như giang sơn con Lạc cháu Hồng đang đổi chủ, vì thế mà bàn thờ Tổ quốc hương lạnh khói tàn, những anh hùng, liệt sĩ thành những cô hồn? Ngày nay, cho dù cuộc sống vật chất đã cải thiện được phần nào, nhưng tâm hồn chúng tôi làm sao bình yên được trước cảnh đớn đau, ô nhục như vậy? Chúng tôi là những người dân không phải gánh vác trọng trách Quốc gia trên vai, việc tri ân những người đã khuất không hề gây khó khăn cho sách lược ngoại giao, cho dù là “ngoại giao đầu gối” của các vị “đỉnh cao trí tuệ”. Thời nay đất nước bao cảnh nguy nan, nhiều phần lãnh thổ, biển đảo bị chiếm đóng, dân ta đang bị đầu độc từng phút, từng giờ bởi đất nước đang biến thành bãi rác khổng lồ của Tàu cộng. Nhưng nghiêm trọng hơn là văn hóa, đạo đức suy đồi, giáo dục rơi thẳng đứng nhưng vẫn chưa chạm đáy. Tham nhũng, trộm cắp trở thành quốc nạn “nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”. Hàng nghìn vạn dân oan mất nhà, mất đất hàng chục năm đang đội đơn đi tìm công lý, những “công lý thì xa mà nhà pha lại gần”, đến nỗi có người hết hy vọng phải tẩm xăng châm lửa tự thiêu, trong khi chính quyền vẫn vô cảm, ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng không sao, “đảng ta” vẫn sống khỏe bằng vốn tài sản khổng lồ tước đoạt được của người dân lương thiện, lại thêm sự hậu thuẫn của ông bạn láng giềng “hảo hảo” bởi phép mầu của “16 chữ vàng”. Vì vậy, những việc chúng tôi làm là từ đáy lòng, không toan tính chính trị như các vị từng suy diễn. Chính vì thế mà các vị có trấn áp bằng cách nào, từ khủng bố tinh thần, sai lũ côn đồ hành hung, ngụy tạo tai nạn đụng xe, đến bắt giam, xử tù… rút cục, vẫn không thể thủ tiêu được lòng quả cảm và lương tâm người dân yêu nước Việt. Chúng tôi không thể sống như đã chết! N.Đ.Â. Theo boxitvn.blogspot.com
......

Tháng Tư từ hai góc nhìn

Lại tháng Tư. Lại thấy trên báo chí và các mạng lưới truyền thông xã hội trên internet những bài viết về một trong những biến cố lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại: tháng Tư 1975. Tuy nhiên, năm nay, các bài viết, đặc biệt ở hải ngoại, dường như khác những năm trước. Trước, người ta chỉ tập trung vào sự sụp đổ của chính quyền miền Nam và những hậu quả của nó. Năm nay, bên cạnh cái nhiều người gọi là ngày “đổi đời” ấy, người ta còn tập trung vào một khía cạnh khác: 40 năm người Việt định cư ở nước ngoài. Người Việt kỷ niệm ngày 30 thang 4 Thì cả hai đều có quan hệ nhân quả với nhau thôi: Bởi vì chính quyền miền Nam sụp đổ nên mới có hàng triệu người liều mình vượt biên hay vượt biển để ra đi tìm tự do. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến khía cạnh sụp đổ, người ta chỉ thấy những bi kịch; khi chú ý đến khía cạnh định cư ở nước ngoài, người ta thấy những khía cạnh tích cực và lạc quan hơn. Cho nên, cùng một biến cố, tuỳ theo góc nhìn, người ta thấy những mảng màu khác hẳn nhau. Chỉ nhìn vào khía cạnh “thua trận”, sau việc mất chính quyền là nạn độc tài và tàn bạo với cảnh hàng chục ngàn người bị lùa vào các trại lao động cải tạo, cảnh đánh tư sản mại bản, cảnh xua dân chúng vào các khu kinh tế mới đầy khổ ải, cảnh con cái của những người từng làm việc cho chế độ cũ bị kỳ thị ngay cả trong việc học vấn, và cuối cùng, cảnh hàng triệu người bỏ nước ra đi, trong đó có cả hàng trăm ngàn người bị hải tặc hoặc bị đắm tàu bỏ xác ngoài biển khơi. Ngày ấy, nói theo Võ Văn Kiệt, có triệu người vui và triệu người buồn. Nói thế là hơi nhẹ. Bởi đâu phải chỉ “buồn”. Người ta còn đau khổ, thống khổ vì những mất mát không thể bù đắp được. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người gọi đó là ngày quốc hận. Sau ngày “quốc hận” ấy là những ngày tháng tang thương bi thảm. Về phương diện kinh tế, đời sống mọi người càng ngày càng cùng cực, ngay cả lúa gạo cũng không đủ ăn, phải ăn độn khoai, độn sắn và ăn cả bo bo từ năm này sang năm khác. Về phương diện xã hội, với chính sách hộ khẩu và sổ lương thực, mọi người bị mất cả các quyền tự do cư trú và đi lại. Về phương diện tôn giáo, người ta cũng không được quyền tự do thờ phượng: các nhà tu đào tạo tu sĩ bị đóng cửa, việc đi chùa hay đi nhà thờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Về phương diện chính trị, tất cả các quyền căn bản của con người, từ quyền tự do tư tưởng đến tự do ngôn luận, từ quyền tự do đi lại đến tự do hội họp, từ quyền tự do biểu tình đến quyền tự do lập đảng phái… tất cả đều bị bóp nghẹt. Bên cạnh những sự “đổi đời” như thế, có một khía cạnh khác năm nay mới được chú ý nhiều: cộng đồng đông đúc với khoảng trên bốn triệu người Việt sống ở rải rác trên 100 quốc gia khác nhau kể từ sau năm 1975. Nhìn từ góc độ di dân học, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có mấy đặc điểm nổi bật: Thứ nhất, trong khi các làn sóng tị nạn trên thế giới phần nhiều có tính chất khu vực, chủ yếu di cư đến một quốc gia láng giềng nào đó (ví dụ từ Iraq chạy sang Saudi Arabia, Jordan hay Turkey; từ Afghanistan chạy sang Pakistan), làn sóng tị nạn của người Việt, ngược lại, có tính chất toàn cầu: sau khi đến một quốc gia láng giềng, họ được phép tái định cư ở một quốc gia thứ ba, hầu hết là các nước Tây phương, vừa xa xăm vừa xa lạ về văn hoá (trong đó, đông nhất là ở Mỹ với gần 2 triệu; kế tiếp là Pháp với khoảng 300.000; Úc và Canada mỗi nơi trên 200.000 người). Thứ hai, ở các quốc gia ấy, người Việt thường có xu hướng sống tập trung ở các tiểu bang hoặc các thành phố lớn và đông dân nhất. Thứ ba, mặc dù cộng đồng người Việt hải ngoại được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, từ di tản đến vượt biên, từ diện HO đến diện bảo lãnh gia đình, trên căn bản, yếu tố chính trị vẫn là nòng cốt: đó là một cộng đồng tị nạn. Đặc điểm thứ nhất là một trở ngại cho quá trình hội nhập: từ một nước thuộc loại nghèo khó nhất thế giới đến sống ở một quốc gia thuộc loại tiến bộ và giàu có nhất thế giới với một ngôn ngữ và một văn hoá khác biệt, nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng và cần thời gian mới có thể ổn định được cuộc sống. Đặc điểm thứ hai làm xuất hiện những khu phố người Việt, ở đó, người Việt sống tập trung bên cạnh nhau với một bản sắc riêng khác với những người bản xứ hay các cộng đồng di dân khác. Đặc điểm thứ ba làm cho xu hướng chính trị thành một trong những yếu tố chủ đạo hình thành bản sắc của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại: dù sống ở nước ngoài lâu đến mấy, phần lớn người Việt vẫn đau đáu theo dõi những chuyển biến chính trị ở trong nước và vẫn tha thiết muốn góp phần vào việc cải thiện tình hình ở quê nhà. Khi nhìn lại 40 năm sống ở hải ngoại, hầu hết các cơ quan truyền thông đều nhấn mạnh đến những thành tựu, từ lãnh vực khoa học, giáo dục đến các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Ở đâu cũng có những điểm son rất đáng tự hào.Phần lớn các tờ báo bằng tiếng Việt ở hải ngoại đều dành một số trang để đăng tải các bài viết ca tụng những người thành đạt. Ở đây, tạm gác qua một bên những cá nhân xuất sắc, chúng ta chỉ nhìn cộng đồng người Việt như một tập thể. Với tư cách tập thể, trong quan hệ với Việt Nam, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có hai đóng góp nổi bật nhất. Thứ nhất, về phương diện kinh tế, số tiền người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam hằng năm là một nguồn doanh thu quan trọng cho Việt Nam. Chỉ tính qua con đường gửi tiền chính thức, số tiền người Việt gửi về cho thân nhân trong nước vào năm 2009 là 6.2 tỉ Mỹ kim; năm 2010 là 8.1 tỉ; năm 2011 là 9 tỉ và năm 2013 là 11 tỉ biến Việt Nam thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối cao nhất trên thế giới. Thứ hai, về phương diện chính trị, cộng đồng người Việt ở hải ngoại tồn tại như một lực lượng đối kháng chế độ độc tài trong nước. Cái gọi là “lực lượng” này phần lớn khá tản mác và tự phát, không có lãnh tụ và cũng không có phương hướng hoạt động chung. Tuy nhiên, đóng góp của họ đối với cuộc tranh đấu cho dân chủ ở trong nước không nhỏ. Trong bài “Cộng đồng hải ngoại như một lực lượng đối lập” đăng trên blog này vào đầu năm 2010, tôi viết: “nếu không có những tiếng nói đối lập ồn ào và gay gắt xuất phát từ, hoặc được khuếch tán bởi, cộng đồng hải ngoại, thì những vụ tham nhũng khủng khiếp ở Việt Nam làm sao có thể phơi bày ra trước công luận? thì những kế hoạch khai thác bauxite ở Tây nguyên làm sao có thể thu hút sự chú ý của quần chúng đông đảo đến như vậy? thì những hành động lấn chiếm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc và thái độ nhu nhược của chính phủ Việt Nam làm sao có thể làm nhức nhối nhân tâm đến như vậy? thì những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo ở Việt Nam làm sao đến tai thế giới bên ngoài được?” Hai khía cạnh vừa nêu mâu thuẫn với nhau: Một mặt, về chính trị, cộng đồng người Việt ở hải ngoại phản đối gay gắt chính quyền trong nước; mặt khác, về tài chính, qua việc chuyển tiền về cho thân nhân trong nước, họ góp phần làm cho chính quyền Việt Nam giàu có hơn và có nhiều điều kiện để trấn áp dân chúng hơn. Nghịch lý ấy ai cũng biết nhưng không phải dễ giải quyết. Theo voatiengviet.com  
......

“Sử Gia” CSVN Vũ Quang Hiển Muốn Xóa Tội Lãnh Đạo!

Hôm 17/4 vừa qua, trang BBC đã đăng tải lời phát biểu của Vũ Quang Hiển được giới thiệu là một “sử gia” và hiện là phó giáo sư đại học quốc gia Hà Nội nói rằng sau năm 1975, CSVN không có chính sách ngược đãi. Việc tập trung học tập hay cải tạo chỉ là để học cho rõ chính sách của nhà nước chứ không phải là một chế độ tù đày. (1) Hình như Vũ Quang Hiển đã không đọc kỹ những sách báo tài liệu của chính chế độ Hà Nội viết về chính sách tù cải tạo đối với quân cán chính miền Nam. Chỉ riêng việc CSVN gọi quân cán chính VNCH là ‘ngụy quân nguỵ quyền” đã cho thấy chính sách ngược đãi đối với người dân miền Nam. Tất cả con cái của “ngụy quân ngụy quyền” không được vào đại học, không được thu nhận vào làm công nhân viên nhà nước thì gọi là chính sách gì? Một tháng sau khi chiếm miền Nam, ngày 31/5/1975 CSVN ra thông cáo buộc các quân cán chính VNCH phải trình diện học tập: 1/Cấp hạ sĩ quan, nhân viên phường, xã học tập ba ngày; 2/Cấp ủy và nhân viên cấp quận học tập 10 ngày; 3/Cấp Tướng, Tá, Lãnh đạo các đảng phái chính trị học tập 1 tháng. Hạ sĩ quan binh lính và nhân viên quận, xã, khóm, phường đi học tập 3 ngày từ 11/6 đến 13/6. Sau 3 ngày học tập, họ đã được cấp giấy chứng nhận và cho về nhà. Thủ đoạn này khiến cho nhiều người tin là việc tập trung cải tạo không có gì nguy hiểm nên rủ nhau đi học. Cấp Tướng, sĩ quan, lãnh đạo các đảng phái, trí thức phải tụ họp từ ngày 18 đến 20, chỉ mang theo 21 kí lô lương thực và một số bộ quần áo thay đổi trong vòng 1 tháng học tập. Đây là sự tráo trở đầu tiên của CSVN nhằm đánh lừa để có nhiều người tin tưởng ra trình diện, rồi chính họ và gia đình mòn mỏi trông chờ ngày về. Theo bản tường trình 26 trang của Aurora Foundation vào năm 1983 do bà Ginetta Sagan và ông Stephen Denney thực hiện thì có hơn 1 triệu người đã đi cải tạo mà rất ít được về sau thời hạn 10 ngày hay 1 tháng. Trên toàn quốc lúc bấy giờ có trên 150 trại tù cải tạo. Có khoảng 500 ngàn người được trả về nhà trong vòng 3 tháng; có 200 ngàn người bị giam giữ từ 2 đến 4 năm; có 240 ngàn người bị giam ít nhất 5 năm và nhiều chục ngàn người khác bị giam trên 10 năm. CSVN tuyên truyền rằng mục đích của tập trung cải tạo là “để thay đổi con người từ chế độ lỗi thời vào kỷ nguyên mới của những công dân tốt” nhưng trong thực tế, nội dung các bài học đều tập trung vào ba chủ điểm mang tính chất nhồi sọ: 1/đả phá chủ nghĩa đế quốc và sự thất bại của Mỹ; 2/tội ác của ngụy quân ngụy quyền; 3/chính sách khoan hồng của đảng, nghĩa vụ của người có tội. CSVN dùng kỹ thuật nhồi sọ với mục tiêu tẩy não để biến tất cả tù nhân thành một “con vẹt” như một cái máy… cho đến khi nào phải nói giống nhau. Vì chính sách dùng lao động để cải tạo tư tưởng nên lao động sản xuất là trọng điểm. Hàng ngày tù nhân bị bắt đi lao động sản xuất 8 tiếng. Mỗi tuần thì có hai buổi học tập chính trị. Trại “cải tạo” là những trung tâm khổ sai trá hình: người tù phải lao động cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, bị đánh đập và làm nhục, thường xuyên bị đe dọa, và có nhiều trường hợp bị xử tử thẳng tay. Ông Phạm Quang Giai, một cựu tù cải tạo viết trong tác phẩm Trại Cải Tạo xuất bản năm 1995 kể rằng: CSVN không cần đánh đập, không cần kết án, mà họ dùng cái máy chém vô hình và im lặng; ĐÓI. Họ lôi cái máy này đến mọi nơi, mọi chốn có tù chính trị miền Nam để trả thù, trả hận mà vẫn không mang tiếng là ác độc. Nhiều người đã thiệt mạng vì không chịu được cuộc sống khắc nghiệt, bệnh tật không có thuốc men. Thực chất đây là thủ đoạn trả thù quân cán chính miền Nam của lãnh đạo Hà Nội. Lý Thái Hùng 18/4/2015 (1) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2015/04/150418_vuquanghien_vi...https://www.facebook.com/lythaihung52/posts/1571624563097555 Theo http://diendanctm.blogspot.de/
......

Nhiều nhà đấu tranh dân chủ bị bắt giữ trái pháp luật

Vào lúc 9g00 ngày 16 tháng 04 năm 2015, nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh đã bị 3 công an huyện Thạnh Hoá – tỉnh Long An cưỡng chế bắt đi trái pháp luật. Hiện tại, nhà hoạt động Lưu Vịnh đang bị tạm giữ trái phép tại công an tỉnh Long An. Nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh (fb Vịnh Lưu) quê ở tỉnh Hải Dương. Sáng ngày hôm nay, nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh đến huyện Thạnh Hoá – tỉnh Long An để thăm gia đình dân oan Nguyễn Trung Can – Mai Thị kim Hương. Gia đình ông Can bà Hương đã bị lực lượng công an cưỡng chế thu hồi đất đai ngày 14 tháng 04 năm 2015. Nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh (bên trái) Một người dân chứng kiến tại hiện trường cho biết: “có 3 người công an huyện Thạnh Hoá đã đến cưỡng chế bắt chú Vịnh Lưu khi đến thăm gia đình ông Can bà Hương. Chú Lưu Vịnh vừa đến thăm hỏi được vài câu thì bọ họ cưỡng chế đưa lên xe rồi đi đâu không biết. Họ bắt mà chẳng có giấy mời hay giấy triệu tập gì cả.” Hiện tại, nhà hoạt động dân chủ Lưu Vinh đang bị tạm giữ tại cơ quan công an tỉnh Long An. Chúng tôi cũng chưa biết chính quyền tỉnh Long An làm việc với nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh vì lý do gì? Nhà hoạt động dân chủ Lưu Vịnh là một nhà hoạt động dân chủ – nhân quyền – tự do, từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược. Vào lúc 10g00 ngày 16 tháng 04 năm 2015, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Văn Thạnh đã bị công an Lăng Cô – TT Huế bắt khi đang đi dọc đường. Công an huyện Lăng Cô đã bắt giữ kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh và tạm thu một số giấy tờ liên quan. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, công an huyện Lăng Cô đã thả tự do cho kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh với lời đe doạ: “có tin là chúng tao sẽ đưa may lên đỉnh đèo và đẩy xuống vực sâu rồi giả làm vụ tai nạn giao thông để giết chết không?” Họ thả tự do cho kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh trên đỉnh đèo và bắt anh phải đi bộ về với chấn thương ở đầu gối. Vào ngày 12 tháng 04 năm 2015, công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ nhóm 6 bạn trẻ VNCH. Đến hôm nay là ngày thứ 6 Nguyễn Viết Dũng (fb Dũng Phi Hổ) bị tạm giữ nhưng vẫn không có tin tức gì. Gia đình đã nhiều lần đến trụ sở công an quận Hoàn Kiếm yêu cầu trả tự do và giải thích vì sao tạm giữ Nguyễn Viết Dũng trái pháp luật. Đến hôm nay, công an quận Hoàn Kiếm vẫn chưa đưa ra một lời giải thích nào cho việc tạm giữ anh Nguyễn Viết Dũng. Công an quận Hoàn Kiếm cũng chưa có lệnh khởi tố nào đối với Dũng Phi Hổ. Họ chỉ trả lời là tạm giữ Dũng Phi Hổ để điều tra một số việc liên quan. Nguyễn Viết Dũng và 5 bạn trẻ khác bị tạm giữ hôm đi tuần hành bảo vệ cây xanh. Nhưng lý do họ bị tạm giữ vì mặc áo thun đen có in hình biểu tượng VNCH và khẩu ngữ: “chính quyền phải sợ người dân; người dân không sợ chính quyền”. Hiện nay, 5 bạn trẻ kia đã được tự do. Chỉ còn Dũng Phi Hổ vẫn đang tạm giữ để điều tra nhưng chưa biết thông tin cụ thể sẽ ra sao? CTNLT Chu Mạnh Sơn Nguồn: http://fvpoc.org/2015/04/16/nhieu-nha-dau-tranh-dan-chu-bi-bat-giu-trai-...
......

Thông báo: Cùng đi bộ vì cây xanh sáng Chủ nhật 19.4.2015

Thông báo VỀ HOẠT ĐỘNG ĐI BỘ VÌ CÂY XANH HÀ NỘI Thời gian: 09h30, Chủ nhật 19.4.2015 Địa điểm: Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội Hà Nội vẫn không trả lời hàng nghìn câu hỏi của những người dân trao trực tiếp cho UBND Thành phố ngày 20/3. Hà Nội vẫn không trả lời văn bản yêu cầu giải trình của các luật sư gửi UBND Thành phố và Sở xây dựng ngày 2/4. Hà Nội vẫn không có một bản báo cáo công khai nào nhằm làm rõ mọi khuất tất trong việc chặt hạ cây xanh ở thủ đô. Ngày 15/4, hạn chót để Thành phố gửi báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ đã hết, kết quả là… không có kết quả gì ngoài một sự quanh co, vòng vo, chối tội và che giấu tội. Trong khi đó, những vụ “tỉa cành” vẫn diễn ra lén lút và thường xuyên. Hàng chục cây xà cừ bị lột vỏ đêm hôm, thân cây đầy những vết chém sâu. Không một lời giải thích. Không một cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm. Hình ảnh chụp lúc 16h chiều thứ Năm 16.04.2015: Chúng ta – những người yêu Hà Nội, yêu cây xanh, yêu sự minh bạch và đàng hoàng – không thể im lặng được nữa. Hãy tiếp tục đi bộ, tuần hành, đạp xe vì cây xanh, bảo vệ cây xanh Hà Nội, song song với các hoạt động pháp lý. - Các phương án tập trung: Phương án 1: Tập trung tại bờ hồ, chỗ đài phun nước. Phương án 2: Tập trung ở bờ hồ, chỗ đồng hồ lớn, góc gần Tràng Tiền Plaza Phương án 3: Có mặt trên vỉa hè bờ hồ, tìm và tập trung mọi người để đi cùng nhau Các bạn nhớ mặc trang phục xanh lá cây và/hoặc sử dụng các phụ kiện màu lá cây. Hẹn các bạn tại Bờ Hồ chủ nhật này, 19/4/2015. Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện
......

Đỉnh Cao Của Sự Sợ Hãi

Nếu có một cơ hội để đối thoại, người dân Tuy Phong, chắc chắn, sẽ không lựa chọn giải pháp cứng rắn như họ đang làm. Những nông dân hôm qua còn chân chất, hiền lành, có thể sẽ bị bắt. Những nông dân chất phác đó có thể đã phải cân nhắc, họ chấp nhận rủi ro vì không thể tiếp tục hít thở bụi than. Tương lai họ sẽ ra sao nếu thân mình thì tù tội trong khi con quái vật khổng lồ đó vẫn ngày ngày phun xỉ than vào phổi của con em họ. Tại sao nhà thầu Trung Quốc có thể đưa công nghệ luyện thép lò đứng đến Vũng Áng, đưa nhiệt điện đốt than tới Tuy Phong. Chúng ta rất khó nói ra câu trả lời mà ai cũng nghĩ trong đầu. Nhưng nếu người dân có đại diện thực sự của họ, các tổ chức môi trường có thể dễ dàng hình thành, những công nghệ đã bị xua đuổi ở các nước phát triển đó chắc chắn khi đến Việt Nam đã bị chặn từ khi bắt đầu dự án. Chế độ có muốn nông dân biểu tình cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch không. Không. Chế độ có muốn công nhân đình công không. Không. Vậy sao Chế độ không đặt câu hỏi: Tại sao dưa ế, những tiếng nói đầu tiên tìm lối thoát giúp nông dân Quảng Ngãi không phải là Hội Nông dân? Tại sao khi cảm thấy Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội chi trả tiền bảo hiểm không công bằng, 90 nghìn công nhân PouYuen phải đình công thay vì tìm tiếng nói từ Tổng Liên đoàn lao động? Nếu muốn "ổn định chính trị" đừng chi những khoản ngân sách khổng lồ cho những đoàn thể chỉ biết làm cái loa rè cho Chế độ. Nếu muốn quy trình ban hành chính sách tránh được những quy định kích hoạt những cuộc đình công khổng lồ như Điều 60 Luật Bảo hiểm thì hãy để công nhân lập ra những hội đoàn nói tiếng nói của họ thay vì chỉ nói những điều "bịt tai, bưng mắt" Chính quyền. Nếu muốn những nông dân chất phác hiền lành không có một ngày tự nhiên vác gậy gộc ra chặn đường thì hãy để cho họ có một hội nông dân của họ. Di sản lớn nhất mà loài người nhận được từ chế độ cộng sản là sự sợ hãi. Dân chúng thì sợ từ anh dân phòng cho tới công an, quan tòa. Chính quyền thì sợ nhau và sợ dân. Đỉnh cao của sự sợ hãi của những người trong tay không có gì sẽ là sự khuất phục hoàn toàn nhưng cũng có thể là sự liều lĩnh khó lường. Đỉnh cao của sự sợ hãi của những kẻ cầm quyền hoặc là bỏ chạy hoặc trở nên vô cùng tàn bạo. Hãy để cho dân thiết lập các kênh đối thoại để trước hết giải thoát sự sợ hãi cho Chế độ. Nguồn: https://www.facebook.com/Osinhuyduc?fref=ts
......

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (3)

Rắc rối đa nguyên Chúng ta đã quá thấu vì những thảm cảnh do độc tài gây ra. Nhưng dân chủ không phải không có những phiền toái. Vì dân chủ tôn trọng ý kiến khác biệt nên mọi cá nhân, hội nhóm, đảng phái luôn phải vất vả, xoay trở để cạnh tranh, đối phó với các cá nhân, hội nhóm, đảng phái khác đang tồn tại hoặc liên tục được sinh ra. Chính vì thế mọi xã hội dân chủ đều không có tính “bình yên”, “ổn định” như trong chính thể độc tài. Mỗi cá nhân, hội nhóm, đảng phái dù là (đang) xuất sắc nhất cũng tự biết rằng vị thế của mình chỉ là tạm thời và phút chốc có thể trở thành tầm thường - một điều không dễ chịu đối với mọi con người. Nhưng đổi lại con người trong chính thể dân chủ giữ được tư duy độc lập đồng thời không ngừng được hoàn thiện, bồi đắp thêm những giá trị, hiểu biết, do chính bản thân ngộ qua, hay học được, kết hợp được từ những cá nhân, hội đoàn khác. Và, quan trọng hơn, cùng một vấn đề luôn luôn có hơn một giải pháp, ý tưởng để lựa chọn hay dự phòng, đưa đến hệ quả tránh cho toàn xã hội, cộng đồng không bị “Xuống Hố Cả Nút”. Kẻ cầm quyền cũng được hưởng lợi: được sống một cuộc đời thật và cầm quyền với sự an tâm do chính đáng. Vì vậy, những lãnh đạo dân chủ dù cũng không thích phải cạnh tranh, họ luôn bảo vệ tính đa nguyên, chống sự độc tôn của cá nhân, hội đoàn, đảng phái. Trong bản luận về chính quyền (federalist) số 10 rất nổi tiếng của James Madison viết năm 1787, ông kết luận: “Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng những NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ của nạn bè đảng, hội nhóm là không thể loại bỏ, và cách chữa duy nhất chỉ nằm trong việc kiểm soát các TÁC ĐỘNG của chúng mà thôi.”[i] Trước đó Madison đã chứng minh muốn dẹp được sự khác biệt, bất trắc, lộn xộn nhiều khi biến thành cãi vả, ẩu đả, bạo lực của các hội nhóm, ý kiến khác biệt thì chỉ bằng cách triệt hạ hết tự do của xã hội - điều Madison không bao giờ chấp nhận. Nhìn trên những căn bản như thế chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của “Quân lực VNCH”, hoặc các nhóm hội đặc biệt khác, là điều tất yếu và là một vốn quí cho xã hội. Và sự bất đồng giữa “ban tổ chức” cuộc tuần hành vì cây xanh (là một hội nhóm) với nhóm “Quân lực VNCH” cũng là điều thường tình. Vậy vấn đề quan trọng cần xét là mục đích của hai bên và ứng xử của hai bên trong sự bất đồng đó. Về mục đích, như đã phân tích, qua thể hiện, cả hai bên đều có những mục đích (chung, riêng) đều theo hướng mang lại tiến bộ cho xã hội. Nhưng, như đã thấy, mục đích xiển dương “Việt Nam Cộng Hòa” của nhóm “Quân lực VNCH”, dù tốt cho xã hội, chưa (hoặc không) tương thích với “ban tổ chức” và hệ quả là “ban tổ chức” đã lên tiếng phản đối, bác bỏ và khẳng định độc quyền về tuần hành. Theo tôi cách ứng xử này của “ban tổ chức” không phải là lựa chọn tối ưu. Nếu chỉ nhằm đáp ứng một nhu cầu cần phải chứng tỏ “ban tổ chức” không hề liên quan với “Quân lực VNCH”, có rất nhiều cách khác đẹp hơn cách đã làm để đạt được mục đích này. Nhưng chúng ta cũng có thể lý giải thái độ đó của “ban tổ chức” theo tâm lý học hình sự (criminal psychology). Theo thuyết này, trong hoàn cảnh bị đe dọa, người thiếu kinh nghiệm thường có phản ứng tức khắc bằng thái độ (hành động) thể hiện sự lìa xa với những đối tượng (vấn đề) mà người đó nghĩ có thể làm cho tình trạng nguy hiểm hơn. Sự “lìa xa” đó có nhiều mức độ từ thờ ơ, từ chối, bác bỏ đến ruồng rẫy, đả phá. Tuy nhiên phản ứng “lìa xa” đó không thể qua mắt được các điều tra viên hạng trung bình, đó là dấu hiệu khả tín của “cái tôi đang hoảng”, theo kiến thức thuộc loại cơ sở vừa nêu của hình sự học. Sau khi đăng hai phần của bài viết này, tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trong đó có một luận điểm cho rằng “ban tổ chức” phải có thái độ như thế là  “nhằm mục đích tập dượt cho những người chưa quen, những người vẫn còn sợ việc xuống đường. Làm cho họ quen đã, xuống đường nhiều đã, rồi...” Theo tôi, và phải nói thẳng, luận điểm này hoặc là ngụy biện để che chắn cho một kế hoạch nào đó hoặc là ngộ nhận, sai hoàn toàn về quan điểm vận động tiến bộ. Thứ nhất, vì chúng ta không thể cải thiện một xã hội độc tài bằng cách tập cho người dân xuống đường với tinh thần độc quyền, độc tài. Điều đó chỉ có thể làm thay đổi hình thức độc tài và gây rạn nứt thêm cho xã hội, không thể giúp xã hội nghiêng được sang dân chủ tự do. Chúng ta nên nhớ lại, trong các xã hội độc tài toàn trị, không phải không có các thiết chế có những cái tên như “quốc hội” (nghị viện), “tòa án”, “thẩm phán”, “mít-tinh”, “biểu tình”, “công đoàn”, “bỏ phiếu”, “báo chí” v.v. và cả “đa đảng chính trị” nữa. Tất cả những thứ đó hầu hết đều có, nhưng chỉ có điều: do một nhóm người điều khiển hoặc chỉ một số người được thực hiện mà thôi! Thứ hai, lập luận đó rất dễ rơi vào bẫy của nhà độc tài khi họ muốn loại sự tham gia của những cá nhân, hội đoàn không có lợi cho quyền lực độc tài của họ trong khi cho phép nhiều cá nhân, hội đoàn tham gia nhưng vô hại đối với họ. Thủ pháp này có thể gọi là đa nguyên nửa vời. Tựu chung luận điểm đó và giải pháp đó chỉ có lợi cho độc tài. Rõ ràng, xã hội dân sự Việt Nam trong những năm qua đang sôi động, phát triển. Ý thức tự lập của người dân đã có nhiều dấu hiện cải thiện. Trong môi trường đó, tinh thần đó, dù còn nhiều khiếm khuyết và đầy thách thức, nhiều nhà hoạt động trẻ nhiệt thành, có tri thức đã xuất hiện và đóng góp rất nhiều, bằng những cách thức mới khác hẳn, cho tiến bộ xã hội. Nhiều người có kiến thức và tài năng thật xuất sắc, cá nhân tôi hết sức khâm phục và ngưỡng mộ. Và trên bước đường hoạt động còn đầy chông gai đó chắc chắc họ không thể tránh được những sai sót, thậm chí lỗi lầm, như mọi con người khác. Và tôi tin họ sẽ ngày càng xuất sắc hơn qua những sai sót có thể đó. Nhưng tôi cũng tin rằng trong xã hội vẫn còn nhiều trí tuệ và tài năng xuất sắc nữa và có thể xuất sắc hơn hết thảy mọi nhà hoạt động xuất sắc đã từng xuất hiện. Nhưng vì một lý do nào đó những người đó vẫn chưa xuất hiện. Chúng ta hãy cùng lưu tâm bảo vệ, tạo cơ hội cho những con người như thế được lên tiếng và thể hiện. [i]     “The inference to which we are brought is, that the CAUSES of faction cannot be removed, and that relief is only to be sought in the means of controlling its EFFECTS.” Theo nhucaytrevn.blogspot.de/2015/04/ Xem phần 1 - http://www.ttdq.de/node/2180 Xem phần 2 - http://www.ttdq.de/node/2182  
......

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (2)

“Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” Qua những gì đã trình bày, mấu chốt của sự cố đã xảy ra nằm ở chỗ những thanh niên ôn hòa, nghiêm nghị trong cuộc tuần hành vì cây xanh đó đã dám thể hiện những biểu tượng, yếu tố liên quan tới “Việt Nam Cộng Hòa” một cách ôn hòa. “Việt Nam Cộng Hòa” là gì? Đứng về mặt cảm nhận xã hội nói chung, chúng ta phải thừa nhận đây là một cụm từ còn có tính “húy kỵ” vì “Việt Nam Cộng Hòa” đã là một chính thể đối lập, đối kháng với chính thể hiện nay và vẫn bị chính thể hiện nay kỳ thị, coi là “ngụy”, “tay sai”, “bán nước”. Tuy nhiên, về mặt bản chất, “Việt Nam Cộng Hòa” có thực là một chính thể “tay sai”, “bán nước”, “ngụy”? Căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, chúng ta có thể khẳng định tất cả các từ chỉ thị trong dấu “ ” này đều là bóp méo sự thật. Nhìn vào những gì đã thể hiện trên thực tế chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây trong quan hệ giữa chính thể “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (tiếp nối của “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”) với Trung Hoa Cộng Sản, chúng ta có thể tự tin khẳng định “Việt Nam Cộng Hòa” là một chính thể đã không làm phương hại tới chủ quyền lãnh thổ, quốc gia trong quan hệ với nước ngoài như hai chính thể Việt Nam vừa nói. “Việt Nam Cộng Hòa” cũng là chính thể được thiết lập thông qua các thiết chế dân chủ, mặc dù còn nhiều khiếm khuyết, nhưng tính chất dân chủ cao hơn hẳn hai chính thể vừa đối chiếu. Đặc biệt “Việt Nam Cộng Hòa” đã tôn trọng nhiều quyền tự do chính trị, tự do dân sự của người dân. Ở “Việt Nam Cộng Hòa” cách đây hơn 40 năm, người dân đã có quyền ra báo tư nhân, quyền thành lập đảng chính trị đối lập, quyền xuống đường biểu tình, v.v. - tất cả những quyền này đều thiếu vắng ngay trong chính thể hiện nay: “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy “Việt Nam Cộng Hòa” so với chính thể Việt Nam hiện tại rõ ràng là một biểu tượng của văn minh, dân chủ, nhân bản. Nhìn như thế ắt hẳn chúng ta phải cảm thấy chia sẻ, thương cảm và ngậm ngùi cho “Việt Nam Cộng Hòa”, cũng như cho tất cả mọi người Việt Nam, kể cả các đảng viên Cộng sản, bởi một chính thể nhân bản hơn, dân chủ hơn và có trách nhiệm hơn đối với lãnh thổ quốc gia đã không thể tồn tại. Nhìn như thế, dù chúng ta có thể sợ vì vẫn coi là một “húy kỵ”, chúng ta không thể nào hắt hủi, ghẻ lạnh với “Việt Nam Cộng Hòa”. Nhưng không chỉ không ghẻ lạnh và không hắt hủi, nhóm thanh niên “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” trong cuộc tuần hành hôm 12/4 vừa qua còn biểu tỏ sự liên đới một cách công khai nhưng điềm đạm và rất chừng mực. Đặc biệt, các thanh niên đó còn ở độ tuổi trên dưới 30, tức được sinh ra cách khá xa “Việt Nam Cộng Hòa” và hình như tất cả đều sinh trưởng tại miền Bắc. Tôi cho rằng đó là một hiện tượng rất đáng chú ý trong giới trẻ, những người thường bị coi là thiếu ý thức xã hội hay ít quan tâm tới chính trị. Theo tôi, rất có thể những thanh niên đó đã thấu hiểu sự thật lịch sử và có ý thức rõ trong việc mạo hiểm tôn vinh những giá trị cao đẹp đã mất đang bị coi là “húy kỵ”. Những khuôn mặt nghiêm nghị, trầm tư, tự tin khi tuần hành của các bạn đó có thể là biểu hiện của tự nhận thức rõ sự nghiêm trọng trong những việc họ đang làm. Hoặc họ là những người trẻ sáng tạo và táo bạo trong việc thức tỉnh dân chúng về một vấn đề quan trọng của lịch sử đang bị che giấu và rất liên quan tới nền tảng tiến bộ của xã hội: Thể chế chính trị. Nhưng dù sự thật thế nào, việc dám xiển dương “Việt Nam Cộng Hòa” ngay giữa thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng Tư này bằng một thái độ công khai, ôn hòa, chững chạc như thế cũng là một sáng tạo dũng cảm đàng hoàng của tuổi trẻ rất cần được ghi nhận. Tôi tin những thanh niên đó chắc cũng đã phải dự tính nhiều người hiện nay sẽ không đồng tình với họ. Nhưng chắc họ cũng sẽ thông cảm với những người đó vì đa phần là do thói quen cố hữu cứ ôm lấy những “húy kỵ” lẽ ra đã phải bỏ hoặc chưa tự tìm hiểu thêm lịch sử mà thôi. Chắc họ cũng phải nghĩ và tự động viên bản thân rằng: Có cái tiến bộ hay thúc đẩy tiến bộ nào không có tính “khác” và “trước” so với số đông? Nhìn kỹ hơn chúng ta sẽ thấy vấn đề lại có tính trớ trêu nực cười cho xã hội ta, khi một Ủy viên Bộ Chính trị, một ông Thủ tướng cộng sản gộc (có thể sẽ thành Tổng bí thư) đã công khai làm thông gia với “Việt Nam Cộng Hòa” từ lâu rồi mà người dân lại vẫn e sợ, húy kỵ “Việt Nam Cộng Hòa”. Khi cả hệ thống chính trị “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” đang vận động để được mua các loại vũ khí tối tân của Hoa Kỳ - đồng minh cũ của “Việt Nam Cộng Hòa” - mà người dân lại vẫn phát hoảng khi nghe tới “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”. Có lẽ, một trong những hệ lụy nặng nhất từ một chế độ toàn trị không phải là sợ hãi hay độc đoán mà chính là sự chai lỳ về tư duy. Và chẳng phải xã hội ta đã tiến lên được nhiều bước là do đã nỗ lực phá đi được những húy kỵ như “khoán ruộng”, “sản xuất tư nhân”, “buôn bán tư nhân”, “nghe đài địch”, “chơi với tư bản”, v.v.? Nhưng lại vẫn còn một giả thuyết khác, trong giới trẻ và xã hội hiện nay đã có nhiều người nhận thức đúng về “Việt Nam Cộng Hòa” nhưng vẫn ngại chưa dám bày tỏ như nhóm “Quân lực VNCH”. Nhìn cả hai mặt như thế chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn ý nghĩa xã hội của nhóm “Quân lực VNCH”. Nếu tôi không nhầm, hầu hết tất cả những người đã dấn thân vào các hoạt động cho cộng đồng nhưng ngược với ý muốn của chính quyền đều đã ít nhất một lần phải nghe người khác “khuyên răn” với những lý luận tương tự, “quá nhanh”, “quá xa”, “quá mạnh”, “gây mất an ninh”, “mất ổn định”, “phá hoại hạnh phúc, tương lai” của người này, người kia. Do đó nhà báo Đoan Trang cáo buộc nhóm “Quân lực VNCH” “đã đi quá xa” là không thỏa đáng. Và cho rằng họ có nguy cơ làm “vùi dập” những mầm xanh tuổi trẻ khác là một suy nghĩ không đúng và quá nặng.○ (còn một phần) Theo nhucaytrevn.blogspot.de Xem phần 3 - http://www.ttdq.de/node/2183  
......

Nhà báo Đoan Trang và “Quân lực Việt Nam Cộng hòa” (1)

Nhà báo Đoan Trang Trong cuộc tuần hành vì cây xanh sáng Chủ nhật 12/4 vừa qua tại Hà Nội có một sự kiện rất đáng chú ý và đã gây tranh cãi. Đó là sự xuất hiện của một nhóm 4, 5 thanh niên nam trẻ với tên gọi nhóm “Quân lực Việt Nam Cộng Hòa” (tên này tạm gọi, chưa chắc đã đúng) trên không gian mạng. Căn cứ vào những hình ảnh và phản ánh quan trọng đã có trên mạng, nhóm “Quân lực VNCH” hôm đó là những người tuần hành ôn hòa, có phần hơi nghiêm nghị, và như những người tuần hành ôn hòa khác họ cũng bày tỏ một thông điệp rõ ràng với những khẩu hiệu trên tay vì cây xanh. Điểm khác biệt quan trọng nhất của họ đối với những người khác là họ cùng mặc áo thun đen với logo trên ngực trái hình chim ưng (ó) cách điệu khá nhỏ màu vàng và sau lưng là hai dòng chữ tiếng Anh có nghĩa: “Nhân dân không nên sợ hãi chính quyền”, “Chính quyền cần phải sợ nhân dân”. Nhưng gần như ngay tức khắc đã có những ý kiến bày tỏ “không liên quan”, phản đối sự tham dự của nhóm “Quân lực VNCH”, điển hình là bài viết của nhà báo Đoan Trang. Đọc kỹ bài viết của nhà báo, nhà hoạt động Đoan Trang tôi thấy luận điểm chính của bài viết (không hoan nghênh nhóm “Quân lực VNCH”) không được đặt trên những cơ sở về pháp luật, về tinh thần dân chủ đa nguyên và cả về công tác tổ chức. Nhà báo Đoan Trang viết: “Các bạn “Quân lực VNCH” nên ghi nhận là công an đã không bắt các bạn ngay trong lúc tuần hành...” Thật nguy hiểm cho tinh thần pháp luật và an ninh của đời sống con người, nếu một công dân không hề có hành vi (thái độ và hành động) vi phạm pháp luật lại phải ghi nhận, chắc nhà báo Đoan Trang viết với ý phải cảm ơn (như phiên bản ban đầu), rằng mình đã không bị nhà chức trách bắt giữ. Phải chăng vì quá chú tâm tới sự kiện cây xanh hay hoạt động của mình, nhà báo Đoan Trang đã quên mất những nhân quyền cơ bản (của người khác)? Về phương diện tổ chức, kể cả là có tổ chức thật bài bản và qui củ, khi nhà tổ chức chưa đưa ra qui định hay khuyến cáo về trang phục, thông điệp thì không thể trách cứ người tham gia về những vấn đề đó, ngoại trừ các vấn đề gần như đã được đồng thuận phải tránh như kích động bạo lực, bạo lực, bất nhã. Nhưng kể cả trong trường hợp nhà tổ chức muốn qui định thì cũng không thể kiểm soát được tính đa dạng vô biên trong cách bày tỏ của con người. Nhà báo Đoan Trang khuyến cáo: “...các bạn có thể tự tổ chức một sự kiện khác cho riêng các bạn, vào thời gian, địa điểm khác, với nhân sự khác, và không góp mặt trong sự kiện mà tại đó bạn không được đón nhận.” Câu này cho tôi một cảm nhận dường như nhiều người trong chúng ta chưa nhận thấy không gian bày tỏ trên đất nước chúng ta đã quá chật hẹp suốt hơn nửa thế kỷ qua vì một thể chế chính trị lạc hậu nên đôi khi lại vô tình chặn bớt không gian bày tỏ của người khác. Một không gian công cộng, trừ trường hợp có qui định đặc biệt, vẫn là một không gian công cộng dù là nơi đang xảy ra tuần hành hay biểu tình. Chúng ta có thể độc quyền về thông điệp tuần hành nhưng không nên và không thể độc quyền về không gian bày tỏ công cộng và quyền bày tỏ, trừ khi chúng ta nắm quyền lực độc tài. Nhà báo Đoan Trang cho rằng nhà chức trách “có thể lấy cớ cờ 'vàng xuất hiện'” để dẹp tuần hành, theo tôi đây là một suy diễn không vững và không thực tế. Theo tôi, nếu cần dẹp bất kỳ cuộc tuần hành nào, nhà chức trách hiện nay không nhất thiết phải dựa vào những lý do như thế. Chúng ta chẳng phải đã chứng kiến nhiều lần cả “cờ đỏ” lẫn “Bác Hồ” đều bị lực lượng chức năng quăng xuống đất để dồn phá người biểu tình? Hơn nữa, nếu điều đó xảy ra lỗi vẫn hoàn toàn thuộc về một chính quyền chưa biết tôn trọng quyền dân. Và tại sao chúng ta không nghĩ ngược lại, đó chính là cơ hội giúp khơi lên một dư luận quan tâm tới tinh thần pháp luật và tinh thần hòa giải dân tộc và hóa giải xung đột giữa hai chế độ Việt Nam (Cộng sản và Cộng hòa)? Cuối bài viết nhà báo Đoan Trang cho rằng những bạn trẻ “Quân lực VNCH” đã “đi quá xa”(sic) rất có thể làm ảnh hưởng không tốt hoặc gây nguy hại tới những người có “tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội”. Nhưng tôi lại nghĩ hoàn toàn khác. (còn tiếp) Theo nhucaytrevn.blogspot.de/2015/04/nha-bao-oan-trang-va-quan-luc-viet-nam.html Xem phần 2 - http://www.ttdq.de/node/2182
......

Thương quá đời nhau

Mùa dưa đầu năm nay gặp lũ bất ngờ, nhiều gia đình ở Quảng Nam trắng tay. Nhiều nơi, những thanh niên không quen biết, những nhóm người vô danh đột nhiên xuất hiện và kêu gọi mọi người chia nhau, mua dưa như một cách để cứu nạn cho nông dân. Cuộc sống vẫn còn giới thiệu những điều quý báu và lay động lòng người trước nghịch cảnh lắm khi chán chê. Nhìn hình ảnh những người già miền Trung ôm lấy trái dưa, ngậm ngùi, rồi lại thấy những thanh niên căng biểu ngữ kêu gọi mua dưa giúp mà thương. Giá dưa lại xuống tận 1000 đồng / kg thì cả ruộng dưa nếu có bán được, e cũng chưa đủ đóng được tiền vay của ngân hàng. Mẹ già nhìn đăm đăm vào ruộng, mênh mông buồn. Hóa ra, người Việt vẫn gượng lại để giữ một tấm lòng cho nhau, dù có lúc ai nấy đều lặng người trước cảnh giành giật miếng ăn, cướp giật của rơi của người gặp nạn. Nơi Hà Nội từng có ngày hoa bị giành giật, tranh nhau và giẫm đạp, thì cũng có một ngày người người hẹn nhau để giữ lấy từng gốc cây. Sài Gòn sầm uất chốn vui chơi ngày đêm, nhưng không thiếu quán ăn miễn phí, hay giá chỉ 2000 đồng cho kẻ khó hơn mình. Từ khoảng 5-7 năm nay, phong trào kêu gọi mua hàng hóa để giúp người dân nghèo bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Lúc thì dưa, lúc thì hoa tết, có lúc là rau cải. Người Việt có thói quen mua không để dùng, mà mua như một động thái chia sẻ sinh tồn. Như anh bạn của tôi vẫn hay mua một vài tờ vé số, nhưng chẳng bao giờ dò. Mục đích mua chỉ là gửi một niềm lạc quan cho người khó khăn hơn mình. Thương nhau mới làm được như vậy, vì đôi khi cần dè sẻn, mua một ly nước cho mình, nhiều người vẫn phân vân. Cách đây không lâu, một người quen trên facebook tranh luận với tôi, nói rằng trên thực tế, người Việt không thể có tình đồng bào. Nếu dự trên khoa học, câu chuyện trăm trứng nở trăm con và nguồn gốc chuẩn tộc thuần túy, thì rõ ràng “đồng bào” là điều dường như vô nghĩa. Nhưng “đồng bào” – tên gọi và ý nghĩa duy nhất mà người Việt có trên thế giới đã là một sự kết dính tinh thần, thương lấy đời nhau qua năm tháng. Tình thương của người Việt ít màng lý luận, vì vậy ít ai chất vấn vì sao lịch sử người Việt hay song hành với huyền thoại chứ không là ghi chép cụ thể. Dù biết nỏ thần của An Dương Vương hay phép lạ của Thánh Gióng là điều bất khả. Và có lẽ trong thói quen của tình thương đó, người dân Việt cũng ít khi nào tự hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tận lực như thế nào để chuyện mất mùa hay trì trệ trong nông nghiệp là chuyện thường ngày bấp bênh trên đất nước này, khác với các quốc Châu Á hôm nay? Trong cái ghi chép của người xưa, người Việt mình hay cười. Bài “Xét tật mình” của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đăng trên Đông Dương Tạp Chí năm 1913, nói người Việt “Hay cũng hì, mà dở cũng hì, quấy cũng hì, phải cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang. Có kẻ bảo cười hết cả, cũng là một cách của người hiền”. Quả thật người Việt rất hiền. Nghe tin đường xa lộ mới xây bị hư hại, lộ cốt bằng tre, bằng ván ép… rồi im lặng và cười. Nghe vaccine chữa bệnh trẻ con chích vào chết ngay, lại vẫn được hô hào sử dụng, cũng đành im lặng và cười. Nghe lấp sông Đồng Nai sẽ đẩy hàng triệu người vào nghèo khó, im lặng thở dài và cười. Nghe khai thác bauxite thất bại nợ nần đến con cháu đời sau, cũng chỉ im lặng rồi cười. Người Việt thương mình, như thương một giai cấp của mình trước chuyện thế gian quá tầm tay. Mua hàng cho dân nghèo, góp tiền, góp của cho từ thiện là những chuyện mà đâu đâu trên đất Việt cũng thấy. Tiền người Việt giúp nhau, nhiều không kể xiết – không có một ngân quỹ chính sách nào có thể sánh bằng. Thường nhau, giúp nhau từ nhà ra ngõ, từ trăm cây số đến hàng ngàn dặm. Tiền kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái hơn 11 tỷ USD, bằng giấc mơ phát triển của cả nhiều quốc gia trên thế giới. Người Việt thương nhau mà thở dài, nhiều người nói mình có ra sức giúp cả đời cũng không xuể. Các quan chức bị tố tham nhũng, chỉ nhận chức chưa quá nửa đời người đã dinh thự đền đài, con cháu trở thành một giai cấp khác, thụ hưởng trên nụ cười và tiếng thở dài của dân mình. Người Việt thương nhau, ngó tượng đài trăm tỷ, vinh danh cho bộ mặt một chính quyền địa phương mà hàng ngàn gia đình đói ăn trong ngày khánh thành. Người Việt nhìn ra biển, thấy cá mà thương ngư dân trong trùng vây khốn khó dở khóc dở cười. Nhỉn ngó mọi nơi, và im lặng trước những điều quá tầm tay. Người Việt quay về với nhau. Chia nhau khốn khó. Cười, thương quá đời nhau. Theo nhacsituankhanh.wordpress.com
......

DCCT không được phép giúp TPB: Thư xin lỗi quý Thương phế binh VNCH

Kính thưa quý TPB VNCH đang sống tại các tỉnh/thành phố Sài Gòn, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Tây Ninh. Trước hết, Ban tổ chức chúng tôi thành thật xin lỗi quý anh em đã được gọi về DCCT Sài Gòn ngày 17.04.2015 sắp tới để được kiểm tra sức khoẻ đợt 7 vì chương trình này đã bị huỷ.   Kế đến chúng tôi xin gửi lời xin lỗi sâu xa đến quý y, bác sĩ thiện nguyện, quý vị hảo tâm xa gần, quý anh chị em tình nguyện viên, tổ phục vụ cơm trưa, 4 Phòng khám Đa khoa mà chúng tôi đã làm hợp đồng xét nghiệm cận lâm sàng. Nguyên nhân tạm thời lúc này chúng tôi không được phép tổ chức. Quyết định được thông báo quá gần ngày tổ chức. Chúng tôi biết việc hủy bỏ ngày kiểm tra sức khoẻ này gây ra cho anh em nhiều hụt hẫng và bất tiện, vì anh em đã chuẩn bị mọi sự để lên đường. Chúng tôi biết rằng quý y, bác sĩ và các tình nguyện viên cũng rất buồn lòng. Chúng tôi sẽ cố gắng thông tin đến từng người. Ban tổ chức chúng tôi thành thật xin lỗi tất cả quý vị về sự việc đáng tiếc này. Trong tương lai, với tư cách cá nhân Tu sĩ, Linh mục DCCT, chúng tôi sẽ tìm cách để quý anh em TPB VNCH được phục vụ tiếp tục, vì lương tâm chúng tôi xác tín rằng quý anh em chính là những người bơ vơ tất bạt, những người bị bỏ rơi hơn cả, là đối tượng của Tu sĩ DCCT chúng tôi. TM. nhóm phục vụ TPB VNCHLm. Giuse Đinh Hữu Thoại, C.Ss.R Nguồn: http://www.chuacuuthe.com/2015/04/
......

CHIẾN THẮNG DANG DỞ

Cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975 của quân đội Bắc Việt xét về phương diện quân sự là một chiến dịch xuất sắc. Khởi đầu bằng mặt trận Ban Mê Thuộc, quân tấn công đã điểm đúng yếu huyệt làm rung chuyển cả tuyến phòng thủ của Quân Đoàn 2 quân phòng thủ. Sự sụp đổ lan tỏa dần ra toàn khu vực Tây Nguyên, sau đó toàn miền Nam, một cách chóng vánh. Dân chúng chạy giặc, mùa xuân 1975 Tuy được ca ngợi là “đại thắng” trong nhiều lời tung hô từ suốt 39 năm qua, chiến thắng đó vẫn còn dang dở ngay cả khi nhìn từ góc độ của chính bên thắng cuộc, bởi những lẽ sau đây: Thứ nhất, lý thuyết về “chiến tranh nhân dân” luôn phác họa hình ảnh cuộc tổng tiến công từ bên ngoài của quân đội chủ lực gắn liền với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân khắp nơi bên trong. Bộ máy tuyên truyền của Bắc Việt đương thời và sau này đều mô tả cảnh lầm than với tiếng kêu rên xiết của người dân sống trong vòng kềm kẹp của chính quyền Sài Gòn. Do vậy, cùng với đoàn quân mang sứ mệnh “giải phóng”, quần chúng hẳn sẽ đồng loạt vùng lên lật đổ ách áp bức của “ngụy quyền”. Nổi dậy luôn là khâu mấu chốt của “chiến tranh nhân dân” và thường được thổi phồng để làm nhẹ đi yếu tố quân sự lạnh lùng của súng đạn và giết chóc mà đoàn quân cách mạng thường mang đến những nơi họ muốn “giải phóng”. Thực tế của cuộc chiến tranh tiếc thay hoàn toàn khác với lý thuyết đó. Quần chúng ở miền Nam đã không nổi dậy, mà thay vào đó là di tản mỗi khi quân Bắc Việt tấn công. Người miền Nam vẫn gọi nôm na hình ảnh ấy là “chạy giặc”. Trong các trận đánh Mậu Thân năm 1968, Mùa hè đỏ lửa năm 1972 và trận cuối cùng năm 1975, khi quân Bắc Việt di chuyển đến đâu, dân chúng vội vàng tháo chạy tán loạn khỏi nơi đó. Riêng cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, lúc Ban Mê Thuộc thất thủ, dân ở Tây Nguyên tháo chạy về Nam bộ, rồi sau đó khi Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn bị xóa sổ, đến lượt dân Đà Nẵng và Nha Trang bằng hai đường thủy bộ bỏ chạy vào Sài Gòn. Cuối cùng, từ Sài Gòn và khu vực Đông Tây Nam bộ, dân chúng lên tàu chạy ra Biển Đông lánh nạn, khởi đầu sự kiện vượt biên có một không hai trong lịch sử nhân loại. Mọi tầng lớp dân cư Nam phần khi ấy đều hiện diện trong dòng người tản cư vì chiến cuộc. Chiến thắng bằng quân sự, chứ không phải bởi lòng dân đối chọi với chính quyền Sài Gòn, đã khiến bao nhiêu năm hòa bình tuy đã trôi qua song lòng người vẫn tiếp tục ly tán, khiến những lời kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc càng trở nên nhạt nhẽo, chướng tai. Một chiến thắng như vậy quả nhiên còn dang dở. Thứ hai, ngọn cờ “giải phóng dân tộc” luôn được phía Bắc Việt giương cao trong suốt cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, mà mục tiêu cuối cùng là đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bên xâm lược được xác định là “Đế quốc Mỹ”, bởi lẽ ban đầu họ đã viện trợ tài lực cho chính quyền Sài Gòn để phát triển kinh tế và xây dựng quân đội, sau đó họ mang quân vào miền Nam đánh nhau trực tiếp với quân Bắc Việt. Nếu hành động viện trợ vũ khí và mang quân vào một phần lãnh thổ Việt Nam bị xem là xâm lược như trường hợp Hoa Kỳ, thì sự kiện Liên Sô, Trung Quốc và cả Bắc Triều Tiên cũng đồng thời viện trợ và mang quân vào miền Bắc cùng cách thức như vậy có nên được xem là xâm lược hay không? Tiếc rằng bộ máy tuyên truyền Bắc Việt dường như đã thiếu sót gọi tên những kẻ xâm lược này, mà thay vào đó ban cho họ một danh xưng mỹ miều là “quân tình nguyện” đến từ các nước anh em. Tạm chấp nhận lập luận của bên thắng cuộc để đánh giá một sự kiện khác có phần quan trọng hơn. Đó là, từ năm 1973, sau Hiệp định Paris, quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam Việt Nam. Bóng dáng “quân xâm lược” lúc đó đã không còn. Vậy lẽ ra ngọn cờ “giải phóng dân tộc” từ năm 1974 phải chuyển đích ngắm đến một kẻ xâm lược khác đầy dã tâm là Trung Quốc với việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, thay vì nhắm vào chính quyền Sài Gòn. Sức mạnh vũ bão và bách chiến bách thắng của đoàn quân “giải phóng” khi ấy lẽ nào chỉ chú trọng quét qua vùng lãnh thổ của một chính quyền tuy trái ý thức hệ nhưng cùng là đồng bào Việt Nam, mà không tập trung vào việc đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ thiêng liêng của cha ông chúng ta? Đội quân dũng mãnh đang hừng hực khí thế tiến công như vậy lẽ nào lại khiếp sợ và tránh né kẻ thù, trừ phi đã có một toan tính chính trị nào khác mà không ai hiểu? Như vậy, có thể nói, ngày 30/4/1975 chưa thật sự xứng đáng gọi là ngày “toàn thắng” và “non sông thu về một mối” được. Tổn thất xương máu không biết bao nhiêu mà quân xâm lược vẫn còn đó trên mảnh đất của tổ tiên, thì chiến thắng ấy quả nhiên còn dang dở. Ngày trước, còn bé và ngu ngơ, tôi rất thích bài hát “Tiến về Sài Gòn” của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước bởi giai điệu hùng tráng của nó. Một đoạn trong bài đó tôi luôn nhớ là: “Tiến về Sài Gòn, trận cuối là trận này!” Bây giờ ngẫm lại, lời đó trên thực tế hoàn toàn sai. Trận cuối chưa phải là trận đánh mùa xuân 1975, mà hãy còn ở phía trước. Theo facebook.com/LSLeCongDinh/
......

Phạm Minh Hoàng - Chuyện buồn từ Myanmar

Tác giả gửi tới Dân Luận   Ngày 11/4/2015, truyền thông Việt Nam đã tường thuật lại những cuộc thảo luận giữa chính quyền Myanmar và 6 nhóm sắc tộc đối lập cũng như các chính đảng – trong đó dĩ nhiên có mặt bà Aung San Suu Kyi. Tuy chưa ngã ngũ nhưng mọi người phải nhìn nhận đây là một bước tiến mới trong tiến trình dân chủ hóa Myanmar vì vấn đề sắc tộc là một trong những khó khăn gay gắt nhất từ nhiều năm qua. Bà Aung San Suu Kyi. Khởi đi từ năm 1990, khi chế độ quân phiệt phủ nhận cuộc bầu cử dân chủ, bắt giam hàng trăm người trong đó có bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, một tổ chức đấu tranh bất bạo động. Một năm sau, bà Suu Kyi lãnh giải Nobel hòa bình trong tù, và Myanmar bắt đầu biết thế nào làm cấm vận và cô lập của toàn thế giới. Nhưng những tháng ngày đen tối ấy chỉ kéo dài 10 năm. Năm 2010, Aung San Suu Kyi được trả tự do, năm 2011 chính quyền dân sự của Thein Sein lên thay thế chế độ quân phiệt và bắt tay vào một cuộc cải tổ nhằm dân chủ hóa Myanmar. Việc làm đầu tiên của ông ta là thả tù chính trị, bãi bỏ kiểm duyệt báo chí và đến năm 2013 chấp nhận báo chí tư nhân. Ngay năm 2013, Âu châu và Mỹ đã gỡ bỏ lệnh trừng phạt để khuyến khích và ủng hộ cải cách. Tiếp theo các luật biểu tình, hội họp được thông qua và sau các cuộc thương lượng tháng 4/2015, cả thế giới đang trông chờ ngày bầu cử Tổng thống được dự trù vào cuối năm 2015. So sánh với Việt Nam đã bắt đầu đổi mới từ năm 1986, bình thường hóa bang giao với Mỹ và Tây Âu từ năm 1994, nghĩa là trước Myanmar gần 30 năm (nếu lấy mốc 1986 so với 2013 của Myanmar), thì ta thấy rõ là Myanmar đã đi được trước một bước khá dài và điều quan trọng là vận hội mới tươi sáng hơn so với Việt Nam. Vậy thì họ đã khác ta ở những điểm nào?   Trước tiên, Myanmar có cái may mắn là có được những người lãnh đạo biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên quyền lợi của bè đảng, phe cánh và nhóm lợi ích. Ngay cả dưới thời quân phiệt Than Shwe, họ đã dám lấy những quyết định táo bạo như cấm xe gắn máy tại Yangon, điều mà các nhà quản lý Việt Nam đã bàn (và chỉ bàn) từ hơn 20 năm nay. Quan trọng hơn hết là Than Shwe cũng biết giữ lời hứa trong việc vạch ra và thực hiện một lộ trình “dân chủ trong kỷ cương”, dẫn đến việc giải tán nhóm quân phiệt và dần đưa đất nước thoát khỏi chuỗi ngày đen tối, điều mà các lãnh đạo Việt Nam chưa hề (dám) nghĩ tới. Thứ hai, các nhà lãnh đạo Myanmar đã sớm nhận ra âm mưu của Trung Quốc và can đảm chọn thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc ra sức tìm cách bảo vệ chính quyền quân sự của Myanmar và từng bước thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn. Ai cũng biết, sự “bảo vệ” này không phải vì sự an toàn của người dân Myanmar mà chỉ là bảo vệ lợi ích của họ ở quốc gia này đầy tài nguyên và ở một vị trí chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc thoát khỏi “cái ao làng” ở biển Đông và bị “đóng nút chai” ở eo biển Malacca. Năm 2011, Tổng thống Thein Sein đã dừng công trình xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD mà Bắc Kinh sẽ rút 90% sản lượng điện về Trung Quốc. Bốn năm trước, Trung Quốc đầu tư vào Myanmar 8,26 tỉ USD. Một năm sau, con số đó đã giảm một nửa, vì Myanmar mở cửa chào đón các nhà đầu tư phương Tây. Trong năm nay, vốn đầu tư của Trung Quốc cam kết dành cho Myanmar chỉ còn 56,9 triệu USD. Đặc biệt trong tháng 2/2015, mặc dù yếu hơn về quân sự, Myanmar cũng “nhắm mắt” cho máy bay ném bom các căn cứ quân sự sâu trong lãnh thổ Vân Nam để trả đũa việc Trung Quốc vẫn ngấm ngầm hỗ trợ phiến quân Kolang. Việc này ở Việt Nam có lẽ chỉ xảy ra trong mơ !   Thứ ba, cho dù là một chế độ quân phiệt, nhưng Myanmar vẫn cho phép sự phát triển của các phong trào xã hội dân sự. Đây là một điểm rất quan trọng nhiều người không nhận ra. Một trong những tổ chức đó là Phong trào Shwe đấu tranh vì quyền lợi dầu khí cho nhân dân Myanmar, chủ trương của họ là phản đối sự hiện diện của đông đảo công nhân Trung Quốc đến làm việc ở cơ sở lọc hóa dầu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang đầu tư ở Myanmar. Các phong trào xã hội dân sự cho rằng "Người Trung Quốc không hề tôn trọng dân bản xứ. Họ tùy tiện làm mọi thứ", "Người dân không được hưởng đầy đủ quyền lợi từ nguồn tài nguyên tự nhiên của chúng tôi”. Một số nhà nghiên cứu đã cảm nhận được sự hiệu quả của các tổ chức xã hội dân sự trong tiến trình dân chủ hóa Myanmar. “Nhờ phong trào này, người dân ý thức được những điều bất thường trong bộ máy chính trị, họ biết được quyền lợi và sự hợp pháp khi đứng lên đấu tranh”. Những nhà nghiên cứu đã ngộ ra một điều là ánh sang chỉ lóe lên từ những nơi tăm tối, và cuộc cách mạng này đã khởi đi từ những nơi bần cùng nhất của đất nước Myanmar.   * * * Nhìn Myanmar không ai không bùi ngùi khi ngoảnh lại Việt Nam. Đất nước họ chưa hề có những chiến tích “đánh Tây diệt Mỹ”, chưa hề có một đạo quân “giáo sư, tiến sĩ”, chưa hề có một bằng khen trong các kỳ thi Olympic như chúng ta, mà sao họ lại “đi sau về trước” như thế ? Theo thiển ý, họ đã làm được chẳng vì họ có cái gì “hơn” chúng ta, mà ngược lại, chỉ vì họ “thiếu” một thứ, đó là chủ nghĩa cộng sản. Người cộng sản thường cho rằng họ có công đưa nền kinh tế vượt qua mức nghèo, thu nhập bình quân qua mốc 1000 đô la Mỹ/người/năm. Nhưng hệ quả kéo theo là những mất mát không có gì bù đắp được. Từ giáo dục, y tế, môi sinh, xã hội…nơi nào cũng ngổn ngang, và tình trạng ngày càng tệ. Myanmar cũng khởi đi từ những nghèo đói, từ những thiếu thốn, nhưng họ khởi đi từ một cơ sở và một đầu óc lành mạnh. Với mật độ dân số lý tưởng (76 người/km vuông) so với Việt Nam là 253, tài nguyên thiên nhiên cực kỳ phong phú và đa dạng, so với trữ lượng dầu của Việt Nam đang trên đường cạn kiệt; Myanmar đang hội đủ tất cả các yếu tố để phát triển một cách bền vững. Còn chúng ta, “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác Lê”, một chủ nghĩa dựa trên thành tích và dối trá đã biến con người đang từ thiện thành ác, đang từ ngay thẳng sang gian dối; thì cho dù có tài nguyên thiên nhiên vô tận, có kẻ hậu thuẫn chống lưng đảm bảo, vẫn mãi mãi là một nước nhược tiểu. Đơn thuần vì chúng ta thua về mặt con người, thua về mặt nhân văn. Cũng khởi đi trong đói nghèo, từ đổ nát nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều thành công, thậm chí Thái Lan, Mã Lai cũng đã bỏ chúng ta rất xa. Một người bạn trên facebook nói rằng trước cổng các cơ quan cảnh sát Myanmar đều có tấm biển đề May I help you (Tôi có thể giúp gì cho bạn). Họ biết người ta đến cơ quan cảnh sát để làm gì và sẵn sàng từ khi người dân sắp bước chân vào, và tất cả những người quan hệ với chúng tôi đều luôn nở nụ cười thân thiện. Tôi có hỏi một nhân viên rằng ở đây có khẩu hiệu nào đại loại như “chính quyền là của dân, do dân, vì dân”, “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” không? Sau khi nghe lời dịch, anh ta cười ngượng ngập và lắc đầu. Tôi có cảm giác chính quyền quân sự độc tài Myanmar không phải như mình vẫn nghĩ. Dù trải qua ba mươi năm khó khăn, nhưng những vẻ đẹp nhân văn, mối quan hệ đồng loại giữa những con người với con người vẫn được trân trọng. Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của một lãnh đạo nước mình “Chúng ta giờ đang đứng chót ở ASEAN, có cái còn thấp hơn Lào, Campuchia, Myanmar thì làm sao đất nước mình, dân tộc mình chấp nhận được”. Tôi biết có khối thằng sẵn sàng chấp nhận chuyện đó với bất cứ giá nào! Phạm Minh Hoàng (13/4/2015) =====================================================================   Giáo sư Phạm Minh Hoàng trên giảng đường đại học. Ảnh: Internet   Phạm Minh Hoàng là con của một viên chức cao cấp thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1973, ông sang Pháp du học, tốt nghiệp học vị thạc sĩ ngành Cơ học ứng dụng. Năm 2000 ông trở về Việt Nam, làm giảng viên hợp đồng dạy môn Toán học ứng dụng tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố HCM. Ông cũng viết blog dưới bút hiệu Phan Kiến Quốc kêu gọi chính quyền thực thi dân chủ và phản đối việc giao cho nhà thầu Trung Quốc khai thác mỏ Beauxite ở Tây Nguyên. Ông bị Cơ quan An Ninh thành phố HCM bắt giam để điều tra ngày 13.8.2010, Ngày 10.8.2011, Tòa án Nhân Dân Thành Phố HCM đã đưa ông ra xét xử sơ thẩm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo khoản 2 Điều 79 Bộ luật Hình sự, và đã tuyên phạt ông 3 năm tù giam. Nhiều tổ chức quốc tế đã phản đối vụ xét xử này và kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông, như Ủy ban bảo vệ các nhà báo, tổ chức Front Line Defenders, tổ chức Phóng viên không biên giới, cùng các chính phủ Hoa Kỳ, Pháp, Liên minh châu Âu. Ông đã kháng án. Ngày 29.11.2011 Tòa phúc thẩm Tòa Án Nhân Dân Tối cao tại Thành phố HCM đã tuyên bố chấp nhận kháng cáo của ông, giảm án cho ông từ 3 năm tù xuống còn 17 tháng tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".   Ngày 13.1.2012, ông đã được trả tự do, sau 17 tháng ở tù. Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150414/pham-minh-hoang-chuyen-buon-tu-...
......

Không dám nhắc đến hai chữ Việt Nam?

Chúng ta biết rằng báo chí VN rất sợ/ngại nhắc đến hai chữ "Trung Quốc". Chỉ dám nói đến "tàu lạ" như là loại tàu nào đó ngoài hành tinh. Đến nỗi "tàu lạ" trở thành một danh từ đầy mỉa mai và hài hước. Ai cũng biết cái "tàu lạ" đó là ai (như con voi ở trong phòng), tuy nhiên không ai dám nói đến nó. Nhưng tôi mới phát hiện một điều thú vị là báo chí VN cũng có khi không dám đề cập đến hai chữ "Việt Nam", nhất là khi thông tin có liên quan đến Tàu. Ngạc nhiên? Thì đây là bằng chứng … Một bản tin trên tờ Thanh Niên cho biết tin tặc Tàu thu thập thông tin chính trị, quân sự của một số nước ở Đông Nam Á suốt 10 năm (1). Báo Người lao động cũng viết thế (2). Các báo khác cũng có những tin tương tự, ví dụ như báo Đất Việt (3). Nhưng có một điểm chung là tất cả các tờ báo trên của VN chỉ viết chung chung là bọn tin tặc Tàu thu thập thông tin chính trị, quân sự của các nước Đông Nam Á. Đọc lên thì thấy chẳng có liên quan hay dính dáng gì đến Việt Nam, bởi vì hai chữ "Việt Nam" không được nhắc đến trong các thông tin trên. Nhưng báo nước ngoài thì đưa tin chính xác hơn, và họ nêu đích danh những nước mà tin tặc Tàu cộng đánh cắp thông tin. Những nước đó là Việt Nam, Phi Luật Tân (Philippines), Mã Lai, Brunei, và Đài Loan. Những nước này có tranh chấp chủ quyền đảo với Tàu, và do đó là đối tượng của bọn tin tặc Tàu. Chẳng hạn như tờ Wall Street Journal cho chúng ta biết rằng các tin tặc này là do Nhà nước Tàu bảo trợ và chúng có tên là APT30 (4). Nói trắng ra, Chính phủ Tàu dung túng cho bọn tin tặc. Theo công ti an ninh mạng FireEye thì thủ đoạn của bọn tin tặc Tàu là chúng là viết những email bằng tiếng địa phương mà nội dung có vẻ hợp lí, nhưng thật ra là kèm theo những virus và malware. Một thủ đoạn khác là xâm nhập vào các mạng, rồi cắt đứt đường nối internet làm cho quản trị mạng phải tải phần mềm độc hại về máy, rồi từ đó lan sang các USB (4). Các chuyên gia còn cho biết với thủ đoạn đó, các đối tượng bị tấn công (tức chính phủ Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, và Đài Loan) không có khả năng phát hiện! Tờ WSJ còn cho biết đây là một chiến dịch tấn công được dàn dựng rất bài bản, nó chứng tỏ có chính quyền đừng đằng sau. Tuần trước, tôi có đề cập rằng tập đoàn Hoa Vi của Tàu bị các nước như Mĩ, Anh, Úc, Canada, v.v. tẩy chay không cho tham gia vào các dự án mang tính hạ tầng cơ sở điện tử, vì tập đoàn này bị nghi ngờ là làm gián điệp của Tàu. Nhưng VN thì chẳng những mời mọc mà còn hoan nghênh tập đoàn Hoa Vi vào tham gia vào các dự án công nghệ viễn thông. Thông tin tuần này càng cho thấy làm ăn với Tàu có quá nhiều nguy cơ và rủi ro an ninh quốc gia. Nhưng điều tôi muốn nói là cách đưa tin của báo chí VN. Tại sao họ không dám nêu thẳng rằng VN ta là một trong những đối tượng mà tin tặc Tàu tấn công? Tại sao chỉ nói chung chung là "các nước Đông Nam Á"? Vui nhất là mấy anh Thanh Niên có câu thập thò "Việt Nam là một trong số mười nước thành viên ASEAN". Nỗi sợ Tàu của VN phải nói là đã đến mức báo động. ==== (1) http://www.thanhnien.com.vn/…/tin-tac-trung-quoc-thu-thap-t… (2) http://nld.com.vn/…/tin-tac-trung-quoc-do-tham-dong-nam-a-s… (3) http://baodatviet.vn/…/my-noi-thang-tin-tac-tq-do-tham-thon… (4) http://www.wsj.com/…/chinas-hackers-run-10-year-spy-campaig… Theo facebook.com/drtuanvnguyen
......

Ngày tàn của Trung Quốc đang đến

David Sambaugh Tác giả: TS .David Sambaugh Người dịch: Huỳnh Phan Ngày tàn của chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt đầu, và các biện pháp tàn nhẫn của Tập Cận Bình chỉ đưa nước này tới đổ vỡ sớm hơn. Hôm thứ Năm, Quốc hội Trung Quốc họp tại Bắc Kinh theo nghi thức đã trở nên quen thuộc hàng năm. Khoảng 3.000 đại biểu “được bầu” từ khắp nơi trên đất nước – từ nhóm sắc tộc ít người, ăn mặc sặc sỡ, cho đến các tỉ phú trang nhã – sẽ họp một tuần để thảo luận về tình trạng đất nước và tham gia vào việc làm chính trị giả vờ. Một số người coi việc tụ tập đầy ấn tượng này là một dấu hiệu về sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc – nhưng nó che đậy nhiều điểm yếu nghiêm trọng. Chính trị Trung Quốc luôn khoác vỏ bọc màu mè, với các sự kiện được trình diễn như hội nghị nhằm phô trương uy quyền và sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan chức cũng như công dân đều biết rằng họ buộc phải tuân theo những nghi thức này, vui vẻ tham gia và lặp lại như vẹt các khẩu hiệu chính thức. Hành vi này trong tiếng Trung được gọi là biaotai (表态: biểu thái), “biểu lộ thái độ/ lập trường”, nhưng nó chỉ hơn hành động tuân theo hình thức một ít. Mặc dù vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị của Trung Quốc đang đổ vỡ tệ hại, và không ai biết điều đó rõ hơn chính Đảng Cộng sản. Người đầy quyền lực của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang hy vọng rằng, việc truy dẹp bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ củng cố sự cai trị của đảng. Ông cương quyết tránh trở thành một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc, ngồi điều khiển sự sụp đổ của đảng. Nhưng thay vì là phản đề của Gorbachev, Tập Cận Bình rốt cuộc có thể đi tới cùng hậu quả. Sự chuyên quyền của ông đang đè nén nghiêm trọng hệ thống và xã hội Trung Quốc – và đưa nó tới gần chỗ đổ vỡ hơn. Dự đoán sự sụp đổ của các chế độ độc tài là một việc đầy rủi ro. Vài chuyên gia phương Tây dự đoán sự sụp đổ của Liên bang Xô viết trước khi nó xảy ra vào năm 1991; CIA hoàn toàn bỏ qua điều đó. Hai năm trước khi nó xảy ra, việc sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu bị miệt thị là mơ tưởng của những người chống Cộng. Các cuộc “cách mạng màu” hậu Xô Viết ở Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan từ 2003 đến 2005, cũng như các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập năm 2011, đều nổ ra ngoài dự đoán. Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đã cảnh giác cao đối với những dấu hiệu mục ruỗng và xuống dốc của chế độ từ trải nghiệm kề miệng hố của chế độ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Kể từ đó, nhiều nhà Trung Hoa học dày dạn đã đánh cược uy tín nghề nghiệp qua việc khẳng định rằng sự sụp đổ quyền cai trị của ĐCSTQ là không thể tránh khỏi. Những người khác thì thận trọng hơn, trong đó có tôi. Nhưng thời thế ở Trung Quốc thay đổi nên phân tích của chúng ta cũng phải thay đổi theo. Tôi tin rằng ngày tàn của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, và điều đó đã diễn tiến xa hơn nhiều người nghĩ. Tất nhiên chúng ta không biết con đường từ nay cho đến lúc kết thúc sẽ như thế nào. Có lẽ sẽ hết sức bất ổn và lộn xộn. Nhưng cho đến khi hệ thống bắt đầu rã ra theo cách rõ rệt nào đó thì những yếu tố bên trong sẽ diễn trò theo – do đó cùng góp phần làm bộ mặt ổn định. Việc cai trị của cộng sản ở Trung Quốc khó có vẻ sẽ kết thúc thầm lặng. Một sự kiện đơn lẻ khó có khả năng kích thích làm nổ tan chế độ một cách hoà bình. Sự sụp đổ của nó có khả năng sẽ kéo dài, lộn xộn và bạo lực. Tôi không loại trừ khả năng Tập Cận Bình sẽ bị lật đổ trong một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc đảo chính. Với chiến dịch chống tham nhũng hùng hổ – trọng tâm của Quốc hội trong tuần này – ông đang dùng sở đoản của mình quá mức, gây hoang mang cho các cử tri đảng, nhà nước, quân sự và thương mại then chốt. Người Trung Quốc có một câu tục ngữ, waiying, neiruan (外硬内软: ngoại ngạnh, nội nhuyễn, tức ‘cứng bề ngoài, mềm bên trong’). Tập Cận Bình là một nhà cai trị thực sự cứng rắn, lộ rõ sự tự tin và thuyết phục. Nhưng nhân cách cứng rắn này là biểu hiện trái ngược bề ngoài của hệ thống đảng và chính trị vốn vô cùng mong manh bên trong. Hãy xét năm chỉ dấu phô lộ về các chỗ nhược của chế độ và những yếu kém mang tính hệ thống của đảng. Thứ nhất, giới chủ chốt kinh tế của Trung Quốc có một chân thò ra ngoài, và họ sẵn sàng bỏ đi hàng loạt nếu hệ thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Năm 2014, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun), Thượng Hải chuyên nghiên cứu về giới giàu có Trung Quốc, phát hiện ra rằng 64% các “cá nhân có lợi tức ròng cao” mà họ thăm dò – 393 triệu phú và tỉ phú – thì hoặc đang di cư hoặc đang có kế hoạch di cư. Giới nhà giàu Trung Quốc gửi con đi du học với con số kỷ lục (bản thân điều này là một cáo trạng về chất lượng của hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc). Tạp chí này tường thuật ngay trong tuần này rằng các nhân viên liên bang đã lục soát nhiều địa điểm ở Nam California mà chính quyền Mỹ cho là có liên hệ tới “hoạt động kinh doanh du lịch sinh con trị giá nhiều triệu đô la đã đưa hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc sang đây du lịch rồi trở về với con vừa mới sinh là công dân Hoa Kỳ”. Giới giàu có Trung Quốc cũng đang mua bất động sản ở nước ngoài ở mức độ và giá cả kỷ lục, và họ cũng đang chuyển tài sản ra nước ngoài, thường ở những nơi dễ trốn thuế và các công ty vỏ bọc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố tìm cách giải về nước một số lượng lớn những kẻ trốn chạy đem tiền ra sống ở nước ngoài. Khi giới ưu tú của một đất nước – trong đó nhiều người là đảng viên – trốn chạy với số lượng lớn như vậy, đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu niềm tin vào chế độ và tương lai của đất nước. Thứ hai, từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tăng cường mạnh mẽ đàn áp chính trị vốn bao trùm khắp Trung Quốc từ năm 2009. Mục tiêu nhắm vào bao gồm báo chí, truyền thông xã hội, phim ảnh, nghệ thuật và văn học, các nhóm tôn giáo, Internet, trí thức, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, bất đồng chính kiến, luật sư, tổ chức phi chính phủ, sinh viên đại học và sách giáo khoa. Ban Chấp Hành Trung Ương đã ra một chỉ thị hà khắc đưa xuống cấp dưới vào năm 2013 gọi là văn bản số 9, yêu cầu tất cả các đơn vị phải tìm ra mọi biểu hiện có vẻ tán đồng “các giá trị phổ quát” của phương Tây – gồm dân chủ lập hiến, xã hội dân sự, tự do báo chí và kinh tế tân tự do. Một chính phủ vững vàng và tự tin sẽ không tiến hành đàn áp khốc liệt như vậy. Đó là triệu chứng lo âu và bất an sâu đậm của lãnh đạo đảng. Thứ ba, ngay cả nhiều người trung thành với chế độ cũng chỉ hành động xu thời. Thật khó có thể bỏ qua những biểu hiện diễn kịch giả tạo đã thấm đẫm khắp bộ máy chính trị Trung Quốc trong vài năm qua. Mùa hè năm ngoái, tôi là một trong số ít người nước ngoài (và là người Mỹ duy nhất) tham dự hội thảo về “Giấc mơ Trung Quốc”, một ý tưởng mang dấu ấn của Tập Cận Bình, tại một nhóm nghiên cứu trực thuộc đảng CS ở Bắc Kinh. Chúng tôi ngồi suốt hai ngày mệt óc, nghe hơn hai chục diễn giả đảng trình bày liên tục – nhưng mặt họ lạnh lùng vô cảm, ngôn ngữ điệu bộ khô cứng, và nỗi chán nản của họ hiển hiện. Họ giả vờ tuân thủ theo đảng và các câu thần chú mới nhất của lãnh đạo đảng. Nhưng rõ ràng là công tác tuyên truyền đã mất đi sức mạnh, và hoàng đế chẳng có quần áo trên người. Tháng 12, tôi trở lại Bắc Kinh dự hội nghị tại trường Đảng Trung Ương, cơ quan cao nhất lo việc dạy dỗ chủ thuyết của đảng, và một lần nữa, các quan chức chóp bu và chuyên gia chính sách đối ngoại lại đọc thuộc lòng các khẩu hiệu đúng từng lời. Trong giờ ăn trưa một ngày nọ, tôi đến gian hàng sách của trường – luôn luôn là một điểm dừng quan trọng để tôi có thể tự cập nhật những thứ cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đang được dạy. Những tập sách trên các kệ của cửa hàng từ “tuyển tập” của Lenin đến hồi ký của Condoleezza Rice, và một cái bàn ở lối vào chất đầy các cuốn sách nhỏ của Tập Cận Bình về chiến dịch đề cao “đường lối quần chúng” của ông – tức về liên hệ giữa đảng với quần chúng. Tôi hỏi nhân viên bán hàng: “Sách này bán thế nào?” Cô trả lời. “Ô, không. Chúng tôi chỉ biếu không”. Chồng sách cao nghệu cho thấy nó khó có thể là sách đắt hàng. Thứ tư, tệ tham nhũng lan tràn trong nhà nước độc đảng và quân đội cũng thâm nhập vào toàn xã hội Trung Quốc nói chung. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình dai dẳng và khốc liệt hơn so với các chiến dịch trước đó, nhưng không có chiến dịch nào có thể khử hết được vấn nạn này. Nó có cội rể sâu trong hệ thống độc đảng, mạng lưới đỡ đầu – đàn em, nền kinh tế hoàn toàn thiếu minh bạch, phương tiện truyền thông nhà nước kiểm soát và sự thiếu vắng của nhà nước pháp quyền. Hơn nữa, chiến dịch của Tập Cận Bình ít nhất đang biến thành một cuộc thanh trừng chọn lọc không kém gì một chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nhiều người trong số các mục tiêu nó nhắm tới cho đến nay là các tay em và các đồng minh chính trị của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Hiện 88 tuổi, ông ta vẫn là một thế lực bảo trợ chính trị ở Trung Quốc. Truy theo mạng lưới bảo trợ của Giang Trạch Dân khi ông vẫn còn đang sống là điều rất nguy hiểm cho Tập Cận Bình, đặc biệt là vì ông có vẻ chưa tập hợp được phe nhóm dưới tay trung thành khi lên vị trí cầm quyền. Một vấn đề khác nữa là Tập Cận Bình, con của thế hệ cách mạng chủ chốt đầu tiên của Trung Quốc, là một trong những “thái tử đảng”, nên các mối quan hệ chính trị của ông chủ yếu chỉ mở rộng đến các thái tử đảng khác. Thế hệ hưởng lộc (silver spoon) này đang bị chửi rủa cùng khắp trong xã hội Trung Quốc. Cuối cùng, nền kinh tế của Trung Quốc – theo các quan điểm phương Tây, như là một lực kéo áp đảo (juggernaut) không dừng được, bị mắc kẹt trong một loạt các bẫy hệ thống không có lối thoát dễ dàng. Tháng 11 năm 2013, Tập Cận Bình chủ trì Hội Nghị Trung Ương 3 của đảng, công bố một gói đồ sộ các đề xuất cải cách kinh tế, nhưng cho đến nay, vẫn còn trên bệ phóng. Vâng, chi cho tiêu dùng có tăng lên, tệ lót tay cửa quyền có giảm xuống, và một số cải cách tài chính đã được đưa vào, nhưng trên tổng thể, các mục tiêu đầy tham vọng của Tập Cận Bình đã chết yểu. Gói cải cách này thách thức các nhóm lợi ích đầy quyền lực có gốc rể sâu xa trong hệ thống – như các doanh nghiệp nhà nước và các cán bộ đảng địa phương – và họ đang thẳng thừng ngăn chặn việc thực hiện nó. Năm vết nứt ngày càng hiện rõ này trong việc kiểm soát chế độ chỉ có thể chỉnh sửa thông qua cải cách chính trị. Cho đến khi và trừ khi có sự nới lỏng kiểm soát chính trị hà khắc, Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một xã hội sáng tạo và một “nền kinh tế tri thức” – một mục tiêu chính của các cải cách của Hội Nghị 3. Hệ thống chính trị đã trở thành những trở ngại chính cho các cải cách kinh tế và xã hội cần thiết của Trung Quốc. Nếu Tập Cận Bình và các lãnh đạo đảng không nới lỏng quyền kiểm soát thì họ có thể phải đối mặt với kết cục định sẵn mà họ muốn tránh. Trong nhiều thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc luôn bị ám ảnh về sự sụp đổ của nước cộng sản anh em khổng lồ này. Hàng trăm phân tích hậu nghiệm ở Trung Quốc đã mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô. “Giấc mơ Trung Quốc” thực của Tập Cận Bình phải tránh cơn ác mộng Liên Xô. Chỉ một vài tháng lên cầm quyền, ông ta đã đưa ra một bài phát biểu nội bộ dè bỉu sự sụp đổ của Liên Xô và than phiền Gorbachev phản bội, cho rằng Moscow đã thiếu một “người đàn ông đích thực” dám đứng lên chống lại nhà lãnh đạo cải cách cuối cùng. Làn sóng đàn áp hiện nay của Tập Cận Bình làm điều trái ngược với perestroika (cải tổ) và glasnost (cởi mở) của Gorbachev. Thay vì cởi mở, Tập Cận Bình lại tăng sự kiểm soát đối với bất đồng chính kiến, nền kinh tế và thậm chí cả các đối thủ trong đảng lên gấp đôi. Nhưng phản ứng lại và đàn áp không phải là lựa chọn duy nhất của Tập Cận Bình. Các tiền nhiệm của ông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã rút ra những bài học rất khác từ sự sụp đổ của Liên Xô. Từ năm 2000 đến năm 2008, hai ông đã thể chế hoá nhiều chính sách nhằm mở cửa hệ thống với các cải cách chính trị có giới hạn một cách cẩn thận. Hai ông đã tăng cường các cấp uỷ đảng địa phương và thử nghiệm việc bầu bí thư với nhiều ứng cử viên. Hai ông thu nhận vào đảng nhiều doanh nhân và trí thức. Hai ông đã mở rộng tham vấn với các nhóm ngoài đảng và làm cho các thủ tục làm việc của Bộ Chính trị minh bạch hơn. Hai ông đã cải thiện cơ chế phản hồi trong đảng, áp dụng tiêu chí tài đức nhiều hơn cho việc đánh giá và đề bạt, và tạo ra hệ thống bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc cho toàn bộ 45 triệu cán bộ đảng và nhà nước. Cả hai đã đưa vào thực hiện các đòi hỏi về hưu trí và luân chuyển công tác của cán bộ, sĩ quan cứ mỗi vài năm. Trên thực tế, trong một quảng thời gian Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tìm cách quản lý sự thay đổi chứ không phải chống lại nó. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không thích điều nào trong số này. Từ năm 2009 (khi mà ngay cả Hồ Cẩm Đào trước đây cởi mở cũng đã chuyển hướng và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ), chế độ ngày càng bất an đã rút lại tất cả những cải cách chính trị (trừ hệ thống huấn luyện cán bộ). Những cải cách này do cánh tay chính trị đắc lực của Giang Trạch Dân, cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng đạo diễn, là người đã nghỉ hưu vào năm 2008 và hiện đang bị nghi ngờ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập – thêm một dấu hiệu về sự thù địch của Tập Cận Bình với các biện pháp có thể làm dịu những căn bệnh của hệ thống đang phân rã. Một số chuyên gia cho rằng chiến thuật hà khắc của Tập Cận Bình thực ra có thể báo trước một hướng cởi mở hơn và cải cách về sau trong nhiệm kỳ của ông. Tôi không đồng tình điều này. Nhà lãnh đạo và chế độ này xem chính trị như cuộc chơi có tổng zero: Theo quan điểm của họ, nới lỏng kiểm soát chắc chắn là một bước hướng tới sự huỷ diệt của hệ thống và sự sụp đổ của chính họ. Họ cũng có cách nhìn theo thuyết âm mưu rằng Hoa Kỳ đang tích cực hành động để lật đổ Đảng Cộng sản [Trung Quốc]. Không có điều nào trong gợi mở này cho thấy rằng các cải cách sâu rộng sắp quay trở lại. Chúng ta không thể dự đoán Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ lúc nào, nhưng không khó để kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của nó. ĐCSTQ là chế độ cầm quyền lâu thứ hai trên thế giới (chỉ sau Bắc Triều Tiên), và không có một đảng nào có thể thống trị mãi mãi. Nhìn về phía trước, các nhà theo dõi Trung Quốc nên để mắt vào các công cụ kiểm soát của chế độ và vào những người được phân công sử dụng những công cụ này. Một số lượng lớn các công dân lẫn đảng viên đã bỏ phiếu bằng chân rời bỏ đất nước hoặc thể hiện sự thiếu thành thật bằng cách giả vờ tuân theo mệnh lệnh của đảng. Chúng ta cần quan sát ngày mà các nhân viên tuyên truyền và bộ máy an ninh nội bộ của chế độ bắt đầu trở nên lỏng lẻo trong việc thực thi mệnh lệnh của đảng – hoặc khi họ bắt đầu đồng nhất mình với bất đồng chính kiến, như nhân viên Stasi (an ninh) của Đông Đức trong phim “The Lives of Others” (Mảnh đời của nhưng kẻ khác), anh đã thông cảm với các đối tượng bị theo dõi. Khi sự đồng cảm của con người bắt đầu chiến thắng bộ máy cầm quyền cứng nhắc thì ngày tàn của cộng sản Trung Quốc sẽ thực sự bắt đầu. Tác giả: TS Shambaugh là giáo sư về các vấn đề quốc tế và là giám đốc Chương Trình Chính Sách Trung Quốc tại Đại Học George Washington, cộng tác viên cao cấp tại Viện Brookings. Sách của ông gồm có “China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation” (ĐCS Trung Quốc: hao mòn và thích ứng”), và gần đây nhất, “China Goes Global: The Partial Power.” (Trung Quốc vươn lên toàn cầu: một thế lực cục bộ).
......

Bạn sẽ dạy con trẻ thế nào về sự thật và lịch sử Việt Nam?

VRNs (14.4.2015) – Sài Gòn Cấp 1, cấp 2, cấp 3 tôi là một trong số những đứa học trò cưng của môn sử bởi vì tôi luôn “thuộc làu” những bài học lịch sử bằng tất cả tình yêu quê hương, yêu đất nước VN hào hùng với những trang sử đầy ắp chiến công, chiến thắng. Chỉ có điều hơi khó khăn khi phải thuộc nằm lòng những con số chính xác: Quân ta đã bắn chết bao nhiêu tên địch, bắn rơi bao nhiếu chiếc máy bay, thu gom được bao nhiêu loại vũ khí…Khổ lắm, với tôi những con số cứ rối loạn, rối tung cả lên nhưng không thuộc lòng là không được nếu muốn bài thi đạt điểm cao tuyệt đối… Rồi lịch sử trong những trang sách giáo khoa đã nuôi dưỡng trong tôi sự thù hận, tôi hận bọn Mỹ, bọn Ngụy ghê ghớm. Tuổi thơ đầy ắp những dấu hỏi sao bọn Mỹ, bọn Ngụy lại ác đến thế? Khi phải đọc và thuộc lòng những đoạn mô tả hình phạt tra tấn khủng khiếp bọn Mỹ Ngụy dành cho các chiến sĩ cách mạng là hầu như tôi đều sợ đến mức nổi da gà, rùng mình và ám ảnh mãi với những hình ảnh khủng khiếp…Chúng khiến cho tâm hồn tôi, tuổi thơ tôi nhuốm đầy máu bạo lực, sự sợ hãi và cả sự hận thù sâu sắc… Một bài toán dạy con trẻ tính bạo lực. Rồi tôi yêu Hồ Chủ Tịch, yêu tha thiết vì Bác giỏi quá. Tôi không hiểu sao Bác có thể nói được 29 thứ tiếng…Đêm đêm tôi nằm mơ thấy Bác, tôi thuộc lòng những “Câu chuyện kể về Bác Hồ” với niềm tự hào và vinh dự ngất ngưởng khi được chọn đi thi kể chuyện về Bác… Khoảng cấp 3, tôi nhớ mãi một cuộc tranh luận ngắn giữa ba mẹ và người chị ruột của tôi. Chị ấy là giáo viên dạy sử, trong bữa cơm gia đình chị ấy dõng dạc tuyên bố đất nước Việt Nam thật thanh bình, không có chiến tranh, không có khủng bố và nói chung các nước trên Thế Giới đầy ắp sự bất an, chỉ có Việt Nam là số một an toàn và hòa bình… Tôi nhớ rõ ràng cảm giác nghẹn sững sờ của cha mẹ tôi, ông bà cố nói một vài câu phản biện lại điều đó nhưng trước cử chỉ hùng hồn và sự khẳng định mạnh mẽ của chị, ông bà đành chốt câu cuối thế này: Cha mẹ sống qua hai chế độ, cha mẹ biết và hiểu rõ nhất chế độ nào tốt, chế độ nào không tốt. Chỉ có điều có nói bây giờ con cũng không chịu tiếp nhận, có lẽ rồi trong tương lai con sẽ nhận ra sự thật và sẽ hiểu…Có điều gì đó băn khoăn, hoài nghi trong lòng tôi, có những dấu hỏi to dần, to dần và chưa có lời giải đáp… Thằng nhỏ con tôi đi nhà trẻ về ngêu ngao bài hát ” Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng các em nhi đồng”, rồi đêm đó nó nằm mơ thấy Bác y như mẹ ngày xưa. Sáng sớm nó hồ hởi nói với tôi với một giọng vô cùng hạnh phúc là mẹ ơi con mơ thấy Bác Hồ, con yêu Bác Hồ lắm…Trong lòng tôi bỗng quặn lên một nỗi niềm khó tả, nó như giọt nước tràn ly khiến tôi hét lên một câu vô nghĩa và nói một điều chẳng hay ho gì với thằng nhỏ, rồi những ngày sau đó, con tôi luôn nắm áo tôi và hỏi, mẹ ơi mẹ nói Bác Hồ như vậy nghĩa là sao?… Bạn sẽ dạy cho con bạn, cho trẻ nhỏ về lịch sử Việt Nam thế nào đây? Bạn sẽ nói sự thật hay nói theo những điều dối trá theo sách vở mà bao năm qua nó đã hủy hoại nhận thức của bạn, và kế tiếp là hủy hoại thế hệ con của bạn? Bạn dạy thế nào? Dạy bằng cách nào khi ở trường con bạn vẫn phải học và trả bài thuộc làu làu theo giáo trình lịch sử? Bạn làm ngơ hay cố gắng giải thích? Con bạn sẽ tin bạn hay tin cô giáo, tin nhà trường vì sự sợ hãi và áp lực của việc học tập?… Bạn có muốn những thế hệ tiếp theo sẽ là những con cừu y chang bạn? Bạn có muốn con bạn khi bắt đầu trưởng thành, khi tới thời điểm nhận ra chân lý và sự thật thì đồng thời cũng là lúc cảm thấy vô cùng tức giận, thấy hụt hẫng và hoàn toàn mất niềm tin? Tôi từng cảm thấy buồn giận cha mẹ mình, tôi tự hỏi sao cha mẹ không dạy tôi sự thật mà cha mẹ là người biết rõ nhất. Sao cha mẹ không chia sẻ sớm với tôi về lịch sử đất nước này, dân tộc này và định hướng cho tôi tự tìm hiểu, tự so sánh và tự tìm ra chân lý bằng tư duy của chính mình. Tôi đã bị bịt mắt quá lâu trong một đường hầm đen tối để rồi tôi hoang mang, hụt hẫng, đau đớn khi phải lần mò từng bước, lần mò tìm lại từng chút ánh sáng của sự thật để trở thành như ngày nay, tôi thật sự tiếc vì đã mất quá nhiều thời gian… Bạn hãy dạy cho con trẻ, những thế hệ sau bạn biết tôn trọng sự thật và chân lý…Đừng chần chừ, đừng ngại ngần, đừng sợ hãi khi nhắc đến sự thật bởi sự thật là chân lý. Dù bạn có cố né tránh hay che đậy sự thật thì sự thật vẫn vây quanh bạn, tác động đến bạn và nhắc nhớ cho bạn biết rằng, bạn đã hèn nhát với chính bản thân mình và đang rất tàn nhẫn với các thế hệ mai sau… Muốn đất nước thay đổi bạn phải thay đổi, điều thay đổi dễ dàng nhất là hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận nó và đồng hành giúp con bạn, giúp những người trẻ tiếp nhận sự thật càng sớm càng tốt. Nếu tất cả các bậc làm cha làm mẹ trên toàn nước Việt Nam này can đảm nói sự thật với con mình và giúp con quay lưng với dối trá thì tôi tin rằng đất nước này sẽ sớm thay đổi, thật thế! FB Bạch Cúc
......

Ông Lý Thái Hùng nhận định về chuyến đi Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/04/20150412-ctm-... Thanh Thảo (Radio Chân Trời Mới): Ông Nguyễn Phú Trọng đã viếng thăm Trung Quốc lần thứ hai trong cương vị Tổng Bí Thư đảng CSVN từ ngày 7 đến 10 tháng 4 vừa qua. Nhiều nhà phân tích thời sự cho rằng chuyến đi của ông Trọng lần này tuy có dự kiến từ trước, nhưng lại xảy ra đột ngột qua lời mời khá gấp của ông Tập Cận Bình. Lý do là ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tiếp bà Nancy Pelosy, cựu chủ tich Hạ Viện Hoa Kỳ và là người cùng đảng Dân Chủ với Tổng thống Obama sang Hà Nội tham dự Hội nghị IPU, Bắc Kinh đã đánh tiếng mời ông Trọng chỉ trước đó vài ngày. Mặc dù báo chí Hà Nội và Bắc Kinh đã thổi phồng chuyến đi Trung Quốc của ông Trọng cũng như Tập Cận Bình đã dành nghi lễ cao cấp nhất để đón ông Trọng, nhưng những nội dung cam kết giữa hai phía qua bản Thông cáo chung không có gì mới. Dư luận cho rằng những đón tiếp rềnh rang của Bắc Kinh chỉ nhằm làm mờ chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng mà thôi. Để tìm hiểu chuyến viếng thăm Trung Quốc và những dụng ý của Tập Cận Bình qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng, xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay. *** Thanh Thảo: Việc ông Nguyễn Phú Trọng chọn viếng thăm Trung Quốc trước khi lên đường thăm Hoa Kỳ là điều đương nhiên vì Hà Nội đang gần với Bắc Kinh hơn là Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên trong chuyến viếng thăm lần này, dư luận lại cho rằng có sự đột ngột trong chuyến đi, phải chăng cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh muốn tránh thời điểm xảy ta biến cố giàn khoan HD 981 cách nay một năm không thưa ông? Lý Thái Hùng: Tôi không nghĩ đây là chuyến đi mang tính đột ngột vì chuyện viếng thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng đã được nêu ra từ hồi đầu năm nay. Tuy nhiên có lẽ hai phía Bắc Kinh và Hà Nội đã không thể điều chỉnh để cho chuyến viếng thăm diễn ra sớm hơn nên đã trở thành đột ngột vì hai lý do sau đây. Thứ nhất là cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều không muốn chuyến viếng thăm diễn ra trong thời điểm mà một năm trước đây xảy ra những xung đột gay gắt về việc Bắc Kinh đã ngang nhiên mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2 tháng 5 đến 15 tháng 7 năm 2014. Biến cố giàn khoan HD 981 đã không chỉ làm cho câu khẩu hiệu “16 vàng và 4 tốt” giữa Hà Nội và Bắc Kinh trở nên lố bịch, mà còn tạo ra sự phân hóa trầm trọng trong thượng tầng lãnh đạo CSVN với hai khuynh hướng “bám Trung” và “thoát Trung” vì không còn coi Trung Quốc là chỗ dựa an toàn. Hơn thế nữa, ông Trọng dù thuộc khuynh hướng “bám Trung” đi chăng nữa, cũng không muốn viếng thăm Trung Quốc vào thời điểm này vì sợ bị nội bộ đảng chỉ trích là ‘nô lệ” Bắc Kinh. Thứ hai là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Trọng có thể sẽ diễn ra trong thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2015, vì sau đó ông Trọng sẽ phải ở nhà để lo việc chuẩn bị Hội nghị lần thứ 11 Trung ương đảng theo chu kỳ 6 tháng 1 lần. Vì Hội nghị lần thứ 10 Trung ương đảng đã triển hạn từ tháng 10/2014 sang tháng 1/2015 nên vì thế mà Bộ chính trị đã không thể tổ chức Hội nghị lần thứ 11 sớm hơn như dự tính. Ngoài ra, do đầu óc còn nô lệ Bắc Kinh, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn viếng thăm Hoa Kỳ sau khi đã viếng thăm và làm việc với lãnh đạo Trung Quốc cho phải lẽ tình đồng chí láng giềng. Nói tóm lại, vì những lý do nêu trên mà chuyến đi Tàu của ông Trọng có vẻ xảy ra đột ngột. Điều này cho thấy là sau vụ giàn khoan HD 981, mối liên hệ giữa lãnh đạo của hai đảng bị một số giới hạn do những áp lực của công luận. Thanh Thảo: Ông có những nhận định gì về nội dung của bản Thông Cáo Chung của hai phía? Lý Thái Hùng: Thông Cáo Chung giữa CSVN và Trung Cộng lần này khá dài, nêu lên 9 vấn đề hay nói đúng hơn là 9 đúc kết các diễn tiến cuộc thăm viếng, những quan điểm, nhận định về tình hình chung và những cam kết của hai phía xuyên qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi. Trong 9 vấn đề nêu ra trong Thông Cáo Chung có 3 vấn đề được coi là cốt lõi: Thứ nhất là hai bên nhấn mạnh tiếp tục kiên trì thực hiện tốt cái mà hai phía đã ít nhắc đến trong thời gian qua kể từ sau vụ giàn khoan HD 981 xảy ra là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Hai phía đã đồng ý hợp tác: a/gắn bó hơn giữa hai đảng; b/thường xuyên tổ chức giao lưu mọi cấp; c/thúc đẩy hợp tác kinh tế bao gồm nghiên cứu chung về tiền tệ; d/tăng cường quan hệ quốc phòng, ngoại giao, công an… e/Mở rộng giao lưu văn học, văn hóa.. Thứ hai là hai bên trao đổi ý kiến về vấn đề trên biển và tiếp tục tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký hồi năm 2011 sau khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Hai phía cam kết kiểm soát bất đồng trên biển và không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung. Thứ ba là hai bên đã ký ‘Kế hoạch hợp tác giữa đảng CSVN và đảng CS Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” cũng như hàng loạt các hiệp định về dẫn độ, thăm dò dầu khí, v.v… Qua các văn kiện ký kết dưới sự chứng kiến của Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng trong chuyến viếng thăm lần nầy, CSVN đã mang về cho chính mình một vòng kim cô mới đó là kế hoạch hợp tác giữa hai đảng trong 4 năm (2016-2020). Nói cách khác là ông Trọng đã tiếp tục triển hạn chỗ dựa an toàn cho Bộ chính trị CSVN đến năm 2020. Đây là thời điểm nhạy cảm nhất sau khi Hà Nội tổ chức xong đại hội đảng XIII dự kiến vào tháng 1/2016. Nói tóm lại, đa số những điều viết ra trong Thông Cáo Chung cho thấy là phe “bám Trung’ hoàn toàn thắng thế. Tức là Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát Hà Nội xuyên qua những xảo thuật ký kết các văn kiện hợp tác Thanh Thảo: Điều mà dư luận quan tâm nhất của chuyến đi Bắc Kinh lần này của ông Nguyễn Phú Trọng là chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các căn cứ quân sự của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa hiện nay. Ông Trọng đã có những phát biểu, hay đề cập gì về tình biển Đông không thưa ông? Lý Thái Hùng: Thông Cáo Chung đã phản ảnh quan điểm của khuynh hướng “bám Trung” của Nguyễn Phú Trọng thì chắc chắn là ông Trọng sẽ không dám nặng lời công kích Trung Quốc trước mặt Tập Cận Bình. Thứ nhất, vấn đề nổi cộm hiện nay trong quan hệ Việt Trung là biển Đông, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc đã cho cải tạo các bãi đá ngầm thành những đảo nhân tạo để xây dựng các căn cứ quân sự. Đây là hành động xây dựng trái phép của Bắc Kinh và đang bị Hoa Kỳ, Phi Luật Tân lên án. Nhưng trong Thông Cáo Chung, vấn đề biển Đông chỉ đề cập một cách rất sơ sài như “hai bên trao đổi ý kiến chân tình, thẳng thắn về vấn đề biển Đông” và “nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo cao cấp hai đảng”. Thứ hai, đề cập về vấn đề biển Đông, Thông Cáo Chung tiếp tục nêu ra việc tuân thủ các văn kiện như DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông) hay COC (Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông) nhưng trong thực tế, Trung Quốc không tôn trọng những văn kiện này và luôn luôn chủ trương đàm phán song phương. Khi dã tâm của Trung Quốc như vậy thì việc ông Trọng có đề cập đến vấn đề Biển Đông cũng chỉ là cách nói lấy có hầu thuyết phục nội bộ đảng CSVN rằng ông Trọng đã thẳng thắn đặt vấn đề Biển Đông với Trung Quốc rồi mà thôi. Nếu ông Trọng và Bộ chính trị CSVN quan tâm vấn đề Biển Đông hơn vị trí quyền lực mà họ đang nắm hiện nay thì tình hình biển Đông đã có một tương lai khác tốt đẹp hơn bội phần. Thanh Thảo: Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này có các nhân vật trong Bộ chính trị như ông Đinh Thế Huynh, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang nhưng không có ông Phạm Quang Nghị người được coi là nhân vật thay thế ông Trọng ở Đại hội 13. Ông đánh giá ra sao về những nhân sự đi cùng với ông Trọng sang Bắc Kinh lần này? Lý Thái Hùng: Những nhân vật tháp tùng với ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc lần này là những người sẽ tiếp tục ở lại một nhiệm kỳ (2016-2021) và vì thế mà ông Trọng dẫn sang Bắc Kinh để giới thiệu với các Bố già Trung Quốc. Trong 4 nhân vật này, ông Đinh Thế Huynh được coi là sáng giá, hiện đang là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Đinh Thế Huynh đang làm việc rất sát với Lê Hồng Anh thường trực ban bí thư, theo khuynh hướng “bám Trung”. Sau khi ông Phạm Quang Nghị đứng cuối sổ trong 16 thành viên Bộ chính trị được Trung ương đảng CSVN bỏ phiếu tín nhiệm vào đầu tháng 1/2015, việc giới thiệu của ông Phạm Quang Nghị để tranh chức Tổng bí thư với ông Nguyễn Tấn Dũng không còn có triển vọng thắng. Vì thế mà phe “bám Trung’ đang chuẩn bị tư thế cho Đinh Thế Huynh để ra tranh ghế Tổng bí thư với ông Dũng. Riêng đối với bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhiều xác suất sẽ được sang làm Chủ tịch Quốc Hội cho nhiệm kỳ tới. Thanh Thảo: Với một người được dư luận đánh giá là “Bám Trung” và thuộc khuynh hướng giáo điều, theo ông thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được dư luận Hoa Kỳ đón nhận ra sao trong chuyến viếng thăm Hoa Thịnh Đốn sắp tới? Lý Thái Hùng: Tin tức ông Nguyễn Phú Trọng được mời viếng thăm Hoa Kỳ là do ông John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ công bố. Điều này rất khác với những cách mà Tòa Bạch Ốc loan báo khi Tổng thống chính thức mời nguyên thủ của một nước viếng thăm chính thức Hoa Kỳ. Khi hồ sơ mời không đúng theo thủ tục bình thường thì chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của phe ông Trọng hơn là phía dư luận Hoa Kỳ. Đó là phe Trọng chứng tỏ chơi được với hai đàn anh Trung Cộng và Hoa Kỳ để trấn an nội bộ đảng cho kỳ đại hội XIII và nhất là để đánh lạc hướng chủ trương “bám Trung”. Vì thế, những tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến đi này sẽ chỉ tạo sự chú ý của dư luận Hoa Kỳ nếu không tiếp tục lập lại những điều sáo ngữ mà trước đó các ông Trương Tấn Sang hay Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ba vấn đề mà dư luận Hoa Kỳ quan tâm xuyên qua chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng bao gồm: Thứ nhất là quan điểm của CSVN về việc hợp tác với Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông. Khi Hoa Kỳ ngày càng có những thái độ mạnh mẽ đối với Bắc Kinh trên biển Đông thì chắc chắn Hoa Thịnh Đốn muốn lãnh đạo CSVN phải có những đối sách thích ứng. Cụ thể là Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ông Ash Carter, tuyên tố mới đây tại Nhật Bản rằng Hoa Kỳ cực lực chống lại mọi âm mưu quân sự hóa khu vực biển Đông – ám chỉ Trung Quốc. Thứ hai là quan điểm của CSVN về vấn đề quyền con người, đặc biệt là chấm dứt các hành vi tra tấn, đàn áp, khủng bố đối với những người đấu tranh ôn hòa tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Sự kiện CSVN dùng xã hội đen chận đường đánh đập, gây thương tích cho một số nhà dân chủ là một vi phạm nhân quyền trầm trọng. Thứ ba là quan điểm của CSVN về việc đàm phán gia nhập TPP. Hiệp ước đối tác xuyên thái bình dương là một công cụ quan trọng của Hoa Kỳ trong việc xây dựng một vòng đai kinh tế lớn, để vừa ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, vừa xây dựng thế liên kết chặt chẽ giữa các đồng minh Hoa Kỳ trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Nói tóm lại, dư luận Hoa Kỳ – nếu quan tâm đến chuyến viếng thăm của Nguyễn Phú Trọng, thì 3 vấn đề nói trên sẽ là những thắc mắc cần câu trả lời từ ông Trọng. Thanh Thảo: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng. Nguồn: http://radiochantroimoi.com/thoi-su...
......

Thư kêu gọi ký tên cứu sông Đồng Nai

Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, chảy qua nhiều tỉnh thành ở miền Nam, trước khi đổ ra biển. Con sông này lớn thứ nhì Nam Bộ, chỉ sau sông Cửu Long, là huyết mạch giao thông, là nguồn nước ngọt quan trọng, cũng là nơi cung cấp hải sản trọng yếu của cả miền Nam. Đoạn sông Đồng Nai chảy ngang thành phố Biên Hòa, do sức nước tự nhiên, bên bồi bên lở tạo thành một khoảng trũng hình vòng cung khiến lòng sông phình ra, giúp giảm lực nước chảy trước khi rẽ nhánh bao quanh Cù Lao Phố. Đây là quy luật phát triển tự nhiên của sông hàng trăm năm qua.   Năm 2014, công ty cổ phần đầu tư- kiến trúc- xây dựng Toàn Thịnh Phát ra dự án xây cất và tu sửa khu đô thị Pegasus Riverside dọc bờ sông thành phố Biên Hòa, được cấp phép của Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhưng ngoài việc tu sửa bờ kè và phát triển mỹ quan đô thị, lại bao gồm việc lấp sông trên một diện tích khổng lồ đến 7.1 ha, chỗ lấn ra xa nhất đến 100 m, dài 1.3 kms, để lấy đất xây thêm các công trình thương mại khác nhằm mục đích kiếm lợi nhuận. Hậu quả của việc lấp một diện tích lớn sông Đồng Nai bóp nghẹt dòng chảy như vậy rất nghiêm trọng, có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, gây ngập lụt, xói lở cho các vùng xung quanh, ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái, thủy vực, tài nguyên thiên nhiên và nhà cửa, đất đai của người dân, ảnh hưởng cả đến nguồn nước sinh hoạt của ba thành phố lớn là Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Hơn nữa trong quá trình thi công đã có nhiều sai sót, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống tại đây. Dự án này triển khai vội vàng, chưa tham khảo và tiếp nhận đầy đủ ý kiến người dân cũng như các chuyên gia, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng những hậu quả nguy hại trong tương lai, nên đã vi phạm Luật tài nguyên nước và Luật bảo vệ môi trường. Hiện nay người dân đang rất quan tâm lo lắng, các cơ quan truyền thông, cũng như một số chuyên gia và Mạng Lưới Sông Ngòi VN đều đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị dừng ngay dự án. Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, vì quan tâm đến môi trường sinh thái và đời sống của người dân của tất cả các tỉnh thành dọc theo sông Đồng Nai, khẩn thiết yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai rút lại cấp phép xây dựng, yêu cầu công ty Toàn Thịnh Phát lập tức dừng ngay mọi hoạt động thi công và di dời diện tích đã bị lấp, trả lại nguyên trạng cho sông Đồng Nai. Hãy bấm vào đây để ký tên cùng chúng tôi cứu sông Đồng Nai, sau đó chuyển đi các nơi rộng rãi. Chân thành cám ơn. Nhóm Cứu Sông Đồng Nai. https://www.facebook.com/groups/cuusongdongnai/?fref=ts Kiến nghị và các chữ ký sẽ được gửi đến văn phòng: - Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đồng Nai 2 Nguyễn Văn Trị, Thanh Bình, Biên Hòa, Đồng Nai - Hội Đồng Quản Trị, công ty cổ phần Toàn Thịnh Phát Tầng 19, Số 53 - 55 đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, Tp. Biên Hòa, T. Đồng Nai Bấm vào đường dẫn sau đây để ký tên: https://www.change.org
......

Tuần Hành Vì Cây Xanh 12/4/2015

Cuộc tuần hành vì cây xanh sáng 12/4 tại Hà Nội đã diễn ra rất tốt đẹp, khi tất cả mọi người tham dự đều giữ tinh thần ôn hòa, văn minh, lịch sự. Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng cũng đã cư xử theo hướng tôn trọng quyền tụ tập và biểu tình của người dân – ngoại trừ việc vẫn tiếp tục quay phim chụp ảnh cả đoàn, liên tục gọi loa giục mọi người giải tán “để đảm bảo an ninh trật tự”, và chặn cửa một số người từ sáng sớm để họ không ra Bờ Hồ được. Dù sao đi nữa, thái độ và cách cư xử của nhân viên công quyền trong buổi tuần hành sáng nay về cơ bản là tốt đẹp. Tôi tin như vậy, cũng như tin chắc là nếu họ muốn giải tán đám đông, ngăn chặn mọi cuộc tụ tập, thì họ hoàn toàn có thể làm điều đó. Cần ghi nhận rằng từ năm 2011 đến nay, cách đối xử của lực lượng công quyền đối với người biểu tình đã khác rất nhiều: Đầu tiên là bắt (có thể đưa về Hỏa Lò), tạm giữ hình sự. Về sau, giảm xuống bắt đưa về trại phục hồi nhân phẩm rồi thả trong ngày. Sau nữa, là chia rẽ đội hình, ném mắm tôm, huy động DLV gây hấn, phá rối. Và bây giờ thì tất cả những biện pháp đó không còn được áp dụng nữa. Bất kể vì lý do gì, đấy cũng là một sự thay đổi tốt, từ phía chính quyền. * * * Tuy nhiên, cuộc tuần hành sáng 12/4 lại có một vấn đề khác đáng nói: Trong cuộc đi bộ, có lúc xuất hiện 4-5 bạn trẻ mặc áo đen có biểu tượng quân lực VNCH trước ngực và hàng chữ “Governments should be afraid of their people.” Khi được hỏi, một bạn nói rằng họ thuộc nhóm “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Những bạn này sau đó đã bị bắt. Thiết nghĩ: 1. Tuần hành, biểu tình ôn hòa là quyền cùa mỗi người dân. Việc tuần hành ôn hòa vì mục đích bảo vệ cây xanh, nâng cao ý thức của cộng đồng về môi trường và yêu cầu chính quyền minh bạch, là việc chung, không có sự phân biệt thành phần tham gia (cá nhân, tổ chức, thậm chí cả đảng phái chính trị - nếu có). 2. Tuy nhiên, với một sự kiện có tổ chức, trong đó ban Tổ chức đã công khai danh tính rất rõ ràng trong public group có tên “Vì Một Hà Nội Xanh”, đã công khai mục đích, tính chất và thông điệp của sự kiện, thì nếu bạn nào muốn tham gia với một thông điệp khác, tạo một hình ảnh khác (mà ở đây là áo đen với biểu tượng “Quân lực VNCH”), bạn đó nên làm việc với ban Tổ chức trước và chỉ tham gia như thế khi được sự đồng ý của chủ nhà – tức là ban Tổ chức. 3. Trong trường hợp các bạn không thuyết phục được ban Tổ chức để cho mình tham gia với hình ảnh và thông điệp khác, các bạn có thể tự tổ chức một sự kiện khác cho riêng các bạn, vào thời gian, địa điểm khác, với nhân sự khác, và không góp mặt trong sự kiện mà tại đó bạn không được đón nhận. Cách làm của các bạn trong nhóm “Quân lực VNCH” nào đó – mặc dù vẫn ôn hòa – là lạc lõng, vô tổ chức, thiếu tôn trọng mọi người khác, và đặc biệt, rất dễ làm hỏng cuộc tuần hành. Dư luận viên và những kẻ ác ý hoàn toàn có thể tung ra những thông tin sai sự thật nhằm bóp méo ý nghĩa, thông điệp của buổi tuần hành. Lực lượng công an, cảnh sát, dân phòng, hoàn toàn có thể lấy cớ “cờ vàng xuất hiện” để chặn đứng và phá vỡ buổi tuần hành, mà trong đó có rất nhiều người tham gia lần đầu tiên, với mục đích thuần túy là để biểu thị tình yêu cây xanh và tình yêu Hà Nội. Các bạn “Quân lực VNCH” hãy biết ghi nhận (và cảm ơn) là công an đã không bắt các bạn ngay trong lúc tuần hành, mà điều đó, nếu xảy ra, có thể làm tan tành cả sự kiện sáng nay. Xin các bạn làm ơn nghĩ đến những người khác, đến những người dân thường, những công chức, nhân viên văn phòng, thành viên tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là đến những bạn trẻ lần đầu tiên xuống đường thể hiện tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Xin làm ơn đừng để những mầm xanh đó bị vùi dập ngay từ đầu chỉ vì cái sự "đi quá xa" của các bạn. Theo facebook.com/pham.doan.trang
......

Phiếm: Bề ngoài thơn thớt nói cười

Rất nhiều khi, chúng ta tìm thấy những lời huấn giảng, những "wisdom" chẳng đâu xa, mà ngay trong kho tàng văn học và truyện dân gian. Trong mối quan hệ với Tàu, và đặc biệt là trong chuyến viếng thăm gần đây của ngài Nguyễn bí thư, câu "Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao" của thi hào Nguyễn Du thật thích hợp (1). Nhìn cái mặt cười cười của họ Tập với thân hình bự như hộ pháp bắt tay ông Nguyễn bí thư nhỏ thó, tôi dù tự thâm tâm rất muốn tin đó là một thiện chí của gã, nhưng thực tế thì lại cho thấy đằng sau là một cái dao găm to tướng. Các bạn hãy tự hỏi có khi nào bạn mời khách vào nhà ở cửa trước, thì ở cửa sau bạn cho con cái mình đi ăn cướp tài sản của người khách? Nếu một người nào làm như thế thì các bạn phải kết luận rằng người đó "mất lịch sự" là nhẹ, hay nặng hơn chút là "mất dạy". Bạn bè thật sự và người văn minh không ai hành xử như thế. Ấy thế mà đó là cách mà gã họ Tập đón tiếp khách của hắn là ngài tổng bí thư mang cái họ nổi tiếng nhất và phổ biến nhất ở Việt Nam: Nguyễn. Ngay trong lúc gã Tập chiêu đãi đoàn của ông Nguyễn ở Bắc Kinh, thì ở Trường Sa, gã cho quân gấp rút xây dựng Đảo Vành Khăn, một đảo mà quân Tàu đã cướp từ Việt Nam. Việc xây dựng này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần "giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông" mà người của Tập từng nói. Khi được chất vấn về việc " nói một đường làm một nẻo", đàn em của Tập là mụ Hoa Xuân Oánh nghênh ngang tuyên bố theo kiểu "tao muốn làm gì thì tao làm" và không giấu ý đồ đó là một hành động vì mục đích quân sự. Xin nhắc lại, những việc làm này xảy ra đúng vào lúc ông Nguyễn bí thư đang là thượng khách của gã họ Tập. Hành động ngược ngạo của gã họ Tập dĩ nhiên là một cách khinh bỉ khách. Một tay thì bắt tay khách, một tay thì cầm dao găm đâm lưng khách. Trong khi đó thì phía Việt Nam nói gì và làm gì? Chẳng thấy nói gì cả. Cũng chẳng thấy làm gì. Ngược lại, báo chí Việt Nam ca ngợi tình đoàn kết của hai nước, và nguyện thực hiện cái phương châm "4 tốt, 16 chữ" (2). Còn họ có làm theo phương châm đó hay "tốt" không thì thiết tưởng không nói ra chắc các bạn cũng thừa biết. Cũng xin nói thêm rằng cái phương châm này không phải của Việt Nam, mà là xuất phát từ Tàu nhé. Năm 1999 Tàu họ đưa ra phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Năm 2002, họ lại rướn thêm 4 chữ tốt: "Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt". Nhưng điều thú vị (hay nhục nhã?) là phía Việt Nam thêm chữ "vàng" vào phương châm đó (3) và cả hệ thống truyền thông nước Việt Nam bị bắt phải tụng niệm "16 chữ vàng". Nhớ nhé: chữ "vàng" là sáng tác của phía Việt Nam, chứ Tàu nó không có mặn nồng như thế. Chưa hết đâu. Tàu nó còn dùng chuyến thăm của ông Nguyễn bí thư như là một con cờ phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng. Ở trên, tôi có nói rằng phía Việt Nam im lặng trước những xây dựng của Tàu ở Đảo Vành Khăn. Nhưng Mĩ thì không. Tổng thống Obama trong một bài phát biểu ở Jamaica tỏ ý quan ngại việc Tàu bắt nạt các nươc láng giềng và đẩy họ vào thế lệ thuộc. Thế là Tàu lấy chuyến thăm của Nguyễn bí thư làm một "case study" để chửi bới Mĩ (4). Tập cho Tân Hoa Xã trích lời của Nguyễn bí thư là muốn tiếp tục mối quan hệ "đồng chí và anh em", và nói với Mĩ: đó, chúng tôi có bảo ai lệ thuộc đâu. Có điều câu thứ hai họ không nói ra, nhưng ai cũng biết là câu tất yếu: "họ muốn làm đồng chí - anh em với chúng tôi đó chứ". Chắc ngài Nguyễn bí thư thích lắm khi biết Tân Hoa Xã trích lời phát ngôn đó. Ngài giáo sư tiến sĩ họ Nguyễn từng nổi tiếng với câu "Mình phải thế nào thì người ta mới mời chứ", nay còn nổi tiếng thêm: Phát ngôn của mình phải hay thế nào thì người ta mới trích dẫn chứ. Nhưng phải công bằng mà nói đây không phải là lần đầu phía Việt Nam tỏ lời muốn làm "đồng chí anh em" với Tàu. Cái ý nguyện này (phải nói là "ý nguyện") đã có từ 70 năm trước. Theo tác giả Ngô Nhân Dụng thì ngay từ 1947, Hồ chủ tịch đã nhân danh “Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương" gửi thư đến Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó có đoạn viết “Từ nay về sau tôi sẽ thường xuyên thông báo những tin tức và tình hình kháng chiến chống Pháp của Việt Nam và chính sách của đảng và chính phủ trong kháng chiến. Hy vọng các đồng chí có thể thường xuyên đề xuất ý kiến và góp ý.” Bức thứ thứ hai đề ngày 20/2/1948, Hồ chủ tịch viết “Chúng tôi quyết định triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc của đảng vào tháng 8, 1948. Hy vọng quý đảng chuẩn bị cử đại biểu đến dự đại hội để cung cấp cho chúng tôi kinh nghiệm cách mạng của các đồng chí, đồng thời hy vọng thông báo giúp bốn đảng anh em Liên Xô, Nhật Bản, Miến Điện, Ấn Độ cử đại biểu tham gia. Đường đến có hai tuyến, hoặc là từ Hương Cảng đến Châu Nam rồi tới Việt Nam, hoặc đến Xiêm La” (5). Thế mới biết phía Việt Nam tự nguyện làm đồng chí với họ lâu lắm rồi. Nhưng có lẽ thời đó thì "gặp thời thế thế thời phải thế" – phải làm đồng chí với kẻ thù. Nhưng khổ nỗi là sau này, ngay sau khi chúng cướp biển đảo của ta, lấn đất của ta, giết người của ta, phá hoại đất nước ta, mà vẫn có người muốn làm đồng chí anh em với họ thì quả là đáng ngạc nhiên. Thật tình, nó giống như một mối quan hệ sadistic. Câu chuyện chẳng khác gì một người phụ nữ bị tên chồng mất dạy đánh trối chết, mà vẫn chạy theo ôm chân nó và khóc lóc gọi nó là "chồng"! Nghe thật lạ lùng, có lẽ người phụ nữ bị bệnh. Thú thật, tôi không biết ngài Nguyễn bí thư có thật sự tin vào 16 chữ vàng + 4 tốt của Tàu? Tôi muốn nghĩ rằng ngài chỉ làm ngoại giao thôi, chứ chắc gì trong thâm tâm ngài tin mấy lời đường mật của họ Tập. Nếu vậy thì cũng thông cảm cho ngài, nhưng phải đợi đến khi ngài đi Mĩ du thì chúng ta sẽ biết hơn và có dịp so sánh. Tuy nhiên, có một người trong đoàn của ngài không ngần ngại thổ lộ tâm tư là tin. Đó là ngài phùng đại tướng (không cần viết hoa vì ngài quá nổi tiếng và trở thành danh từ chung rồi), ngài từng một hai nhắc đến Tàu là "bạn". Ngài còn lo lắng là người Việt [như người viết cái note này] không ưa họ Tập và băng đảng của gã. Thà biểu lộ tình cảm như ngài phùng đại tướng tôi lại thấy hay, vì mình biết rõ vị trí của ngài ấy. Nhưng những người mà "Bề ngoài thơn thớt nói cười / Mà trong nham hiểm giết người không dao" thì mới đáng sợ vì đó mới là kẻ thù thật sự. Người phương Tây có câu "With friends like that who needs enemy" – bạn bè như thế thì cần gì đến kẻ thù. Tương tự, có thể mượn câu đó để nói "Với bạn bè như Tàu cộng thì Việt Nam không cần thêm kẻ thù". Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không dao. === (1) Xin nói thêm cho rõ đây là phát hiện của anh Đoàn Khắc Xuyên, chứ không phải của cá nhân tôi. (2) http://www.giaoducvietnam.vn/…/Viet--Trung-kien-tri-thuc-hi… (3) http://toquoc.vn/…/12…/khong-mo-ho-16-chu-vang-va-4-tot.aspx (4) http://vi.rfi.fr/…/20150411-bien-dong-trung-quoc-neu-vi-d…/… (5) http://www.nguoi-viet.com/absoluten…/…/viewarticlesNVO.aspx… Theo facebook.com/drtuanvnguyen
......

Động kinh ký sự

Sáng nay thứ 5, lòng thanh thản, tôi lên phường trình diện quản chế theo thường lệ. Vẫn ban bệ đó, chỉ thiếu bóng dáng của nàng. Tôi cắn răng ngồi làm việc. Đầu tiên tôi xuất trình bản báo cáo quản chế tháng 3/2015, nội dung chỉ đề cập đơn giản đến việc đi lại của tôi trong hay ngoài khu vực quản chế thời gian qua. Kế đấy, tôi phản đối việc cảnh sát khu vực kiểm tra nhân khẩu nhà người thân tôi một cách không cần thiết. Tiện thể tôi nhắc lại hành động khám nhà tôi cách đây hơn một năm, mà đội cảnh sát gần 10 người lần đó xông vào nhà, khám phòng ngủ và mở tất cả tủ quần áo của tôi ra xem. Các anh an ninh giải thích rằng việc làm này luật cho phép. Tôi đáp, “luật tuy cho phép, nhưng chỉ trong những điều kiện nhất định và các anh phải tuân thủ trình tự luật ấn định, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về nhà ở của công dân.” Tôi nhấn mạnh, “mặt khác không thể viện cớ luật định để xâm phạm quyền công dân mà Hiến pháp thừa nhận, bởi Hiến pháp đứng trên luật.” Nhân tiện, tôi nói cần phải sửa đổi luật về quyền kiểm tra đăng ký tạm trú và lưu trú của công an, vì điều luật ấy rõ ràng vi hiến. Do đề cập đến việc sửa đổi luật pháp, các anh an ninh hỏi tôi về Thư ngỏ gửi Quốc hội đề nghị hủy bỏ các điều 79, 88 và 258 của Bộ luật hình sự mà tôi đăng trên Facebook cá nhân. Tôi lập lại quan điểm của mình rằng cần phải thực hiện gấp việc hủy bỏ như vậy, vì ba điều luật này xâm phạm quyền con người và quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đề cao. Một anh hỏi tôi nếu bỏ ba điều đó thì phải có điều nào khác thay thế để bảo đảm an ninh quốc gia. Tôi đáp, “không thể nhân danh hoặc viện lý do bảo đảm an ninh quốc gia để hạn chế hoặc xâm phạm nhân quyền, hơn nữa an ninh quốc gia là một vấn đề khác mà chính quyền đầy kinh nghiệm xử lý, không cần nhờ đến ba điều luật 79, 88 và 258.” Tôi khẳng định ba điều luật ấy làm hình ảnh Việt Nam trở nên tồi tệ trong mắt cộng đồng quốc tế. Sẵn đó, tôi cũng nói thêm việc trì hoãn ban hành luật biểu tình là không thể chấp nhận được. Anh an ninh khác nhận xét cách tôi “đồng tình” với việc chặt cây xanh ở Hà Nội như đã viết trên Facebook nghe rất sốc. Tôi nói, “loại bỏ những cây đã chết hoặc mục ruỗng bên trong để bảo đảm an toàn cho cư dân là cần thiết, nhưng kiểu chặt cây quý hiếm còn sống tốt là điều không thể chấp nhận, nhất là khi lối làm đó thiếu minh bạch.” Các anh an ninh gật đầu: “Chúng tôi chẳng hiểu sao chính quyền Hà Nội lại làm như vậy, chúng tôi cũng sốc như anh!” Một anh xoay sang sự kiện công nhân đình công, dặn dò tôi tránh viết điều gì có thể gây kích động. Tôi đáp, “sự kiện đó là hệ quả tất yếu của việc ban hành luật thiếu suy xét cẩn trọng.” Tôi giải thích, “tinh thần của bảo hiểm xã hội là đúng, nhưng vấn đề chính ở đây là niềm tin của người lao động vào việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội hoàn toàn không có.” “Trong khi các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hơn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng nhà nước đối với việc nhận và sử dụng tiền ký thác của khách hàng, thì quỹ bảo hiểm xã hội có quy mô to lớn hơn lại quản lý và đầu tư tiền bạc của người lao động cả nước hoàn toàn thiếu minh bạch, chưa nói đến rủi ro đổ vỡ. Luật mới chẳng những không giải quyết vấn đề, lại còn gia tăng rủi ro đó khi cưỡng buộc người lao động trao tiền của mình cho người khác xài hàng chục năm, mà không biết sẽ được hoàn trả không, nếu may thì còn, xui thì mất. Do vậy, theo tôi, công nhân đình công là đúng. Vấn đề còn lại là Quốc hội sẽ sửa luật khi nào và như thế nào.” Tôi cũng nhấn mạnh không nên sử dụng biện pháp đàn áp. Các anh an ninh tỏ vẻ đồng ý với tôi. Câu chuyện chuyển sang lời lẽ nặng nề mà tôi dùng cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Bắc Kinh. Tôi nói, “như một tiền lệ không đẹp mặt lắm, rằng cứ trước chuyến đi sang Mỹ quan chức lãnh đạo Việt Nam luôn phải tranh thủ sang Trung Quốc xin ý kiến chỉ đạo, mặc dù thực hư thế nào không ai biết rõ, và chính cung cách này từ nhiều năm nay đã gửi một thông điệp rõ ràng cho dân chúng rằng nước ta đang lệ thuộc Trung Quốc.” Mọi người im lặng. Tôi nói tiếp, “lịch sử Trung Hoa cho thấy họ tuy là nước lớn, nhưng thường nói một đằng làm một nẻo, một kẻ như thế dứt khoát không thể là bạn.” Mọi người gật đầu đồng tình. Một anh buộc miệng nói với tôi, “Trung Quốc mời đi gấp chắc liên quan đến kỳ Đại hội Đảng sắp tới!” Tôi trả lời, “có lẽ là thế, vì nhân sự cấp cao của Việt Nam luôn là mối bận tâm của Trung Quốc.” Anh khác bỗng hỏi tôi, “anh nghĩ ai sẽ là nhà lãnh đạo kế tiếp?” Tôi đáp, “ở nước ta bầu cử và kết quả của nó là chuyện dành riêng cho đảng cộng sản, hoàn toàn thiếu minh bạch, nên người dân chỉ có thể đoán mò, dù về mặt tâm lý có thể họ thích hoặc không thích một nhân vật nào đó.” Anh ấy hỏi tiếp, “vậy thì phải làm sao để dự đoán chính xác?” Tôi đáp, “ở các nước dân chủ, mọi cuộc bầu cử đều tự do, công bằng và minh bạch, nên kết quả bầu cử có thể tiên đoán dựa trên sự quan sát diễn biến tranh cử, do vậy muốn thấy điều đó ở Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp để chấp nhận cách thức bầu cử tương tự.” Anh ấy lắc đầu nhận định, “phải chờ 20 năm nữa!” Tôi cười bảo, “tôi không tin lâu như vậy!” Anh an ninh hỏi thêm, “theo anh nếu sửa đổi Hiến pháp những vấn đề quan trọng nào cần đạt được?” Tôi trả lời không cần suy nghĩ, “đó là các vấn đề sau: thể chế chính trị đa đảng, thể chế nhà nước tam quyền phân lập, quyền tư hữu đất đai và quân đội độc lập.” Anh ấy nói luôn, “toàn những vấn đề khó và cần thời gian thêm.” Tôi bảo, “tại các anh bảo thủ không muốn làm, chứ chẳng vấn đề nào khó cả và điều quan trọng là việc thay đổi vì lợi ích của ai thôi.” Buổi trò chuyện tạm dừng tại đó. Một anh an ninh tiết lộ rằng tất cả bài viết của tôi trên Facebook cá nhân đều được chính quyền quan tâm và phân tích đặc biệt. Tôi cười lớn, nói “thật hân hạnh cho tôi!” Song nụ cười của tôi đã phải tắt ngấm ngay sau đó, bởi khi tôi sốt ruột hỏi cô nàng xinh đẹp đâu mà không đến gặp tôi cả ba tháng nay, thì nhận được câu trả lời rằng: “Người đẹp của anh có chồng và một con rồi!” Tôi định buột miệng hỏi ngay, “thằng cha nào gan thế?” thì kịp thời dừng lại, buông tay rớt xuống mặt bàn cái rầm. Anh an ninh ngồi cạnh tôi ngạc nhiên: “Sao anh lại đập bàn thế? Thất vọng đến vậy sao?” Tôi đứng dậy lắc đầu, thiểu não ra về. Bước khỏi cổng, ngước nhìn khoảng không phía trên, bỗng dưng tôi muốn hét thật to, không biết nên buồn hay nên mừng đây trời! Theo facebook.com/LSLeCongDinh
......

Cuộc chiến ‘biệt vô tăm tích’

Cuộc nội chiến Nam - Bắc ở Việt Nam đã chấm dứt được mấy mươi năm, biết bao tài liệu sách báo, hồi ký đã được viết ra, biết bao tư liệu tuyệt mật của các bên đã được công bố, nhiều cánh cửa đã được mở ra để nhìn rõ bản chất, nguyên nhân, diễn biến, các góc cạnh của cuộc chiến. Trong suốt hơn 20 năm qua, tôi đã được đọc không biết bao nhiêu là sách báo, tài liệu của Ngũ Giác Đài, của Bộ Quốc phòng Liên Xô, Pháp, Anh, của Đệ Tam Quốc tế CS, các hồi ký của các tướng tá cả của Quân đội Nhân dân (QĐND) và của Quân lực VN Cộng Hòa, hồi ký về nhà tù CS, hồi ký về thuyền nhân, rồi những tài liệu tù mù thật giả lẫn lộn, phóng ra từ ổ đen tình báo Hoa Nam Trung Quốc. Vậy mà theo tôi vẫn còn nhiều «góc khuất» của cuộc chiến tranh rất nên làm rõ, để cuộc chiến được tái hiện đúng như nó từng diễn ra trên mọi khía cạnh. Có những sự kiện nhỏ bé ít người nói đến nhưng lại đóng vai trò rất lớn, có khi có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến. Xin nêu lên một vấn đề làm thí dụ. Tôi tạm gọi vấn đề này là «cuộc chiến biệt vô tăm tích». Đó là tình trạng quân nhân trong QĐND ở miền Bắc khi đã lên đường vào Nam chiến đấu là cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, bạn bè thân thuộc trong một thời gian dài, cho đến khi sống sót được trở ra miền Bắc. Có thể nói có hàng mấy triệu lượt quân nhân QĐND vượt tuyến như thế, và hàng triệu người đều ở trong hoàn cảnh như thế. Họ lên đường, rồi «biệt vô tăm tích», vì bưu điện Bắc - Nam bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng không hề có một văn bản nào ghi nhận thành chính sách «biệt vô tăm tích» như thế. Có lẽ rất hiếm quân đội nào trong thời chiến cùng gia đình họ chịu cảnh chia ly triệt để, kéo dài, chịu một cuộc tra tấn đày đọa tinh thần thâm hiểm đau xót triền miên như thế. Trong thời chiến tôi có dịp hỏi chuyện một số sỹ quan phi công Hoa Kỳ bị bắt, họ còn mang theo cả thư, ảnh vợ con, bố mẹ nhận được trước đó vài hôm từ Mỹ gửi sang Thái Lan hay Hạm đội 7. Họ chiến đấu ở xa hàng ngàn dặm mà mối quan hệ tình cảm được đều đặn. Quân nhân của chế độ Cộng sản miền Bắc nước ta chiến đấu trên đất nước mình mà cứ như bị tha hương, đến một tinh cầu nào xa lạ, không một lá thư nào, một hình ảnh nào. Bao nhiêu bà mẹ, ông bố, người vợ đêm nằm thương nhớ khôn nguôi người con, người chồng yêu quý của mình, thế rồi chỉ còn có cách nuốt nước mắt vào lòng, cầu Trời khấn Phật cho người thân «biệt vô tăm tích» của mình sống sót trở về. Các ông cha bà mẹ, người vợ ấy càng chua xót, đau đớn vì cái tỷ lệ sống sót trở về ngày càng hiếm hoi, «sinh Bắc tử Nam» đã thành số phận gần như thiên định, do cuộc chiến ở miền Nam hết sức ác liệt, do bộ phận lãnh đạo CS sùng bái bạo lực, sắt máu, có dã tâm quyết hy sinh không hạn độ sinh mạng công dân cả nước mình cho tham vọng nhuộm đỏ toàn thế giới của Đệ Tam Quốc Tế CS. Chiến tranh để dành độc lập, rồi «chống Mỹ cứu nước» chỉ là nhãn hiệu bề ngoài che đậy dã tâm trên đây. Viện bảo tàng phòng không - không quân Hà Nội Nếu như đảng CS Việt Nam để cho quân nhân mình được phép liên lạc với gia đình, tổ chức ngành bưu điện quân sự tỏa rộng vào các chiến trường, theo tôi nghĩ, bộ mặt cuộc chiến đã khác hẳn. Chỉ riêng cảnh rùng rợn của chiến trường, số chết và bị thương phía CS miền Bắc quá lớn, do quân đội miền Nam và lực lượng Hoa Kỳ có hỏa lực quá mạnh (từ trước năm 1964 chiến trường miền Nam, QĐ miền Bắc nói chung chưa đưa chiên xa vào miền Nam, pháo binh còn thưa thớt, không quân miền Bắc chưa hoạt động được) nên thường thương vong các trận đánh là 3/1, 5/1, có khi 10/1. Theo một số báo cáo tuyệt mật tôi được biết khi đi trong các đoàn quân sự cao cấp do tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu, với nhiệm vụ là bí thư báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng, sau các đợt «Tổng tiến công và tổng nổi dậy» năm 1968, lực lượng QĐND bị tổn thất nặng hơn bao giờ hết, cơ sở nhân dân bị lộ, nhiều nơi bị mất trắng, có nơi phải đưa bộ đội chính quy miền Bắc vào làm bộ đội địa phương quận huyện. Nhiều đại đội, tiểu đoàn, cho đến cả trung đoàn phải giải thể, sáp nhập vào nhau, có khi đến 2 hay 3 lấn, phải lấy phiên hiệu A, B, C, như Trung đoàn 275 A, 275B, 275C. Ở Khu 5 hồi ấy sỹ quan tử trận nhiều phải đôn gấp tiểu đội trưởng lên đại đội trưởng, tiểu đoàn phó lên trung đoàn trưởng do miền Bắc cử vào không kịp. Nếu như thư từ thông suốt, các trận đánh thua tơi bời, chết và bị thương như ngả rạ, người bị thương không được cứu chữa, người chết chôn vội rồi đơn vị di chuyển, giải thể không còn biết ở đâu, nếu như cả xã hội được thông tin từ chiến trận, biết rõ những thất bại chồng chất khi ấy thì hậu phương sẽ không cho phép đảng đem con em mình vào lò thiêu sống như thế. Ở Hoa Kỳ khi các trận đánh qua màn TV đi vào phòng ngủ người dân, số tử vong lính Mỹ lên đến 50 ngàn trong 5 năm là toàn xã hội lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh. Tôi từng tham dự nhiều buổi tiễn đưa một số đơn vị vào Nam, khi qua binh trạm cuối «làng HO» thuộc đất Vĩnh Linh là anh em vĩnh biệt miền Bắc trong cảnh tượng xé lòng mà vẫn phải làm ra vẻ bình thản. Ai nấy đều giống nhau, hiểu nhau, cùng nhau đóng kịch. Lúc ấy không còn đường rút lui. Cứ như qua cầu bắc ngang sông là cầu bị cắt. Đã có một số anh em mất tinh thần, liều mạng, muốn quay lui, vào tù cũng được, nhưng không sao lọt. Vì trách nhiệm của các chính ủy đoàn, các chính trị viên, của các chi bộ là ngăn chặn hiện tượng «B tụt», «B tạt», «B quay», nghĩa là tìm cách lẩn vào rừng, tụt lại sau, tạt ra các bản người dân tộc, rồi tìm cách quay về nhà. Rất ít ai thoát được. Những anh em ấy bị truy lùng ráo riết, bị giải về hậu phương, bị tù đày không xét xử, cuối cùng ra tù còn phải chịu cuộc sống bị chính quyền CS phường xóm giám sát, khinh thị, cả họ hàng không sao ngẩng đầu lên được. Thời gian «biệt vô tăm tích» người thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trưòng Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi. Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu. Đây là món nợ xã hội của đảng CS đối với nhân dân cho đến nay vẫn không sao trả được. Trong cuộc chiến tranh chống Pháp, con số chính thức của phía Pháp cho biết số tù binh bị phía Việt Nam bắt giam là 5.782 người, đã trao trả nhiều đợt là 3.290, số còn lại là 2.492 phía Việt Nam không giải thích được là sống chết ra sao, vì sao, ở đâu. Đối với tù binh là người Mỹ cũng vậy, số bị bắt giam là gần 2.000, được trao trả là 591 người, số còn lại là 1.350 hay là 1.469 người, (tùy theo tài liệu của Ngũ Giác Đài hay của Quốc hội Mỹ), phía Việt Nam vẫn không giải thích được. Đây là thêm chứng minh về lãnh đạo đảng CS cực kỳ vô trách nhiệm đối với sinh mạng con người trong chiến tranh, mặc dầu đã có những quy định quốc tế về trách nhiệm các bên đối với tù binh, về cấm tra tấn, về nuôi dưỡng, chữa bệnh, cho nhận thư từ gia đình, trao trả tù binh đầy đủ sau chiến tranh. Không thể để «biệt vô tăm tích» hàng ngàn trường hợp như thế. Có thể nói chính sách «biệt vô tăm tích» là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến. Nó được thực hiện cùng với chính sách cắt đứt triệt để quan hệ Bắc - Nam trong suốt gần 30 năm chiến tranh, nhằm triệt hạ mọi tình cảm ruột thịt, gia đình, bạn bè ở 2 miền, đặc biệt là giữa hàng triệu bà con di cư từ Bắc vào Nam với người thân ngoài Bắc, buộc phải coi nhau là thù địch, cũng là để bóp ngẹt tinh thần phản chiến âm thầm của bà con ta ở cả 2 miền. Đây phải chăng cũng là một tội ác, trời không dung đất không tha, của đảng CS để làm nên cái gọi là toàn thắng giả tạo và tạm thời cách đây 40 năm?
......

"Chặt cây nhanh - Bán gỗ gấp" đã được hợp thức hóa

Khi lãnh đạo Hà Nội ra thông báo ngưng đốn cây để chờ điều tra sai phạm, người dân Hà Nội, đặc biệt là hàng ngàn người xuống đường ngày 29 tháng 3, vẫn cảm thấy bất an, bán tín bán nghi. Nhưng khi các vòng rào công an dày đặc chận đường nhóm đạp xe vì cây xanh chỉ một tuần sau đó, và đặc biệt với các tuyên bố của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại cuộc họp giao ban ngày 31 tháng 3, thì ý định của lãnh đạo Hà Nội đã quá rõ. Ảnh so sánh thành phố cây xanh trước khi chặt  và sau khi chặt thành đồi trọc! Điều rõ nhất là ông Phạm Quang Nghị khẳng định việc chặt hàng ngàn cây xanh tại Hà Nội là "chủ trương đúng" và không hề có ý định ngừng lại trong những ngày tháng tới. Ông còn gián tiếp phê bình lời hứa tạm ngưng để truy tìm trách nhiệm của Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo là quá "nóng vội". Theo đúng bài bản truyền thống, ông Nghị khẳng định ngay đây là "chủ trương đúng, thi hành sai", và đơn giản đổ hết lỗi cho khâu tuyên truyền kém. Nhưng tất cả các lý do giải thích việc cắt cây của ông tại cuộc họp nói trên lại không mới và không khác gì những điều ban tuyên giáo Hà Nội cũng như các ban ngành liên hệ đã đưa ra. Các lý do đó chẳng thuyết phục được ai mà chỉ đẻ ra thêm nhiều câu hỏi khác: -                      Lý do cắt cây vì sâu mục: Chẳng có nhà khoa học nào báo động đang có dịch côn trùng, sâu bọ giết hàng ngàn cây cổ thụ tại Hà Nội. Hàng ngàn hình ảnh chụp phần ruột các cây đã bị chặt dọc các con đường đều không thấy dấu vết sâu mọt, rỗng ruột gì cả. Và lạ hơn nữa, nếu các cây đều trong tình trạng bị sâu mọt đục ruỗng thì tại sao chúng lại được quí đến độ phải đánh số từng khúc một và được bán rất đắt hàng cho các công ty tư nhân tranh nhau đấu giá? -                      Lý do cắt cây vì sợ bão đổ: Một mùa bão đổ bao nhiêu cây? Có phải vì một vài cây bị yếu gốc hay tàng cây quá lớn mà giết luôn hàng ngàn cây khác không? Như thế có cần cả một ban ngành chuyên "chăm sóc" cây xanh Hà Nội không? Và có phải trong suốt mấy trăm năm qua gần đây mới có bão thổi qua vùng Hà Nội? -                      Lý do thay cây cong bằng cây thẳng cho đẹp thành phố: Định nghĩa "cây thẳng mới đẹp" đó ở đâu ra? Ai cho các quan chức Hà Nội độc quyền quan niệm "đẹp" đó? Tại sao các thành phố trên khắp thế giới không chỉ trồng cây dừa, cây cau, cây chuối, cây đu đủ cho thẳng và "đẹp"? -                      Lý do cắt cây vì đã cũ, cần chỉnh trang thành phố: Chẳng ai có chút kiến thức khoa học tổng quát lại bảo phải thay cây cổ thụ vì chúng đã quá cũ cả. Cây xanh đâu phải là nhà cửa hay bàn ghế mà bảo rằng cứ vài chục năm thì phải thay vì quá cũ và xấu xí. Trong khi tập thể lãnh đạo Hà Nội hiện có trên 300 tiến sĩ chứ không ít. Chắc chắn họ phải biết thế giới ngày nay quí cây xanh và nối liền cây xanh với sức khỏe con người như thế nào, đặc biệt là những cây cổ thụ ở cấp vài trăm năm. Làm sao người dân Hà Nội không cảm thấy xấu hổ cho "tầm cao lãnh đạo" khi hàng ngày họ phải nhìn cảnh xa tít những cây xanh đã sống hàng trăm năm với đường kính 2 người lớn ôm không hết, bị cắt trụi và thay bằng những cây con thân bằng cổ tay, nhân danh "chỉnh trang đô thị". -                      Và tất cả các cây đã và sắp bị xử tử đều không cản trở công trình xây dựng lớn nào. Do đó, dù ngụy biện thế nào đi nữa thì ông Nghị và mọi ban ngành Hà Nội vẫn không sao giấu được cái đuôi "nạo rừng giữa thành phố" để chia nhau mấy trăm triệu đô la mỹ. Và chính vì thế mà quyết tâm chặt đang dâng lên rất cao: chặt ngày không đủ, tranh thủ chặt đêm. Thật vậy, người dân không khỏi phì cười khi nghe ông Nghị kể lể công đức rằng "vì lợi ích của dân" mà lãnh đạo Hà Nội cho cưa cây ban đêm để tránh cảnh ách tắc xe cộ. Hàng trăm ngàn nhân chứng đang sống tại Hà Nội đã thấy tận mắt tất cả cây xanh đều bị ngang nhiên cưa cắt giữa ban ngày, ngang nhiên cản trở lưu thông. Chỉ khi dân chúng bắt đầu phản đối mạnh thì nhà cầm quyền mới vừa thông báo tạm ngưng, vừa chuyển sang chặt về đêm. Và chắc chắn trong những ngày tới, một khi cảm thấy đã trấn áp được các tiếng nói phản đối, các đoàn chặt cây sẽ lại được lệnh chuyển sang ban ngày để tăng tốc "chặt nhanh - bán nhanh - chia nhanh". Chưa hết, ông Nghị cũng không quên thói quen trách dân như mọi khi. Lần này, vì không thể bảo những người dân xuống đường phản đối là "ỉ lại", ông bèn phán: họ đang bị các thế lực thù địch bên ngoài kích động. Ông chỉ quên mất chính báo chí, đài truyền thanh và truyền hình lề đảng đã đăng tải vô số các hình ảnh, các tiết mục phỏng vấn, phân tích hành động giết cây xanh quá vô trách nhiệm của quan chức Hà Nội. Nhưng nỗi lo của người dân Hà Nội và khắp nơi trên cả nước không dừng ở đó. 6700 cây xanh đang và sắp bị giết chỉ mới là đợt 1 tại Hà Nội. Và không chỉ tại Hà Nội, các thành phố lớn đều đang rục rịch lên kế hoạch "chỉnh trang thành phố". Cụ thể, Huế đã lên kế hoạch giết 3500 cây xanh đợt 1. Rõ ràng đây không phải là sáng kiến riêng của một địa phương mà đã có "đèn xanh" của lãnh đạo trung ương cho phép hàng ngũ quan lại kiếm ăn để họ tiếp tục sống chết với đảng. Đây là lối thoát trong lúc chẳng còn nước nào muốn cho Việt Nam vay vốn xây dựng các công trình lớn vì tình trạng tham nhũng rút ruột quá trầm trọng. Những nước từng viện trợ như Nhật Bản còn đòi lại các khoản tiền đã cho trước đây. Hiện nay, 2 cách kiếm tiền táo bạo mới đang lan tràn là chặt cây thành phố bán gỗ quí và lấn bờ sông ngòi bán mặt bằng cao giá. Sự im lặng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về 2 hiện tượng cướp cây và lấn sông đang diễn ra, bất kể nhiều lời kêu gọi can thiệp, càng bồi thêm vào kết luận: đây cũng là một "chủ trương lớn của đảng". Cho đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra lệnh cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lên tiếng đòi Hà Nội giải trình sự việc. Hiển nhiên, ai cũng biết Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, một người cao cấp hơn ông Hải nhiều trong hệ thống đảng, sẽ chẳng coi thư yêu cầu giải trình đó ra gì. Hơn thế nữa, ai trong giới đại gia, buôn bán lớn đều biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ là người chuyên chạy mối (chạy áp-phe) cho thủ tướng quanh các dự án lớn, chứ ông chẳng biết gì về công việc điều hành nhà nước và cũng chẳng có uy tín gì để răn đe ai. Tại điểm này, mọi hy vọng "truy tìm trách nhiệm" để trừng phạt những lâm tặc ngay giữa thủ đô, như Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã hứa, coi như tắt lịm. Ngược lại, trận dịch "Chặt cây nhanh - Bán gỗ gấp" trên cả nước đã bắt đầu, và bắt đầu từ Hà Nội. DienDanCTM
......

Biết cười, cũng cần biết nhục

Dân Hà Nội đang truyền miệng một bài đồng dao (bài hát của trẻ em) mở đầu bằng mấy câu: “Hay nói ầm ĩ là con vịt bầu Hay hỏi đâu đâu là con chó vện Nhanh hơn cả điện là chặt cây xanh Giải thích loanh quanh: Ủy Ban Thành Phố Họp báo nhí nhố là lão Quốc Hùng Ăn nói như khùng là anh Tuyên Giáo Bài này không ghi tên tác giả (Khuyết Danh), xuất hiện trên Facebook của Nguyễn Lân Thắng. Hai câu đầu là thơ Trần Ðăng Khoa, dân Hà Nội theo truyền thống Ba Giai (Nguyễn Văn Giai) đã đặt thêm, thành một bài dài, vừa đọc cho nhau nghe vừa sửa chữa thành nhiều bản. Xin trích dẫn mấy đoạn sau để đồng bào khắp bốn biển năm châu được nghe tiếng cười của người Hà Nội: Hứa rồi bội ước: Tấn Dũng mồm to Nhắm mắt gật gù: Mấy quan nghị gật Như con lật đật là mấy thằng dân Mặt méo mày nhăn là người lao động Mồm to, miệng rộng: Ðám dư luận viên Thay đổi triền miên: Luật và quần lót Làm xấu nói tốt: Báo cáo hàng năm Nói như thằng hâm là anh Hùng hói Sợ Tàu hỏi tội, là Phùng Quang Thanh Lạy giặc làm anh, là lão Trọng Lú Chén anh chén chú, là đám quan tham Ngớ ngẩn quanh năm là Ban Tư Tưởng Ăn nằm vất vưởng là cụ dân oan Suốt ngày khóc than là bà mất đất Ngai vàng ngây ngất, Tổng Mạnh về hưu Vẽ vượn, bày hươu “Hội đồng lú lẫn” Dân nghèo mạt kiếp, nhờ đảng tiên phong Suốt ngày long nhong, làm thuê các nước... Chỉ một mơ ước, đủ ăn hàng ngày Cho hết kiếp này, cuộc đời ông chủ. Tuy bài đồng dao trên xuất hiện ở Hà Nội nhưng phong cách lại giống mấy bài “hát lô tô” rất quen thuộc với người miền Nam. Trong Nam vẫn có lối đặt vè, như: Nghe vẻ nghe ve - Nghe vè Quản Rớt, Mặt tuồng ăn ớt - Làm bộ hơi lanh, Nghe hơi tiêu hành - Lò mò đi tới. Làm tuồng khách quới - Mà chẳng ai ưa, Uống rượu say sưa - Tiền không nhứt điếu. Bây giờ mới hiểu - Là đứa bãi buôi, Làm chức lôi thôi - Là Hương Quản Rớt. Những câu vè này để lại cái tên “Quản Rớt” cho đời sau biết đến, cũng như bài “đồng dao” mới ở Hà Nội sẽ lưu truyền những tên tuổi “bãi buôi” mới như (Nguyễn) Tấn Dũng, Trọng Lú (Nguyễn Phú Trọng), “Như người khác cõi, là lão Tấn Sang,” rồi tới Tổng Mạnh (Nông Ðức Mạnh), Hùng hói (Nguyễn Sinh Hùng) Phùng Quang Thanh, phó chủ tịch thành phố Nguyễn Quốc Hùng, cùng toàn thể cái Hội đồng lú lẫn (Hội đồng lý luận) chuyên nói hươu nói vượn! Trào phúng là cách người yếu thế tấn công bọn cường quyền. Vì ngôn ngữ là vũ khí duy nhất trong tay dân đen, đứng trước dùi cui và còng số 8. Trong câu nói hàng ngày, người dân đặt ra bao nhiều từ ngữ mới, cách nói mới, tất cả đều là phản ứng chống lại những lời lẽ văn hoa, đao to búa lớn, trịnh trọng, hùng hồn tràn ngập các bài diễn văn, nghị quyết, cương lĩnh của bọn cầm quyền. Những cách nói năng dùng “ngôn ngữ bất hợp pháp,” đặc biệt khi giới trẻ nói với nhau, chủ ý phá phách cả những quy tắc văn phạm, “xé rào” các tiêu chuẩn từ vựng, cho thấy thái độ đối nghịch và phản kháng của người dân trước “ngôn ngữ quan quyền.” Chúng ta có thể làm bảng “từ vựng phản kháng” của những tù nhân cải tạo trong Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, của giới giang hồ trong tiểu thuyết Xe Lên Xe Xuống của Nguyễn Bình Phương, để nghiên cứu “ngôn ngữ phản kháng” trong thời đại họ viết. Dân chúng chán ngấy thứ “văn đóng hộp” trên các tờ “báo đảng” vẫn mô phỏng “văn báo cáo” của công an hoặc các “văn chỉ đạo” của Ban Văn Hóa Tư Tưởng. Chế độ độc tài nào cũng có cái vẻ mặt “nghiêm nghị của các con thú.” Người Ðức dùng thành ngữ “tierischer Ernst” bởi vì họ thấy các loài vật đều có vẻ mặt nghiêm trọng, lúc nào chúng “nghiêm và buồn,” không cười bao giờ cả! Những bài vè chế nhạo băng đảng cầm quyền cho thấy dân khí đã lên cao, người ta không còn sợ hãi nữa. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Mấy chữ “Lạy giặc làm anh” gợi lại tên bài phú “Lạy đá làm anh” của Phan Bội Châu (Bái thạch vi huynh). Ðầu thế kỷ 20, cụ Phan đã nhận xét trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư: “Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ.” Cụ nêu lên các triệu chứng của tình trạng dân khí thấp: “Quen thói sợ hãi; thiếu hiểu biết.” Hai triệu chứng này, hiện giờ đã “thuyên giảm.” Khi thấy cả ngàn gốc cây bị “tàn sát man rợ,” người Hà Nội biết môi trường sống bị phá hoại, một trình độ hiểu biết cao hơn trước. Chấn Dân Khí tức là làm sao con người Việt Nam không hèn nhát, không ỷ lại, không ích kỷ, không sợ cường quyền. Người ta dám đi biểu tình, dám lên tiếng phản đối, tức là bệnh sợ hãi đã nhẹ bớt. Cho nên bài đồng dao còn tố cáo: Tàn sát man rợ: chủ trương cấp trên Kiểm điểm liên miên là thằng cấp dưới Tiền bỏ đầy túi là các quan to Chịu trận ốm o, mấy anh tẹp nhẹp Phan Bội Châu cũng mô tả dân khí thấp kém vào 100 năm trước: “...người dưới làm điều đê tiện mà không biết hổ, chịu sự ô nhục mà không biết thẹn; người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân.” Một cách cụ thể hơn: “Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét; thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như Thục khuyển phệ Nhật, Việt khuyển phệ tuyết.” (Chó nước Thục sủa mặt trời, chó nước Việt sủa tuyết). Làm sao để chấn hưng dân khí? Cụ Phan nêu lên hai việc phải làm. Một: “Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ.” Hai: “(Quan lại) Phải bớt lệnh áp bức để cổ võ chí khí cương cường.” Phan Bội Châu coi chống tham nhũng, hối lộ là phương tiện. Liêm sỉ mới là cứu cánh. Phải chấm dứt nạn tham nhũng hối lộ, thì mới tập cho người dân Việt biết thế nào là liêm sỉ. “Tuyệt đường hối lộ,” và “Bớt lệnh áp bức” là hai phương thuốc để phục hồi khí phách dân Việt! Việc thứ nhất là phần người dân. Việc thứ hai là phần quan lại. Việc thứ hai khó hơn. Một chế độ do súng đẻ ra, tồn tại nhờ còng số 8, rất khó “bớt lệnh áp bức!” Người Việt đã biết đây là một chế độ “Hèn với giặc, ác với dân,” cho nên không thể ngồi đó chờ họ “bớt lệnh áp bức!” Nhưng dân Việt Nam có thể “phản kháng bất bạo động” bằng cách từ chối mọi đòi hỏi hối lộ, bắt đầu bằng dưới lên. Từ chối không hối lộ trong cuộc sống hàng ngày, thà mất thời giờ cái lý, cãi luật chứ không chịu nhục nhã! Muốn cổ động được một phong trào như vậy, trước hết người ta phải nhìn ra rằng hối lộ không phải chỉ là một “chi phí” được tính bằng tiền. Hối lộ là một mối nhục. Chấp nhận phải hối lộ là một thái độ hèn hạ, nhục nhã. Ðưa tiền hối lộ là một hành động hèn hạ, nhục nhã. Không hối lộ mới là người có liêm sỉ. Hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đều coi việc chấn dân khí là quan trọng nhất trong công cuộc phục hồi phẩm giá và danh dự cho dân tộc Việt Nam. Một trăm năm sau, điều này vẫn đúng. Phan Bội Châu viết Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư ở Huế, mượn tên đảo Lưu Cầu, Riu Kiu, vì số phận dân họ cũng giống dân Việt Nam thời đó. Lưu Cầu vốn là một vương quốc độc lập, không giống dân Nhật. Quốc gia này bị Nhật Bản chiếm nhiều lần và bị nhập vào từ năm 1879, đổi tên thành quần đảo Xung Thằng (Okinawa), họ mất nước từ đó tới nay. Người Việt Nam rất xấu hổ trước mối nhục mất nước, nhưng bây giờ còn phải biết cảm thấy nhục nhã khi phải cúi đầu dưới một chế độ tham nhũng khinh dân, nước vẫn còn mà như đã mất rồi! Theo nguoi-viet.com
......

Độc tài ngoại lệ

Tháng trước, nhà độc tài của thành phố một triệu dân Đà Nẵng qua đời. Tháng này, đến lượt nhà độc tài của thành phố năm triệu dân Singapore. Cả hai để lại nhiều thương tiếc. Độc tài, nhưng mà tốt. Độc tài ngoại lệ. Thương hiệu "độc tài sáng suốt" ngày càng có giá. Không chỉ ở các nước Đông Á. Ở châu Âu tự do, nhu cầu thanh lý nền dân chủ loạn chức năng để mua gấp một nhà độc tài hiệu quả cũng đang nhen nhóm. Nguyễn Bá Thanh. NGUỒN: DANANGPLUS.NET Họ được gọi là những nhà độc tài anh minh, dám nghĩ dám làm, giàu năng lực, đầy viễn kiến. Thậm chí là những nhà độc tài vì dân. Đã thế họ còn là những cá nhân hấp dẫn. Sức mê hoặc của ông Lý Quang Diệu hạ gục không chỉ người Singapore, mà cả giới tinh hoa kinh tế, chính trị và truyền thông toàn thế giới. Lãnh tụ các nước cũng độc tài tự hào được gọi ông là thầy đã đành, song lãnh tụ các nước dân chủ cũng hãnh diện được gọi ông là bạn, người nào có chút băn khoăn cho lập trường dân chủ thiếu vững vàng của mình thì gọi ông là một nhà "độc tài khai sáng". Thế là tất cả đều ổn. Tất cả đều mê man trong cái charisma vô đối của ông, "người khổng lồ của lịch sử", "thiên tài chính trị", "nhà chiến lược kiệt xuất", vừa là "chúa tể các giá trị châu Á" vừa là "đại diện đặc sắc nhất của Anh quốc ở phương Đông"... Ông Nguyễn Bá Thanh không được chơi ở cúp ngoại hạng quốc tế đó, kiểu tóc vuốt từ mai trái qua mai phải rồi lại dồn tất cả ra sau gáy của ông đã nói rõ. Ngay ở trong nước, ông cũng không có cơ hội được thăng làm vĩ nhân. Trong thế giới cộng sản, "vĩ nhân" là danh hiệu chỉ cấp một lần, cho một nhân vật nhất định, và ở Việt Nam đó là Hồ Chủ tịch, không có cạnh tranh. Ông Thanh là một sự pha trộn lạ lùng của gian hùng và bộc trực, của một tay lâm biền hảo hớn và một chính ủy. Nghe ông diễn thuyết ta có thể cười ngất vì kiến thức của một chủ nhiệm hợp tác xã xốc vác được một ông vua tỉnh lẻ phát ngôn mạnh bạo. Nhưng dù không có hào quang của những Cha già dân tộc như Lý Quang Diệu và Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng lại có vẻ một Bố già kiểu Tony Soprano, nhưng so với các gương mặt còn lại ở cùng đẳng cấp, ông vẫn là một nhân vật gây cảm xúc. Thật khó cho những người ghét và chống độc tài, trong đó có tôi, khi cái Ác chẳng những làm được khá nhiều việc tốt mà trông lại ấn tượng, còn cái Thiện phần lớn có vẻ vô vị. Đã từ lâu chúng ta đối diện với hiện tượng The Banality of Good. Nhiều điều ông Lý chủ trương cho Singapore, nhìn bề ngoài không khác mấy thực tiễn chính trị ở Việt Nam, dù ông là một người chống cộng không khoan nhượng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn nổi tiếng với Fareed Zakaria cho tạp chí Foreign Affairs năm 1994 ông cho biết, phần lớn các giá trị của nền dân chủ Mỹ hiện nay thì ông không thích thú lắm, nhưng ông luôn ngưỡng mộ nước Mỹ ở tinh thần quyết liệt chống hệ thống cộng sản; những trò gắn liền với các chính quyền cộng sản như khủng bố và giấu diếm trong bóng tối thì ông không bao giờ sờ vào. Song những người bất đồng chính kiến và đặc biệt các phần tử bị coi là cộng sản hoặc lãnh tụ công đoàn ở Singapore những thập niên trước cũng tàn đời trong ngục hàng chục năm trời không có án, như Chia Thye Poh: 23 năm, Lim Hock Siew: 19 năm 6 tháng, Said Zahari: 17 năm trong nhà tù Chương Nghi. Còn ngày nay, đối lập chính trị ở Singapore không bị cảnh sát xách nhiễu vô lối, không bị côn đồ hành hung giấu tay, không bị mật vụ trâng tráo theo dõi, chỉ bị đẩy vào chân tường của sạt nghiệp qua những vụ kiện dân sự hoàn toàn danh chính ngôn thuận mà ông Lý và Đảng Nhân dân Hành động (PAP) của ông trăm vụ trăm thắng. PAP không đơn thuần là một tổ chức chính trị của một bộ phận dân chúng, mà là một thiết chế quốc gia, đại diện cho dân tộc. Phê phán PAP đồng nghĩa với phê phán Singapore và chống chế độ, không khác gì cái đại tự sự của Đảng Cộng sản Việt Nam. Singapore cũng nằm gọn trong tay một gia đình, một tập đoàn, không khác cha truyền con nối ở Bắc Triều Tiên, anh truyền em nối ở Cuba và những vương triều quý tộc đỏ ở Trung Quốc và Việt Nam. Ông Lý cũng không cần tham khảo ý kiến của nhân dân. Phát ngôn của ông, "nếu được tuyệt đối toàn quyền ở Singapore mà không phải hỏi dân chúng rằng họ có hài lòng không thì không có gì phải hoài nghi, tôi tin chắc rằng mình sẽ điều hành hiệu quả cho chính quyền lợi của họ hơn nhiều", đã trở thành một trong những lời bất hủ, thường xuyên được chính những người tin hoặc tưởng mình tin vào thể chế dân chủ vừa khoái trá trích dẫn vừa lè lưỡi lắc đầu. Nhà cầm quyền ở Việt Nam cũng tin chắc ở sự sáng suốt của mình như thế. Cũng như Việt Nam, chính quyền Singapore phản đối mọi sự thật khác ngoài sự thật chính thống. Năm 2006, ông Tạ Quốc Trung (Andy Xie), trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, một chuyên gia xuất sắc từng được Bloomberg xếp vào danh sách 50 nhân vật giàu ảnh hưởng nhất trong giới tài chính quốc tế, cảnh báo trong một email nội bộ rằng phương Tây đã đánh giá quá cao Singapore, thực ra thành công của nước này chủ yếu nhờ vai trò làm trung tâm rửa tiền cho các doanh nghiệp và quan chức tham nhũng của Indonesia, các casino đang xây ở đây cũng nhằm hút tiền bẩn từ Trung Quốc. Bức thư bị rò rỉ. Ông Tạ lập tức bị Morgan Stanley đuổi việc, theo yêu cầu của chính quyền Singapore. Lý Quang Diệu (1923-2015) photo Cũng như Việt Nam, công đoàn ở Singapore nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền, mà chính quyền là Đảng PAP và Đảng PAP là chính quyền như ông Lý công khai tuyên bố ("I make no apologies that the PAP is the government and the government is the PAP"), liên tục từ 56 năm nay, điều quá đương nhiên, ông không thấy có gì để xin lỗi. Cuộc đình công duy nhất, rất nhỏ, và tất nhiên bất hợp pháp, trong vòng 30 năm gần đây ở Singapore diễn ra năm 2012. Những kẻ cầm đầu đều bị nghiêm trị.   Cũng như Việt Nam, Singapore luôn nằm ở cuối bảng xếp hạng tự do báo chí. Trong đánh giá mới nhất, ra ngày 12/2/2015, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Singapore đứng ở vị trí 153/180, sau cả Nga, Thổ, thua xa Miến Điện, Campuchia, chỉ nhỉnh hơn hai nước duy nhất trong khu vực là Lào và Việt Nam, và xu hướng là ngày càng tụt hạng. Danh sách những nhà báo và blogger bị chính quyền Singapore gây áp lực hay truy tố, các thông tin và tác phẩm nghệ thuật bị ngăn cấm hay kiểm duyệt cũng chỉ ngắn hơn danh sách ở Việt Nam chút ít và vừa được bổ sung bằng Amos Yee, cậu bé 16 tuổi bị bắt và truy tố vì đoạn video 8 phút đăng trên YouTube nhan đề "Lee Kuan Yew is Finally Dead", cuối cùng thì Lý Quang Diệu đã chết. Nhà nước bảo mẫu do ông Lý dựng nên thấy mình có bổn phận đánh đòn đứa con hư này. Tất cả những tương đồng ấy có vẻ gây cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam và không riêng gì họ: một bộ phận đáng kể trong giới tinh hoa Việt Nam không buồn giấu khao khát được một bàn tay sắt và những biện pháp thực sự cứng rắn cai trị. Tất nhiên kẻ bị trị là lũ dân đen vô học, lười biếng, loạn tặc, mọi rợ, đần độn, vừa ngu vừa bướng. Lũ vịt. Lũ lừa. Người ta tiếc thương ông Nguyễn Bá Thanh, người đã biến Đà Nẵng thành Singapore của Việt Nam. Song chuyên chính tư bản Singapore và chuyên chính hậu cộng sản Việt Nam chỉ chung nhau ở bề ngoài độc tài, sự khác nhau bên trong lớn chính xác bằng khoảng cách dường như vô tận giữa Brave New World, tân thế giới mỹ lệ Singapore đã hoàn thành và chân dung còn muôn phần nhếch nhác của một Việt Nam đang chuyển đổi. Ít nhất ba điểm sau đây khiến cuộc chạy theo mô hình Singapore ở Việt Nam không thể đến đích mà chỉ để lại rất nhiều tai nạn dọc đường: Thứ nhất, dù thiếu dân chủ, nhưng nền độc tài mềm của Singapore vẫn có những tự do tối thiểu vượt xa khả năng chịu đựng của nhà cầm quyền Việt Nam: đa đảng, cạnh tranh chính trị và tự do bầu cử. Thứ hai, nền pháp trị, rule of law, thành tựu then chốt của thể chế dân chủ, ở Singapore tuy có phần bị lạm dụng để bảo vệ địa vị chính trị của đảng cầm quyền, song trước hết nó được sử dụng thành công để duy trì một bộ máy công quyền trong sạch và hiệu quả, điều hoàn toàn xa lạ với nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thứ ba, chế độ meritocracy, nền tinh anh trị của Singapore, đặt cược tất cả vào một nhóm nhỏ các chuyên gia đỉnh cao và các nhà kỹ trị hảo hạng, những Alpha Plus mà năng lực thuộc hàng đầu thế giới. Ông Lý Quang Diệu từng phát biểu, nếu 300 nhà quản trị trụ cột của Singapore cùng rơi trong một chiếc Jumbo Jet thì quốc đảo này sụp đổ. Việt Nam không sợ một kịch bản như thế. Kho dự trữ cho sự tầm thường ở đây còn rất đầy. PTHhttp://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/c-tai-ngoi-l.html
......

Thông Cáo Chung Việt – Trung

Trước khi rời Bắc Kinh để tiếp tục chuyến viếng thăm tại Tỉnh Vân Nam, ông Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình đã cho phổ biến bản Thông Cáo Chung giữa CSVN và Trung Cộng. Thông Cáo Chung lần này khá dài, nêu lên 9 vấn đề hay nói đúng hơn là 9 đúc kết các diễn tiến cuộc thăm viếng, những quan điểm, nhận định về tình hình chung và những cam kết của hai phía xuyên qua những cuộc gặp gỡ, trao đổi. Trong 9 vấn đề nêu ra trong Thông Cáo Chung có 3 vấn đề được coi là cốt lõi: Thứ nhất là hai bên nhấn mạnh tiếp tục kiên trì thực hiện tốt cái mà hai phía đã ít nhắc đến trong thời gian qua kể từ sau vụ giàn khoan HD 981 xảy ra là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Hai phía đã đồng ý hợp tác: 1/gắn bó hơn giữa hai đảng; 2/thường xuyên tổ chức giao lưu mọi cấp; 3/thúc đẩy hợp tác kinh tế bao gồm nghiên cứu chung về tiền tệ; 4/tăng cường quan hệ quốc phòng, ngoại giao, công an… 5/Mở rộng giao lưu văn học, văn hóa.. Thứ hai là hai bên trao đổi ý kiến về vấn đề trên biển và tiếp tục tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký hồi tháng 8/2011 sau khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Hai phía cam kết kiểm soát bất đồng trên biển và không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung (sic). Thứ ba là hai bên đã ký ‘Kế hoạch hợp tác giữa đảng CSVN và đảng CS Trung Quốc giai đoạn 2016-2020” cũng như hàng loạt các hiệp định về dẫn độ, thăm dò dầu khí vân, vân. Qua các văn kiện ký kết dưới sự chứng kiến của Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng trong chuyến viếng thăm lần nầy, CSVN đã mang về cho chính mình một vòng kim cô mới đó là kế hoạch hợp tác giữa hai đảng trong 4 năm (2016-2020). Nói cách khác là ông Trọng đã tiếp tục triển hạn chỗ dựa an toàn cho Bộ chính trị CSVN đến năm 2020. Đây là thời điểm nhạy cảm nhất sau khi Hà Nội tổ chức xong đại hội đảng XIII vào tháng 1/2016. Nói tóm lại, đa số những điều viết ra trong Thông Cáo Chung cho thấy là phe “bám Trung’ thắng thế. Tức là Bắc Kinh tiếp tục kiểm soát Hà Nội xuyên qua những xảo thuật ký kết các văn kiện hợp tác trên mọi lãnh vực. Lý Thái Hùng 9/4/2015https://www.facebook.com/lythaihung52?fref=nf
......

Quan Hệ Việt-Trung: Thế nào là "Thực chất, Lành mạnh, Ổn định và Bền vững"?

Báo chí đăng lại tin do TTXViệt Nam phát về chuyến đi Trung quốc của TBT Nguyễn Phú Trọng có tít: Việt-Trung: phát triển thực chất, lành mạnh, ổn định và bền vững. Đây là chuyến thăm chính thức, nhưng không có tuyên bố chung, mỗi bên đưa tin theo cách của mình.Thông tấn xã đã đưa tin, thì coi như là thông cáo báo chí. Coi như thôi, thật ra thì không phải. Đây là cách làm việc của đoàn đại diện coi là cấp cao của đất nước,mà lại chẳng chính quy chút nào. Đúng ra phải có một thông cáo báo chí chính quy, mới hợp thức, hoặc là của văn phòng TW đảng, hoặc là của trưởng ban đối ngoại có tháp tùng trong đoàn. Thôi thì cứ biết vậy. Căn cứ vào bản tin, để mà nhận định vậy. 1. Trước hết nói về lễ đón. Tôi dã từng tiên đoán, chuyến này họ Tập sẽ đón họ Nguyễn với nghi thức rất trang trọng. TTX đưa tin “theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia”.  Xem hình ảnh quả nhiên là thế. Đánh bóng vị thế của ông Trọng, Tàu nhất định phải làm thế. Nhất là vì đây là khúc dạo đầu cho chuyến đi Mỹ của Ồng Trọng! Nhưng phải bình luận,Tàu và Việt (cộng) đều coi khinh pháp quyền. Nếu có pháp quyền cho đúng nghĩa, thì ông Trọng không phải là nguyên thủ quốc gia! Viêt Nam chưa có một đạo luật nào quy định cho rõ cho chính quy và chính xác cái tư cách pháp nhân về chức năng nhà nước của những người “lãnh đạo đảng CSViệt Nam”. Thậm chí nhiều nhà luật học còn cho rằng cả một cái đăng ký hoạt động cho nó có vẻ văn minh cũng không thấy. Thế là chính Tàu cũng không học thuộc những tư duy chính danh của cha ông họ có từ ngan đời. (Hãy tìm đọc tư duy chính danh của Lã Thị Xuân Thu.) Có thể coi đây là kết quả hiện thực của chuyến đi: hình thức. Tàu họ muốn bắn tin cho Mỹ rằng chúng tôi đã đón ông Trọng rất long trọng. Tôi khuyên Mỹ, nếu họ bắt chước Tàu cũng làm quá lố thì đó là sự sĩ nhục dân Việt, chẳng hay ho gì. 2. Báo chí đưa tin: Hợp tác hữu nghị, phát triển tích cực vẫn là dòng chính. Báo chí ta quen thói nói zậy nhung không phải zậy, quen nói dối không đúng sự thật. Thật sự là Việt Trung có quan hệ rất nhiều mặt, nhưng có phải hữu nghị và tích cực là dòng chính hay không phải căn cứ trên những hành động đã diễn ra. Biển Đông của chúng ta họ đang lấn chiếm, ngang ngược, ngay cả ngư dân ta họ còn dùng thủ đoạn hải tặc để cướp bóc, các đảo của Việt Nam họ còn trắng trợn cướp trên tay của mình, lại đang làm biến dạng hiện trạng xây dựng trái phép thành những đảo nổi, làm căn cứ quân sự! Trong những hợp tác kinh tế có nhiều điều rất tiêu cực, bất lợi cho Việt Nam. Hữu nghị cái nỗi gì? Nếu có cái gọi là hữu nghị thì đó là sự mua chuộc những quan chức Việt Nam cam làm tay sai cho họ. Thậm chí khi Thành ủy Đà Nẵng làm kỷ niêm 40 năm mất Hoàng Sa họ còn chỉ thị “phải cấm huy động 1974 thanh niên cầm 1974 ngọn nến xếp thành bản đồ Việt Nam để tưởng niệm.” Bản tin còn nói rõ:  Hai TBT cho rằng lĩnh vực hợp tác “chưa đi vào thực chất”, “trở ngại lớn nhất chính là sự tin cậy chính trị chưa cao .. chủ yếu là do bất đồng trong cách ứng xử, giải quyết vấn đề trên biển đông…” Để đi vào thực chất chỉ có hai cách. Một là Việt Nam tiếp tục lệ thuộc, im hơi lặng tiếng công nhận lời tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Trung Hoa rằng biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là của họ, họ đang xây dựng trên đất đai lãnh thổ của mình, cái nhận thực tế chiếm đóng ấy. Hai là,nếu không dàn xếp được với nhau, thì đưa ra tòa án quốc tế để luật pháp và đạo lý phân xử, và cái gì của Cesar phải trả lại cho Cesar. Trung Quốc phải trả lại cho Việt Nam Hoàng Sa đã đánh chiếm năm 1974, Gạc Ma và những bãi đá đánh chiếm năm 1988 cho Việt Nam. Sau đó nều cần thì thương thảo để sử dụng một cách hòa bình, thân thiện… Nói tin cậy chính trị chưa cao thì cũng có hai cách. Một là tin cậy vào chính sách bá quyền nước lớn, mà thực tế là đang ăn hiếp nhũng nước nhỏ, như nhận xét của dư luận khách  quan và chính trực của quốc tế. Hai là phải khẳng định cái chính nghĩa chủ quyền và độc lập dân tộc của Việt Nam, trong đó yếu tố chính trị cao của Trung Quốc là thái độ trách nhiêm nước lớn của Trung Quốc trong thời đại mới. Trung Quốc phải tự nguyện vượt lên cái thói xấu mà cố học giả Trần Huy Liệu từng nhận định “họ đại quốc mà tiểu nhân”  3. Về ba nhận thức chung. Đúng là rất chung chung. Nếu chỉ là nhận thức như thế thì chỉ có lợi cho bên vừa lắm của, vừa xảo quyệt.  Dân tộc ta chẳng có lợi gì. Nếu có lợi chẳng qua chỉ cho nhóm quan chức được “tăng cường hơn nữa các chuyến thăm giữa lãnh đạo hai đảng…” để ăn chơi nhảy múa mà thôi. Còn “tổ chức tốt các hội thảo lý luận và kế hoạch đào tạo cán bộ…” thì hỏi ai đào tạo ai, mà Trung Quốc đã đào tạo cán bộ cho Việt Nam tích cực, tiêu cực thế nào ai cũng biết. Tóm lại là nhũng nhận thức chung vô bổ, có hại cho Việt Nam hơn là có lợi. 4. Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Người ta nhắc lại những thỏa thuận cũ rất tiêu cực cho Việt Nam, thêm hai cái nguy rất lớn. Đó là “Tích cực nghiên cứu giải pháp quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên,” và “hợp tác cùng phát triển”. Đây là hai luận điểm, hai chủ trương gian trá và nguy hiểm của phía Trung Quốc đưa ra từ lâu và ai cũng thấy sẽ rất bất lợi cho Việt Nam. Điều kỳ quặc là ông Trọng vẫn coi đó là nhận thức chung. Nếu đây là nhận thức của ông Trọng một người xưng mình là đại diện của dân tộc thì những nhận thức chung này phải cho điểm zêrô. Với vấn đề chủ quyền biển đảo của đất nước sao lại có thể nhận thức chung chung như vậy! Công nhận “không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên” thì quả  “con quạ Trọng” đã quá ngây thơ. Đấy là luận điệu của con cáo vì chủ trương của nó là để êm cho nó ngoạm Hoàng Sa và Trường Sa. Sao lại có thể tôn trọng lập trường và chủ trương ăn cướp được! Bản tin nêu hai TBT chứng kiến việc ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đáng, chính phủ và các bộ ngành… Nếu hai đảng bí mật với nhau thì có thể mặc kệ nó. Nhưng hai chính phủ thì nó là gì nhất thiết phải công báo cho quốc dân rõ. Chính phủ phải trả lời cho dư luận rõ, bằng không, chính phủ có tội với Dân-Nước. Anh Tấn Dũng nghĩ như thế nào? Theo tôi một Chính phủ của Dân tộc văn minh thì phải lệnh cho lãnh đạo đảng Cộng SảnViệt Nam phải công khai thông báo nội dung chuyến đi và những gì hai bên đã thỏa thuận, không được làm cách viết một bản tin là xong. 5.- Nhân chuyến đi cua TBT Nguyễn Phú Trọng lại có cả một đoàn thanh niên cùng sang Tàu ăn chơi nhảy múa. Bên Tàu họ giàu có, họ có lấy chút ngân sách chi cho liên hoan thanh niên hai nước không sao, họ cần tuyên truyền mua chuộc. Còn ta đang nghèo, đến nỗi cùng lúc thanh niên sang Tàu nhảy múa thì bà con cô bác nghèo sống gầm cầu Long Biên, bên ngoài bãi sông đói rách, khốn khó lại không có ngân sách để giúp đỡ! Đoàn Thanh niên vẫn chỉ là cánh tay của đảng, chưa phải là “đầu óc của dân tộc”! Liệu họ có dám tranh luận và tuyên truyền cho thanh niên Trung Quốc những vấn nạn của thời đại, những sai lầm và tội lỗi của nhà cầm quyền Trung Quốc đang đối xử với Việt Nam hay không? Thanh niên phải lớn lên. Phải tự cường, phải dũng khí, phải từ bỏ con đường mòn lầm lỗi để làm cho quan hệ Việt Trung thật sự thực chất, lành mạnh, văn minh và bình đẳng./. Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/NKhacMai_QuanHeVietTrung.htm
......

Ms. Nguyễn Mạnh Hùng lại bị côn đồ hành hung

Lúc 14 giờ chiều nay, ngày 02/04/2015 nhiều kẻ côn đồ được bảo kê dùng hung khí tấn công ông bà mục sư Nguyễn Mạnh Hùng tại số 147/22, khu phố Tân Lập, phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sự việc diễn biến như sau: Tôi đang ngồi ăn cơm thì đột nhiên thấy một tốp côn đồ 7 tên đi bằng 3 xe gắn máy tới sân la hét: “thằng Hùng đâu! Thằng Hùng đâu!...”. Ngay tức thì chúng xông vào nhà buộc tôi phải cho chúng thuê nhà. Tôi hỏi chúng: “các em là ai?”. Chúng trả lời: “chúng tôi là công nhân”. Tôi đáp: “các em thông cảm, ở đây chỉ cho sinh viên thuê thôi để bảo đảm yên tĩnh cho sinh viên học tập. Nếu các em là công nhân thì qua mấy nhà gần đây họ có cho công nhân thuê đó. Ngay phía sau nhà này cũng có căn nhà mới cất cho công nhân thuê”. Tôi vừa dứt lời thì một tên (có vẻ là chỉ huy tốp này) nhào tới trước mặt tôi cầm cái ấm nấu nước sôi bằng inok rất to (loại ấm 5 lít) trong tư thế chuẩn bị đập vào mặt tôi quát lên: “ông bà phải đuổi hết những người đang ở đây đi cho chúng tôi thuê”. Tôi vẫn ngồi yên bình tĩnh trả lời: “tôi không thể đuổi sinh viên đi cho mấy em thuê được”. Trước thái độ bình thản của tôi, tên này quơ qua quơ lại trước mặt tôi 2 lần, sau đó đập đánh rầm xuống mặt bàn. Kế tiếp, tên phía sau bước lên tát vào mặt tôi thật mạnh, khóe miệng tôi trào máu ra. Tôi cảm giác thấy nhồn nhột nơi khóe miệng, đưa tay len chùi thì thấy máu, tôi bình thản lấy khăn lau bàn chùi máu ở miệng và tiếp tục ngồi yên tại chỗ. Nhân lúc lộn xộn, vợ tôi chạy thoát ra ngoài gọi điện thoại cho công an khu vực thì anh này nói đang bận họp trên thị xã. Vợ tôi gọi tiếp cho nhân viên an ninh tỉnh Bình Dương (người phụ trách nhóm an ninh thường xuyên canh giữ trước cửa nhà tôi mỗi khi có sự kiện nhạy cảm) thì nhân viên này nói đang học ở trên tỉnh. Tới nhà báo trực tiếp cho tổ trưởng an ninh khu phố cách nhà tôi hơn 100m thì ông này  trả lời thấy dân phòng tới rồi và tiếp tục ở nhà không tới can thiệp dù nhà ông rất gần nhà tôi, trong khi đó không thấy bóng dáng người dân phòng nào và bọn chúng vẫn tiếp tục đập phá. Vì lo sợ cho tính mạng tôi, vợ tôi phải liều mạng trở về nhà. Vừa nhì thấy vợ tôi trở lại, tên tát tôi quay qua vợ tôi giơ cái ghế gỗ định đập vào đầu vợ tôi, vợ tôi la làng kêu hàng xóm tới cứu. Tôi nói vợ tôi không cần kêu, nếu nó muốn đập chết thì cứ để chúng nó đập. Sau đó vợ tôi ngồi yên thì tên này đập cái ghế gỗ xuống đất làm gãy ghế. Chúng lại lượm cái đục tường bằng thép cũ đường kính 4cm, dài 30cm đã sử dụng nhiều bị tà đầu tới chổ tôi hỏi: “ông có tin tôi đập nát đầu ông ra không?”. Tôi điềm tĩnh trả lời: “nếu mày thích thì cứ đập”. Hắn tức tối gầm lên và quay qua đập nát cái tivi đang mở nghe ầm một tiếng lớn như mìn nổ. Sau đó chúng đập nát 2 hồ cá kiểng, đi lục lọi khắp nhà, tất cả những thứ gì có thể đập phá được chúng đập phá tan nát hết. Cuối cùng chúng quay lại gặp tôi và nói: “ông còn 1 thằng con trai phải không?”. Tôi không trả lời, chúng nói tiếp: “ngay từ bây giờ, ông phải đuổi tất cả những người ở trong nhà này đi, nếu ngày mai ông không đuổi hết đi tôi sẽ giết ông bà và cắt đầu con trai ông, tôi biết chỗ con trai ông làm ở đâu rồi”. Sau đó tên cầm đầu ra lệnh cho cả bọn rút quân. Trước tình trạng trên, một số hộ dân xung quanh gọi điện thoại yêu cầu công an và khu phố tới ứng cứu vãn hồi trật tự nhưng đều nhận được trả lời tất cả đều đang bận công tác xa. Tuy nhiên, điều thật bất ngờ là khi tên cuối cùng vừa rút đi chưa tới 1 phút thì có 1 tốp dân phòng cũng vừa tới, khoảng gần 1 phút sau chỉ có một mình anh công an khu vực cũng tới ghi nhận hiện trường và đề nghị tôi làm tường trình ngày mai lên báo cho công an phường. Cũng ngay lúc này, Ngài Viên chức Ngoại giao Hoa Kỳ cũng hay tin và cho thông dịch viên gọi điện vấn an tôi trước mặt anh công an khu vực cùng khoảng 10 người mặc đồ dân phòng và 1 người mặc áo thun màu đỏ xâm trổ đầy 2 tay. Khi anh thông dịch hỏi tôi: “Viên chức hỏi mục sư có nghĩ tới nguyên nhân nào mà tấn công không?”. Tôi trả lời: “trong thời gian khoảng hơn 10 ngày nay, kể từ khi có một số tín đồ Tin lành về đây, vì nghèo không có tiền thuê nhà xin tôi cho tá túc ở nhờ để kiếm việc làm và thuận tiện trong việc thờ phượng Chúa thì tôi liên tục bị hăm dọa sẽ phá tan nhà tôi như đã phá nhà mục sư Hồng Quang tại Bến Cát, Bình Dương”. Ngay lập tức tên mặc áo thun đỏ xâm trổ đầy 2 tay nói lớn: “chắc là thiếu nợ tiền xã hội đen nên nó tới đập phá đó”. Sau khi nghe tôi trả lời phỏng vấn xong thì họ gọi nhau để lại một mình anh công an khu vực ở lại lập biên bản ghi nhận sự việc còn tất cả ra về và họ rút quân về. Qua sự việc trên tôi khẳng định vụ hành hung này đã được chỉ đạo và sắp đặt của chính những người được coi là bảo vệ an ninh cho dân bởi các lý do sau: 1. Giữa tôi và những người này hoàn toàn không quen biết nhau và chưa hề gặp mặt nhau. Trong khi xung quanh đây còn một số phòng trọ cho công nhân thuê nhưng họ không thuê mà buộc tôi phải đuổi những sinh viên đại học ở đây đi để cho họ thuê. Không thể chỉ vì lý do tôi không cho họ thuê nhà mà họ đập phá tan nát đồ đạc nhà tôi và hăm dọa nếu tôi không đuổi hết sinh viên đi thì họ sẽ giết cả nhà tôi. 2. Tôi kinh doanh nhà trọ cho sinh viên thuê có đăng ký và đã được cấp giấy phép kinh doanh, đóng thuế môn bài và thuế kinh doanh đầy đủ. Ngoài ra hàng năm vẫn đóng đầy đủ tiền bảo đảm an ninh và các loại phí cho dân phòng phường là 300.000đ/1 năm. Khi bị côn đồ hành hung giữa ban ngày, cầu cứu công an phường, khu phố và dân phòng tới vãn hồi trật tự thì tất cả đều thoái thác viện lý do đang ở xa. Tuy nhiên khi bọn côn đồ vừa rút đi thì gần như ngay lập tức công an và dân phòng đã có mặt. Sự việc trên tương tự như đã xảy ra đã đập phá hội thánh tại Bến Cát, Bình Dương. 3. Trong số người mặc đồ dân phòng, có 1 tên mặc áo thun đỏ khi nghe tôi thông báo với Viên chức Ngoại giao Hoa Kỳ lý do côn đồ đập phá nhà tôi vì tôi không cho chúng thuê phòng thì tên áo đỏ nói to: “chắc nợ nần gì xã hội đen nên chúng đến đòi nợ”. Sự việc này cũng tương tự như đã xảy ra tại hội thánh tại Bến Cát, Bình Dương. 4. Một điểm đặc biệt nữa là trong số những tên côn đồ tới đây đập phá, có người nhận diện ra trong số này có mấy tên đã tham gia đập phá tại Bến Cát. Đặc biệt là chiếc xe Wave màu trắng biển số 94FC-2279 là chiếc xe biển số vùng Cà Mau – Bạc Liêu cũng đã từng tham gia đập phá tại hội thánh Bến Cát, Bình Dương. 5. Cũng cần nói thêm, đây là khu phố nằm bên cạnh ký túc xá làng đại học quốc gia là khu phố từ trước tới nay rất an ninh từ nhiều năm nay. Nhà tôi chỉ cho các sinh viên nghèo và ngoan ở tỉnh thuê với giá rẻ, không cho công nhân thuê nhằm bảo đảm yên tĩnh cho các em học tập. Đồng thời đây cũng là nơi chi hội Mennonite, hội thánh Tin lành Chuồng  Bò sinh hoạt thờ phượng Thiên Chúa mấy năm kể từ khi hội thánh bị áp lực xóa sổ tại phường 28, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Suốt 2 năm qua việc kinh doanh nhà trọ và sinh hoạt của hội thánh Chuồng bò vẫn bình thường, chỉ thời gian mới đây có 10 tín đồ Tin lành tới tá túc để tìm việc làm thì tôi luôn bị áp lực và bị đe dọa. Nhóm côn đồ và chiếc xe Wave trắng tham gia đập phá tại đây cũng là nhóm côn đồ và chiếc xe đã tham gia đập phá bức tử hội thánh Mennonite tại Bến Cát, Bình Dương. Điều này chứng tỏ cả 2 nhóm côn đồ này cũng là một, đều được điều động đi đàn áp, đập phá các giáo sở của giáo hội Mennonite thuần túy. Qua trình bày trên có thể kết luận đây là hành động đàn áp tôn giáo nhằm xóa sổ vĩnh viễn các giáo sở của giáo hội Tin lành Mennonite thuần túy. Chúng tôi thiết tha kêu gọi các tôn giáo bạn cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi cũng kêu gọi các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước tiếp tay phổ biến rộng rãi tới cộng đồng người Việt Nam trên khắp hoàn vũ. Mục sư: Nguyễn Mạnh Hùng, quản nhiệm hội thánh Tin lành Chuồng Bò trân trọng kính thông báo. Viết tại Bình Dương, Việt Nam ngày 02/04/2015. Dưới đây là một số hình ảnh sau khi bị côn đồ đập phá: Đây là những dụng cụ chúng dùng hăm giết tôi. Ngoài ra còn cái đục tường và con dao chúng lấy đem đi.
......

DÂN OAN LÀ AI?

Trong những năm vừa qua, ở Việt nam đã xuất hiện một số người dân ở các địa phương tập trung về Hà Nội thực hiện việc khiếu kiện đòi hỏi quyền lợi cho bản thân và gia đình. Đó là việc khiếu kiện của người dân ở cấp cao nhất (mà nhà cầm quyền Việt Nam hay gọi là khiếu kiện vượt cấp): Chính phủ, Quốc Hội, Tổng Thanh tra nhà nước, Văn phòng trung ưởng đảng CSVN... Những năm trước, số người khiếu kiện còn ít và cũng chưa có sự quan tâm của dư luận xã hội. Chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, những người khiếu kiện này đã tăng theo cấp số nhân, trở thành một tầng lớp hiện hữu trong xã hội Cộng sản Việt nam với cái tên gọi ngắn gọn và dễ hiểu: DÂN OAN! Dân Oan là những người bị xâm hại quyền lợi chính đáng do các đại diện quyền lực các cấp sử dụng các chính sách và thủ đoạn bất minh dựa trên quyền lực độc tôn và tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam. Tuyệt đại đa số Dân Oan là những người bị xâm hại quyền lợi về đất đai, nhà cửa. Chỉ có một số nhỏ những người bị xâm hại quyền lợi ngoài lĩnh vực đất đai, nhà cửa như bị trù dập do đấu tranh chống tiêu cực, hoặc bị xâm hại quyền lợi do hành vi lạm quyền của các lực lượng công quyền. Hai chính sách cơ bản để những kẻ cầm quyền sử dụng trục lợi, xâm hại quyền lợi của người dân đó là sở hữu toàn dân về đất đai, và chính sách phát triển kinh tế địa phương thông qua các chính sách quy hoạch mới về đô thị và khu công nghiệp. Sử dụng hai chính sách này, những kẻ có quyền và có tiền đã tiến hành thu hồi đất đai và nhà cửa của người dân với giá cả rất rẻ mạt, nhưng bán lại với giá rất cao để trục lợi. Hàng ngàn, hàng chục ngàn người dân đã trở thành Dân Oan vì hai chính sách này của nhà nước Việt Nam. Những người Dân Oan đã khiếu kiện tại các địa phương, nơi trực tiếp xâm hại quyền lợi của họ. Nhưng, với tư duy độc tài, không quen sự chống đối, cộng với việc bao che cho nhau vì có sự dính líu lợi ích, các chính quyền địa phương đã nhắm mắt làm ngơ, thậm chí còn trù dập, hiếp đáp và đàn áp những con người đau khổ này. Chính vì vậy, những người Dân Oan đã quyết tâm theo đuổi tới cùng việc khiếu kiện, tập trung về thủ đô Hà Nội. Nhiều người trong số Dân Oan, họ không còn gì để mất, vì đã mất tất cả sau sự cưỡng đoạt của các lực lượng công quyền địa phương. Việc những người Dân Oan theo đuổi công lý, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình trong bối cảnh hiện nay phần nhiều là vô vọng. Bởi vì, nhà cầm quyền Việt nam dựa vào hai chính sách cơ bản về sở hữu toàn dân về đất đai và các chương trình phát triển kinh tế địa phương, cộng thêm sự dính líu lợi ích dẫn tới việc bao che cho nhau không thành tâm giải quyết các oan trái cho người dân. Mặt khác, việc hoàn trả quyền lợi cho người dân cũng không thể thực hiện được vì số lượng quá lớn (đối với từng dự án, và đối với tất cả) cộng với bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các dự án bất động sản bị ế đọng và phá sản rất nhiều. Nhưng những người Dân Oan vẫn theo đuổi tới cùng, vì họ đã bị tước đoạt hết không còn điều kiện để tự mưu sinh nữa, họ chỉ còn lại sự oan khuất và khổ đau! Cuộc sống của những người Dân Oan, của tầng lớp Dân Oan hiện nay vô cùng cực khổ. Khi theo đuổi việc khiếu kiện tại Hà Nội, họ không có chỗ ở, không có tiền để sinh sống, con cái không được học hành, cảnh “màn trời chiếu đất” diễn ra rất thường xuyên. Nhưng trong sự cùng khổ đó, những người Dân Oan đã gặp được những người dân tốt bụng,có tấm lòng nhân ái. Và đặc biệt họ gặp được những người yêu nước, họ dám đối mặt với sự gian ác của chế độ độc tài.Những người này đã quan tâm tới họ và có sự cảm thông, giúp đỡ họ trong bước đường đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng của mình. Ban đầu, sự quan tâm trợ giúp của những tấm lòng nhân ái và những người yêu nước chỉ xuất phát từ sự thương cảm, các hoạt động thường đơn lẻ và hạn chế. Nhưng càng ngày, những người yêu nước càng tăng cường sự giúp đỡ những người Dân Oan trên nhiều khía cạnh. Họ phổ biến thông tin của các Dân Oan trên các phương tiện thông tin, trên các diễn đàn mạng, thậm chí đưa cả thông tin ra nước ngoài. Song song với việc đó, những người yêu nước đã kêu gọi sự giúp đỡ mọi mặt về kinh tế, chỗ ở và hướng dẫn bà con Dân Oan sắp xếp cuộc sống nơi đô thị. Mối liên hệ giữa những người yêu nước với tầng lớp Dân Oan đi từ tự phát đến tự giác, từ sự giúp đỡ có tính chất cá nhân, đơn lẻ tới các phong trào, tổ chức và liên minh, quỹ….Chúng ta vui mừng vì sự liên đới xã hội trong việc trợ giúp những người Dân Oan, để những người Dân Oan nói lên tiếng nói, nỗi oan khuất của mình, đồng thời chia sẻ bớt những khó khăn, cực nhọc của những người Dân Oan trong công cuộc đấu tranh đòi lại quyền lợi của họ. Trong công cuộc đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, cùng với sự trợ giúp hướng dẫn của những người yêu nước Việt nam, những người Dân Oan đã có những thức tỉnh quan trọng trong nhận thức và hành động. Trước hết, họ ý thức được rằng, nguyên nhân gốc rễ và bao trùm cho nỗi oan khuất, cực khổ của họ là do bản chất chế độ cộng sản Việt nam tạo ra, chứ không chỉ do hành vi tham nhũng, sai trái của bộ phận cán bộ, công chức địa phương họ. Họ cũng hiểu ra rằng, không thể đòi lại quyền lợi chính đáng của bản thân trong chế độ cộng sản hiện nay khi những quyền cơ bản của con người nói chung trong xã hội vẫn đang bị trà đạp. Có nhiều người Dân oan đã chuyển cuộc đấu tranh cho quyền lợi của cá nhân họ và gia đình thành cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ. Họ thực sự là những người yêu nước Việt nam, từ khởi điểm xuất phát là Dân Oan. Điển hình trong số đó, chúng ta thấy có chị Bùi Thị Minh Hằng, Dân Oan Trần Thị Hài, Trần Ngọc Anh, Nguyễn Thị Huần, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Khiêm…Đây là những người Dân oan đã hiểu ra một chân lý đơn giản, và hành động theo chân lý đó: Chỉ có thể hết oan khuất cho người dân Việt nam khi quyền tự do của con người được tôn trọng, khi đất nước có dân chủ và đó là khi chế độ độc tài Việt nam hoàn toàn bị xóa bỏ. Chúng ta cảm ơn những tấm lòng nhân ái trong và ngoài nước, những nhóm dân sự trong xã hội và phong trào yêu nước Việt nam đã quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ, giúp đỡ những người Dân Oan trong tranh đấu cho quyền lợi cá nhân của họ và các quyền con người nói chung. Đôi điều chia sẻ về Dân Oan để những ai đang tìm hiểu về Dân Oan, những ai chưa biết về Dân Oan, những ai thờ ơ với Dân Oan, những ai ghét Dân oan. Hãy Hiểu và thương cảm Dân oan! Nếu các bạn đồng tình? xin hãy chia sẻ! để người người, nhà nhà biết thế nào là Dân Oan & hiểu rõ hơn về chế độ độc tài. Trân trọng! Nguồn: mạng xã hội.https://www.facebook.com/photo.php?fbid=730164100438039&set=a.4271565307...
......

Trạng thái nóng chảy NHÔM và ÓC

Vào đầu tháng 2 năm 2015, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm nhà máy nhôm Nhân Cơ, không hiểu trong tiệc đón tiếp phái đoàn có bia rượu không mà sau đó ông phán rằng: "“Nhôm sản xuất xong sẽ bán tại chỗ cho các công ty có nhu cầu, làm sao có thể bán nhôm ngay khi còn đang nóng chảy để tránh lãng phí năng lượng nung nhôm khối trở lại trạng thái nóng chảy trong sản xuất thiết bị có dùng nhôm”. Các chuyên gia nghe xong trong lòng đều xốn xang, rạo rực nhưng chẳng ai dám cười mà chỉ lấy tay che miệng gấp rút như thể có quá nhiều bụi trên sàn sản xuất. Nhiệt độ nóng chảy của nhôm là 660 độ C, trời ạ! Chưa có công ty nước nào có khả năng hay dám cho nhôm lỏng vào ống rồi cho chạy lòng vòng từ nhà máy này qua nhà máy khác. Hơn thế nữa, để tiếp tục lỏng thì dọc đường đun nó bằng cái gì? Trong trường hợp nhà máy Nhân Cơ, các công ty dùng nhôm chế tạo hàng hoá đều ở cách xa Nhân Cơ hàng vài trăm đến cả ngàn cây số. Thủ tướng muốn bắt ống dài cỡ nào? rồi dân chúng dọc đường nung ống bằng củi? Còn nếu chở bằng xe thì đổ nhôm lỏng ở nhiệt độ 600 độ C vào thùng gì để chở đi? và làm cách nào để nhôm tiếp tục nóng trên đoạn đường mấy trăm cây số đó để khỏi phải nấu lại? Thủ tướng có biết mình đang nói gì không? Nhôm lỏng chứ không phải cái gánh bán bánh canh, Thủ tướng ơi! Có cư dân mạng đọc xong tuyên bố đó bỗng nhắc lại: đã 40 năm rồi mà Thủ tướng vẫn nói chuyện như thời còn làm y tá. Kiểu nói này chẳng khác gì lời khoe của rất nhiều cán bộ giảng chính trị hồi đó: Khi đánh Mỹ, máy bay của chúng ta do Liên Xô viện trợ rất hiện đại. Loại máy bay này đa năng đa hiệu, có thể đứng núp sau các đám mây lớn, chờ máy bay đế quốc Mỹ đi ngang thì ta mới xông ra đánh du kích. Sau một mớ phát biểu linh tinh khác, Thủ tướng cũng để lại một lời dặn vàng ngọc trước khi ra về:"Các vấn đề về môi trường không được chủ quan”. Các chuyên gia kỹ thuật lại ngẩn người. Thế ai đã quyết định cho xây "quả bom bùn đỏ" này trên đầu mấy chục triệu dân sống dọc hạ lưu và dùng nước sông Đồng Nai để uống, bất kể các khuyên can của giới chuyên gia Việt Nam? Ai đã ký quyết định bịt miệng họ rồi tuyên bố "Đây là chủ trương lớn của đảng"? Các kết toán kinh tế hiện nay, dù là số liệu do nhà nước cung cấp, đều cho thấy các phân tích hậu quả của giới chuyên gia Việt đang trở thành hiện thực -- càng làm càng lỗ và càng tàn hại môi sinh. Đó là chưa kể hiểm họa các khu biệt lập của "công nhân" Trung Quốc ngay tại Nóc Nhà Đông Dương. Trần Giang
......

Việt cộng – Trung cộng 'hợp tác' trong hai lĩnh vực nhiều rủi ro cho VN

Lãnh đạo hai nhà nước CSVN và Trung cộng vừa tuyên bố thành lập nhóm công tác về hợp tác hạ tầng và nhóm công tác về hợp tác tiền tệ, cùng với việc ký một số thỏa thuận hợp tác khác. Ðó là kết quả ngày làm việc đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN. Có đến bốn ủy viên Bộ Chính Trị của Ðảng CSVN là Ðinh Thế Huynh (trưởng ban Tuyên Giáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng CSVN), Nguyễn Thị Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội Việt Nam), Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng), Trần Ðại Quang (bộ trưởng Công An), tháp tùng ông Trọng. Có lẽ cần phải nhắc lại rằng, trong quan hệ Việt-Trung, sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc vào các dự án phát triển hạ tầng tại Việt Nam đã từng được nhiều chuyên gia xác định là một vấn nạn nghiêm trọng. Năm 2011, Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của Quốc Hội Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, các nhà thầu Trung Quốc nắm giữ tới 90% dự án tổng thầu EPC (cách gói tắt các gói thầu tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành hoặc còn được gọi là phương thức “chìa khóa trao tay”), vốn có giá trị nhiều tỷ đô la trong các lĩnh vực dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim,... vì giá bỏ thầu của họ rất thấp. Sau đó, nhà thầu Trung Quốc chỉ thi công cầm chừng rồi đòi gia hạn thời gian thực hiện, kế đó đòi tăng vốn, thậm chí đòi thay đổi các yêu cầu của dự án. Tuy điều này xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi, trong một thời gian dài nhưng nhà thầu Trung Quốc vẫn tiếp tục thắng thầu. Tiếp tục có cơ hội đưa công nhân Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với lý do cần nhân lực thực hiện các dự án mà họ nhận thầu. Tiếp tục đưa máy móc, thiết bị, vật liệu vào Việt Nam để thi công, bóp chết ngành công nghiệp Việt Nam vì không tiêu thụ được sản phẩm. Chưa kể đó cũng là lý do làm cho nhập siêu từ Trung Quốc tăng liên tục. Ngoài ra, Việt Nam phải gánh chịu vô số thiệt hại về kinh tế-xã hội do nhà thầu Trung Quốc không hoàn tất dự án đúng hạn hay bỏ dở. Khi hoàn thành thì vì công nghệ và thiết bị tồi, công trình không thể vận hành như thiết kế ban đầu, thành ra cơ sở hạ tầng không bền vững. Tất cả những lý do vừa kể đã khiến Quốc Hội Việt Nam phải tính đến việc sửa Luật Ðấu Thầu theo hướng, các nhà thầu phải nộp hai bộ hồ sơ riêng biệt. Một về giải pháp kỹ thuật, một về khả năng tài chính. Hồ sơ về giải pháp kỹ thuật sẽ được mở để xem xét trước. Nếu không đạt các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, công nghệ, thiết bị,... nhà thầu dự thầu sẽ bị loại. Các chuyên gia Việt Nam hy vọng, nhờ vậy, nhà thầu Trung Quốc sẽ không còn cơ hội để chen chân chỉ với ưu thế “giá nhận thầu luôn luôn rất rẻ.” Với bối cảnh như thế, việc phái đoàn Việt Nam do tổng bí thư đảng CSVN đưa sang thăm Trung Quốc, chính thức thòa thuận với Trung Quốc cùng thành lập “Nhóm công tác về hợp tác hạ tầng” trở thành điều vừa khó hiểu, vừa đáng ngại. Việc chính thức thành lập nhóm công tác về hợp tác tiền tệ cũng khó hiểu và đáng ngại y hệt như vậy. Hồi đầu năm nay, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương của Trung Quốc đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân Dân Tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam. Ðề nghị đó được xem là một phần trong chuỗi nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa Yuan, đưa Yuan thành đơn vị tiền tệ mạnh thứ ba trên thế giới (sau Mỹ kim và Euro). Trung Quốc đã ký kết khoảng 30 hiệp định hoán đổi tiền tệ (SWAP) với Hoa Kỳ, Anh, Úc, New Zealand, Nhật, Mã Lai, Singapore... Tuy thừa nhận hệ thống hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại-đầu tư giữa Trung Quốc và những quốc gia đó, song ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, khuyến cáo, chính quyền Việt Nam phải hết sức thận trọng với kiến nghị mà Hiệp Hội Doanh Nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân Hàng Công Thương của Trung Quốc đệ đạt. Tuy vị trí của Yuan trên thị trường tiền tệ quốc tế có cao hơn trước nhưng Yuan chưa mạnh đến mức trở thành loại ngoại tệ được tự do chuyển đổi. Ông Kiêm khuyên nên chờ cho đến khi Yuan có thể chuyển đổi được ra vàng hay Mỹ kim, hay Euro. Ngoài yếu tố sức mạnh và độ tin cậy của Yuan, theo ông Kiêm, chính quyền Việt Nam phải hết sức thận trọng với đề nghị cho sử dụng Yuan trong thanh toán thương mại tại Việt Nam còn vì nội lực của kinh tế Việt Nam. Ông Kiêm cảnh báo, do ở thế yếu trong quan hệ thương mại, chắc chắn Việt Nam sẽ không có đủ Yuan để thanh toán các hợp đồng nhập cảng và chỉ còn cách vay Yuan của các doanh nghiệp Trung Quốc. Cũng vì vậy, nợ nần sẽ tăng theo đà tăng giá của Yuan. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ lệ thuộc Trung Quốc cả về hàng hóa lẫn tín dụng. http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...
......

Thư Ngỏ của ông ĐẶNG XƯƠNG HÙNG gửi Nguyễn Phú Trọng

Thư ngỏ gửi Ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi tên là Đặng Xương Hùng, tôi không còn là đảng viên cộng sản, nhưng tôi vẫn là công dân Việt Nam. Tôi muốn qua mạng xã hội gửi đến Ông bức thư ngỏ này, bày tỏ một vài ý kiến của một công dân gửi tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Đầu thư, tôi muốn chuyển đến Ông câu chuyện bên nước Mỹ. Một bé gái 9 tuổi, học lớp ba đã gửi thư đến Tổng thống Obama thắc mắc tại sao không có hình phụ nữ trên đồng tiền đô la. Ngày 11/2/2015, Tổng thống Obama đã có thư hồi âm cô bé. Một chiến dịch kêu gọi chính phủ in hình một người phụ nữ lên đồng 20 đô la đã được khởi xướng và cô bé đã trở thành « đại sứ nhí » cho chiến dịch này. Chúng tôi những công dân Việt Nam thật là ghen tị và khát khao được như cô bé Mỹ. Thưa Ông, Ông là người quan trọng nhất, đang nắm giữ vận mệnh và tương lai của một dân tộc, một đất nước. Tôi biết Ông là một người đàn ông hiền lành với nhiều phẩm chất tốt. Nhưng rõ ràng Ông đang bị sơ cứng trong cách điều hành một quốc gia. Đất nước ta đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện : về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đạo đức, y tế, môi trường… Chưa bao giờ chúng tôi lại cảm thấy khổ tâm khi mình là người Việt Nam như bây giờ. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là do giới lãnh đạo chỉ quan tâm đến bảo vệ chế độ, bảo vệ đảng cộng sản, bảo vệ quyền lợi của thiểu số có chức, có quyền mà quên đi nhiệm vụ quan trọng nhất của mình là chăm lo đời sống của toàn dân. Đã lạc hướng, lại còn khư khư với nhận thức cũ, càng dẫn dắt dân tộc, đất nước xa dần với thế giới văn minh. Vận mệnh dân tộc, đất nước đang nằm trong tay Ông. Ông hãy nên sử dụng quyền hạn của mình để ra một quyết định : đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên lợi ích của đảng cộng sản. Mọi chế độ chỉ có một thời, chỉ có đất nước và dân tộc là trường tồn mãi mãi. Sắp tới, Ông sẽ đi thăm Trung Quốc và Mỹ. Đó là dấu hiệu tốt, có thể dẫn đến những thay đổi tích cực cho đất nước . Ông đang có những cố vấn tốt, nhất là ở phần ngoại giao. Việc thu xếp để Ông có chuyến thăm Mỹ đã chứng tỏ điều đó. Hồ sơ của Ông cho hai chuyến đi chắc đã được chuẩn bị đầy đủ, tôi chỉ thầm nhắn đến Ông hai điều : - Đúng như lời cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch tuyên đoán sau Thành Đô: "một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu ". Từ 25 năm nay, đất nước chúng ta đang bị Trung Quốc "đô hộ " theo một hình thái rất thâm độc. Đô hộ mà người bị đô hộ không cảm thấy bị đô hộ mà lại còn bảo vệ sự đô hộ đó. Bằng chứng là đất đai lãnh thổ bị gặm nhấm dần dần. Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan bị mất, nhưng chính chúng ta lại giải thích đó là hợp lý. Dưới con mắt của người dân bình thường thì lãnh đạo Việt Nam đã dâng hiến cho Bắc triều để đổi lấy sự che chở. Người Trung Quốc từ trước đến nay luôn thèm khát có được Việt Nam. Một ngàn năm xưa họ không làm được, nhưng chính lúc này đây, với sự thụ động, hèn kém của giới lãnh đạo ta, Bắc Kinh đang có nhiều cơ hội. Thậm chí họ đang âm thầm cho một cuộc diệt chủng người Việt Nam : những sản phẩm và thức ăn độc hại, gây ô nhiễm và tàn phá môi trường (Bô xít Đắc Nông, chặt cây Hà nội). - Người Mỹ muốn kéo Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Người Trung Quốc không muốn Việt Nam xích dần về phía Mỹ. Mọi nước lớn đều có lợi ích riêng của họ. Đó là điều tất nhiên và dễ hiểu, nhưng cần phân biệt : Người Mỹ muốn Việt Nam mạnh lên, còn người Trung Quốc muốn kìm hãm một Việt Nam yếu đuối. Tôi mong hai nội dung trên có thể góp ích phần nào cho các chuyến đi sắp tới của Ông. Thưa Ông, Thư không thể dài, nên tôi muốn hết sức cô đọng. Về điều hành, chọn hướng đi cho đất nước, tôi muốn Ông tìm đọc lại những gì mà những nhân vật như Trần Xuân Bách, Trần Quang Cơ, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Độ, Nguyễn Trọng Vĩnh đã phát biểu và đã viết. Ông cũng nên chỉ đạo cho tổ chức thảo luận trong đảng, trong giới lãnh đạo, thư của 61 đảng viên gửi Ban Chấp hành Trung ương (tháng 7/2014) hòng tạo ra một sự chuyển biến nào đó trong hàng ngũ lãnh đạo và trong toàn thể đảng viên. Tham khảo nước ngoài, Ông nên tìm đọc và tìm hiểu cách điều hành và quản lý đất nước của các nhân vật như Lý Quang Diệu, Par Chung Hy. Năm 1968, Hàn Quốc vẫn còn là một nước nghèo, họ đã quyết định thay đổi giáo dục bằng cách bê nguyên sách giáo khoa của Nhật về dịch sang tiếng Hàn để giảng dậy. Đây là một sự học hỏi khôn ngoan. Và lúc này đây, Hàn Quốc đang tiến dần theo chân người Nhật để đứng vào trong hàng ngũ những quốc gia tiên tiến nhất trên toàn cầu. Điều tôi muốn nói ở đây đừng sao chép Trung Quốc. Học người thành công, tránh xa người thất bại. Điều cuối cùng, chúng tôi mong muốn ở Ông là đừng đẩy người dân trở thành kẻ thù của chính quyền. Muốn xây dựng một nhà nước do dân và vì dân, thì Ông nên cách chức ngay những nhân vật đã từng phát biểu những nội dung tương tự như : "chặt cây không phải hỏi ý dân". Muốn xã hội lành mạnh thì không thể chỉ dùng bạo lực để quản lý đất nước. Muốn trở thành đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì không nên đàn áp họ mà hãy tổ chức nhiều diễn đàn để họ được quyền nói lên nguyện vọng của họ. Và điều quan trọng hơn cả là biết lắng nghe ý kiến của người dân. Tôi thiết nghĩ, thư tôi viết rất mộc mạc, dễ hiểu. Chúc Ông thành công. Cầu chúc mọi điều tốt lành cho dân tộc Việt Nam. Đặng Xương Hùng 5/4/2015
......

Cảm nhận của nhà báo Nguyễn Vũ Bình về Hội Nghị RIGHTSCON

CẢM NHẬN RIGHTSCON, MANILA 24-25/3/2015 Tôi nhận được lời mời tham dự hội nghị RightsCon (Human Rights Conference) mấy tuần trước khi hội nghị diễn ra. Vì lý do bảo mật cho chuyến đi, tôi chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều về hội nghị này. Có một sự trùng hợp khi tôi phải di chuyển vào Sài gòn để bay sang Manila, Philippines vì không có chuyến bay thẳng từ Hà Nội. Đó là việc tôi còn được mời tham dự đại hội Cựu tù nhân Lương tâm, tổ chức tại Sài gòn vào ngày 17/3. Cả cuộc đại hội này, cũng cần phải có sự kín đáo trong quá trình di chuyển và chuẩn bị trước ngày diễn ra đại hội. Kết thúc đại hội Cựu tù nhân Lương tâm, không có phản ứng bất lợi chung nào nhiều và đại hội đã diễn ra tốt đẹp. Tôi cũng mừng vì một phần công việc diễn ra thuận lợi. Trong thời gian chờ đợi ở Sài Gòn để bay sang Manila dự hội nghị, cùng với mấy anh em cựu tù, chúng tôi có tới thăm được một số nhà lãnh đạo tôn giáo như Hòa thượng Thích Quảng Độ, thăm Hội Thánh Chuồng Bò Menonites của các Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Phạm Ngọc Thạch…cá nhân tôi còn thăm được một số chú bác, anh em tranh đấu dân chủ ở Sài gòn như chú Nguyễn Đan Quế, chú Hải Violin, anh Lê Thăng Long, anh Trần Bang, bạn Huỳnh Trọng Hiếu… Cảm giác chờ đợi trong yên lặng để xuất ngoại lần đầu tiên, một mình trong khi không biết có đi trót lọt ở sân bay là một cảm giác thú vị. Nhưng vì đã chuẩn bị tình thần cho các tình huống xảy ra nên tôi cũng không quá vui mừng khi đã bình yên đáp xuống sân bay ở Manila. Sự lúng túng là có thực khi tôi không vượt qua được sự chặt chém của cảnh sát kết hợp với lái xe taxi ở sân bay Manila. Cuối cùng, tôi cũng đã tới được khách sạn trong vòng tay bè bạn, những người đã kết nối và chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi tham dự hội nghị này. Mặc dù đã được cho biết trước quy mô cũng như những nôi dung chính của hội nghị, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp khi chứng kiến số lượng người đông đảo, đủ các quốc gia, châu lục và sắc tộc tham gia. Hội thảo Quyền con người với chủ đề tự do thông tin, tự do Internet trong truy cập và sử dụng diễn ra trong hai ngày 24-25/3. Đây là hội thảo được các tổ chức phi chính phủ như Access đứng ra tổ chức và nhận được sự tài trợ, tham gia của các công ty lớn như Google, Faceboook, Mozilla … Sự khác biệt với các cuộc hội nghị, hội thảo ở Việt nam là không hề có bóng dáng các khẩu hiệu, cũng như các bài diễn văn dài lê thê vô bổ của các quan chức, lãnh đạo. Các cuộc hội thảo được chia thành nhiều diễn đàn nhỏ (hơn 100 diễn đàn) thảo luận liên tục trong hai ngày hội nghị. Với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế về nhân quyền, Ân xá quốc tế, Ủy ban bảo vệ ký giả…và đặc biệt có sự tham dự của đặc phái viên Liên hợp quốc về tự do ngôn luận. Đoàn Việt Nam từ trong nước tham gia hội nghị có bốn người gồm: Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, đại diện cho truyền thông Dòng Chú Cứu Thế Sài Gòn; ông Lê Hùng, ông Trương Văn Dũng, đại diện Hội Bầu Bí Tương Thân, và tôi, đại diện Hội Anh Em Dân Chủ. Đoàn Việt Nam chúng ta tham gia 2 diễn đàn với các chủ đề Người dân làm báo ở Việt Nam với sự thuyết trình của linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, chủ đề hoạt động của các cộng đồng có rủi ro cao, nội dung tìm hiểu về các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và phong trào dân chủ Việt Nam. Cả hai buổi hội thảo, hai diễn đàn của đoàn Việt Nam đều nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo bạn bè quốc tế. Đoàn Việt Nam cũng đã trình bày tốt những nét chính mà các diễn đàn cũng như những người tham dự yêu cầu. Việc trình bày cũng như hỏi đáp của phái đoàn diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp. Trong các buổi họp khoáng đạt (toàn thể hội nghị) diễn ra nhanh chóng, từ 15-20 phút, chủ tọa đã nêu tóm tắt các chương trình hội nghị, và tổng kết các buổi hội thảo chuyên đề thật ngắn gọn và thân mật. Do sự hạn chế về ngôn ngữ, cá nhân tôi không thể đánh giá hêt được nội dung và ý nghĩa của Hội nghị về Quyền tự do của con người với chủ đề tự do thông tin, tự do Internet. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng về một điều quan trọng. Tôi nhận thấy, các tổ chức phi chính phủ, các công ty và những con người của các tổ chức, các công ty này là những công dân Mỹ, châu Âu, những con người hoàn toàn tự do, đời sống thoải mái, sung túc lại quan tâm tới tự do của những người khác, ở các quốc gia khác và không hề liên quan tới họ? Vậy mà chúng ta, những người Việt nam, những người bị mất tự do lại có rất nhiều người thờ ơ, không quan tâm, và không hề muốn đấu tranh cho tự do của cá nhân mình, và cho anh em họ hàng, bạn bè và đồng bào của mình. Đây là điều tôi ấn tượng nhất, nhưng cũng trăn trở nhất. Tôi xin cảm ơn, và mạn phép thay mặt những người từ Việt nam tham dự hội nghị cảm ơn anh Hoàng Tứ Duy, chị Huỳnh Phương Trang (Trang Angenlia Huynh) và bạn Trinh Nguyễn những điều phối viên, đã kết nối và chuẩn bị, cũng như thu xếp mọi việc cho đoàn trong những ngày diễn ra hội nghị. Các Anh, Chị đã bay nửa vòng trái đất, đã trao đổi, hướng dẫn và cùng thực hiện để các cuộc hội thảo của đoàn Việt Nam diễn ra tốt đẹp. Tôi đặc biệt cảm ơn tới chị Huỳnh Phương Trang, tôi được biết, chị có hai cháu nhỏ sinh đôi mới được hai tuổi, nhưng đã tạm xa các con trong lúc các cháu không được khỏe để sang Philippine hỗ trợ, giúp đỡ và thu xếp cho đoàn chúng tôi. Chị đã không ngủ được trong vài đêm ở Manila vì sự chênh lệch múi giờ. Chính vì vậy mà trong lúc làm việc, mệt quá Trang đã thiếp đi và tôi vô tình chụp được khoảng khắc đó. Đây là bức hình kỷ niệm mà Chị không hề muốn đăng vì ngại. Nhưng tôi, người đã chụp bức hình xin đăng lại như một lời cảm ơn, tri ân tới Trang, một người đã hết lòng vì công việc, giúp đỡ cho chúng tôi mọi điều trong chuyến đi hội thảo Rightscon hữu ích này. Mong Trang hết sức thông cảm và không trách tôi. Hà Nội, ngày 02/4/2015 Nguyễn Vũ Bình https://www.facebook.com/binh.tran.73700/posts/679224595520851?pnref=story
......

Cảm nhận của anh Trương Văn Dũng về chuyến đi dự hội nghị RightsCon 2 tại MANILA, Philippines.

Vào đầu tháng 3 năm 2015, tôi và anh Lê Hùng nhận được giấy mời của đảng Việt Tân đi dự hội nghị RightsCon 2, vì không thể bay thằng từ Hà Nội đến Philippines nên chúng tôi phải vào Sài Gòn rồi mới bay sang được. Ngày 20/3/2015 chúng tôi bay từ Hà Nội chuyến 3h chiều, đến trưa ngày 22 chúng tôi gặp Nguyễn Vũ Bình, tôi chủ động gọi: - Thằng kia mày đi đâu đấy? Bình nhìn thấy chúng tôi mừng quá, hỏi: - Các anh đi đâu ? - Chúng tao sang Philippines, mày có đi theo chúng tao không? - Ơ em cũng được mời sang, bao giờ các bác bay ? - Ngay chiều nay - Đến tận sáng mai em mới bay cơ. Sau đó chúng tôi chia tay nhau, 2h chiều chúng tôi có nhờ một số anh em ở Sài Gòn đưa chúng tôi ra máy bay,  đề phòng việc bị an ninh gây khó dễ, tôi dặn trước người ra tiễn, khi anh vào mà có hiện tượng không cho xuất cảnh thì anh điện ra để cho các em biết, đưa thông tin lên truyền thông quốc tế và các lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam. Trước khi qua cửa khẩu tôi đã chuẩn bị mấy chai nước lavie đưa cho anh Lê Hùng cầm, tôi có dặn đây là nước uống đề phòng nếu họ giữ anh em mình tại sân bay mình còn có cái uống, không nên uống nước của họ, họ dễ bỏ thuốc độc vào (như trường hợp của anh Tô Oanh đã từng bị câu lưu, sau khi từ Mỹ trở về phải thời gian sau sức khỏe anh mới hồi phục) nhưng chúng tôi qua cửa khẩu một cách an toàn không có vướng mắc gì cả. Đến 4h chiều ngày 22 máy bay cất cánh ( trước khi đi anh em Việt Tân đã thông báo địa điểm khách sạn và có người đón chúng tôi ngay tại sảnh khách sạn). Khi xuống máy bay qua cửa khẩu nhập cảnh, chúng tôi thiếu một giấy tờ nên họ hơi gây khó khăn cho chúng tôi, lúc đó chúng tôi rất lúng túng vì không biết tiếng Anh, cảm tưởng như người bị câm bị điếc, cũng may có một cháu người Philippines học tại VN có biết đôi chút tiếng Việt giúp chúng tôi qua khỏi cửa khẩu. Khi ra tìm xe taxi, tự nhiên có cò đến mời chúng tôi lên xe. Chúng tôi đổi 100 đô được 4420 peso, họ bắt chúng tôi trả tiền taxi trước 3900 cộng thêm 100 tiền hoa hồng, tổng cộng 4000 peso, tính theo tiền VN khoảng 2 triệu, chúng tôi biết bị "chém" nặng nhưng khổ nỗi không biết tiếng Anh, không biết địa điểm khách sạn, nhất là nơi đất khách quê người lần đầu sang , chúng tôi đành chấp nhận giá cắt cổ. Khi chúng tôi vào khách sạn, tôi nhìn có một cháu gái đang ngồi sảnh khách sạn, hơi ngờ ngợ không dám hỏi vì ngôn ngữ bất đồng, khi anh Lê Hùng hỏi lễ tân, tôi cũng đánh to tiếng hỏi có đúng địa chỉ khách sạn đây không (dù biết lễ tân không hiểu tiếng) bất ngờ cháu gái đứng lên: - Có phải bác và chú thuộc hội bầu bí bên Việt Nam sang không? Chúng tôi mừng quá như chết đuối vớ được cọc.Cháu biết 2 anh em chúng tôi nghiện thuốc lá nên thuê cho chúng tôi 1 phòng dành cho người hút thuốc, cháu chủ động mang hoa quả và đồ uống lên phòng cho chúng tôi. Khoảng 10h Angelina Trang Huỳnh và Hoàng Tứ Duy đến, chúng tôi mừng quá may bắt mặt mừng, những người bạn trước đây chỉ biết ở trên fb, bây giờ mới gặp được, phải nói niềm vui không tả hết được. Sau đó các bạn rủ chúng tôi ăn tối ngay cạnh khách sạn, trong bữa ăn đó gặp rất nhiều các bạn thuộc các nước khác nhau, Trang Huỳnh và Hoàng Tứ Duy đã quen từ trước, giới thiệu chúng tôi từng nhân vật, chúng tôi không nhớ được tên đại khái chỉ nhớ ông này là trưởng ban tổ chức hội nghị, ông này là đại diện bên Google, ông này đại diện bên fb, đại diện bên youtube, đại diện yahoo và chuyên gia vượt tường lửa. Lúc đó trong tâm khảm của tôi nghĩ khi anh e trong nước bị cướp mất fb, chắc là anh chị Việt Tân nhờ mấy người này. Đang ngồi thì linh mục Trương Hoàng Vũ thuộc dòng chúa cứu thế đến, mọi người hỏi ra mới biết cha Lê Ngọc Thanh bị chặn lại, ngài biết trước chuyến đi này đầy khó khăn nên chủ động gửi tôi cầm hộ chiếc vali kéo, nếu có vấn đề gì thực tình người ở lại của thì sang tận Philippines. Sáng hôm sau ngày 23 chúng tôi tổ chức đi thăm quan, linh mục Trương Hoàng Vũ đã từng học ở Manila 4 năm rất thông thuộc đường sá dẫn chúng tôi đến thăm quan 2 nhà thờ công giáo lớn nhất tại Manila, một nhà thờ xây theo kiến trúc Tây Ban Nha, nhà thờ này đã có hơn 600 năm 7 lần xây dựng vì động đất và chiến tranh, năm ngoái đức giáo hoàng đã giảng lễ ngay tại nhà thờ này , cách đấy khoảng 500 mét có một nhà thờ xây theo kiến trúc Pháp phải nói rất đẹp, chúng tôi đi bách bộ, cảnh quan ở Myanmar khá yên bình, đường phố rất sạch sẽ, chủ yếu là xe oto, xe máy rất ít, người dân qua đường rất trật tự, đi đúng phần đường của mình, nhìn thấy chúng tôi từ nơi khác đến, họ tỏ ra khá thân thiện với cử chỉ mến khách.Tôi có cảm tưởng thủ đô Manila trước đây là một vùng đồi núi trùng điệp, trên những con đường ngoằn ngoèo, chắc sau này họ xây dựng cơ sở hạ tầng thành một thủ đô, đến trưa chúng tôi vội quay về khách sạn đón anh Nguyễn Vũ Bình sang. Buổi chiều nhóm chúng tôi ngồi thảo luận đề tài ngày mai, các bạn Việt Tân cho chúng tôi biết, chủ đề của hội nghị gồm: lễ khai mạc hội nghị, sau đó tất cả các đoàn chia ra đến từng phòng họp riêng theo các chủ đề khác nhau, đoàn nào thấy hợp với chủ đề vào phòng đó, bao gồm các chủ đề như : truyền thông internet, báo chí , xã hội dân sự, tự do tôn giáo, tố cáo tội ác của chính quyền độc tài, còn nhiều đề tài nữa tôi không thể nhớ hết. 8h sáng ngày 24 chúng tôi dự lễ khai mạc hội nghị, trong lễ khai mạc, anh em chúng tôi gặp anh Nguyễn Khanh, giám đốc ban Việt Ngữ đài Á Châu tự do, luật sư Trịnh Hội và cháu Bọ Trung con trai chị Bùi Thị Minh Hằng và một số học sinh Việt Nam tại Myanmar. Trong lễ khai mạc, sau lời chào mừng của trưởng ban tổ chức có giới thiệu một số đoàn lên phát biểu ngắn gọn, ngay sau đó tất cả các đoàn chia nhau về từng phòng họp theo chủ đề, buổi khai mạc trang trọng và ấm cúng, ngắn gọn, không rườm rà câu nệ về hình thức. Tại sảnh chính của phòng họp, đội ngũ phục vụ khách tham dự hội nghị hết sức tận tình và chu đáo, nỗi khổ nhất của tôi và anh Hùng không được hút thuốc, mỗi lần hút lại phải về phòng. Đến trưa chúng tôi rủ nhau ăn phở Hòa ở Cali, Trang Huỳnh cho chúng tôi biết phở Hòa có một số cơ sở bán ở vài nước khác, và thực đơn có nhiều loại phở khác nhau cho chúng tôi lựa chọn, tuy vị phở khác với phở Hà Nội nhưng được khâu phục vụ khá chu đáo, sạch sẽ. Buổi chiều các bạn Việt Tân giới thiệu 1 ông người Mỹ phụ trách về nhân quyền, khi tiếp xúc với chúng tôi ông có hỏi về tự do nhân quyền ở Việt Nam, lần lượt chúng tôi trả lời các câu hỏi của ông, sau đó chúng tôi chia tay ông sang phòng khác, khi chúng tôi ra gần đến cửa, Trang Huỳnh nhìn thấy 1 ông đại diện bên Liên hợp quốc, Trang Huỳnh bảo Hoàng Tứ Duy: - Anh có nhận ra ông ý không ? - Không nhớ - Ông này đại diện bên liên hợp quốc mà, đây là cơ hội đề tiếp xúc với ông ấy Hoàng Tứ Duy rất khéo léo ra nhờ ông phụ trách về nhân quyền giới thiệu anh em chúng tôi, chúng tôi đã bày tỏ thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, ông nói ông cũng rất quan tâm về vấn đề nhân quyền ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Trong buổi hội thảo anh em chúng tôi được tiếp xúc các đại biểu một số nước khác nhau như Miến Điện, Lào, Campuchia, Hồng Kong, sau đó chúng tôi xin địa chỉ email của nhau để kết nối chia sẻ kinh nghiệm. Sang ngày họp thứ 2 ngày 25, chúng tôi lên diễn đàn, anh Hoàng Tứ Duy, chị Trang Huỳnh, phiên dịch và chúng tôi trả lời các câu hỏi, anh Lê Hùng trưởng ban điều hành hội Bầu bí tương thân, nói về sự ra đời hoạt động, ý nghĩa việc làm của hội, anh Nguyễn Vũ Bình nói về tự do, ngôn luận truyền thông tại Việt Nam, linh mục Trương Hoàng Vũ nói về tự do tôn giáo, còn tôi nói về sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với người đấu tranh trong nước. Sau đó ban tổ chức tập trung tại hội trường lớn, tuyên bố bế mạc đại hội Trong 2 ngày hội nghị, mặc dù thời gian quá ngắn ngủi, nhưng để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng lần đầu tiên được tiếp xúc với một hội nghị đa quốc gia, có tầm vóc. Từ hội nghị này ít nhiều chúng tôi cũng mở mang ra được kiến thức đối với thế giới ở bên ngoài, tinh thần của chúng tôi cũng được tự tin và mạnh mẽ hơn. Từ trước đến nay chính quyền cộng sản thường xuyên tạc đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố, chính một số người đấu tranh trong nước cũng e ngại không dám quan hệ với Việt Tân, nhưng tôi lại nghĩ khác, theo quan điểm của tôi : 1. Nước Mỹ là nước đi đầu chống khủng bố, liệu Việt Tân có còn tồn tại trên đất Mỹ không ? 2. Đích thân tổng thống Geogre Bush đã tiếp ông Đỗ Hoàng Điềm tại Nhà Trắng 3. Có bằng chứng nào khẳng định Việt Tân chuyên đi khủng bố Rạng sáng ngày 26/3, chúng tôi rời Myanmar, trở về Việt Nam, mặc dù chuyến đi ngắn ngủi 4 ngày đã để lại trong tâm trí của tôi nhiều cảm xúc và ấn tượng, nhất là đối với 3 bạn: Hoàng Tứ Duy, Trang Huỳnh, Trinh Nguyễn, 3 bạn này thuộc thành viên của Đảng Việt Tân, tất cả trong chuyến đi các bạn đã chăm lo cho chúng tôi trong cuộc hội thảo, tham quan, nơi ăn chốn ở, rất chu đáo, phong cách của các bạn làm việc hết sức chuyên nghiệp, theo tôi nghĩ 3 bạn là người Việt mang phong cách Mỹ. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi bàn với anh Lê Hùng, tiếp tục cuộc hành trình về Long An, thăm gia đình tù nhân Đinh Nguyên Kha và gia đình tử tù Hồ Duy Hải. Anh đồng ý với tôi, anh nói anh có công việc bận phải về nhà, chú đại diện hội đi cũng được. Khi ra khỏi cửa an ninh cuối cùng, đã có linh mục Lê Ngọc Thanh cùng một số giáo dân ra đón chúng tôi. Sang ngày 27/3, tôi về Long An, may quá có Đinh Nhật Uy ở Sài Gòn dẫn tôi đi, đi đến gần nhà Hồ Duy Hải khoảng 5 cây số, chúng tôi rẽ vào một quán cà phê võng ngồi nghỉ, đồng thời Đinh Nhật Uy báo cho chị Loan - mẹ Hồ Duy Hải biết có khách sắp đến thăm nhà, ngay sau lúc đó có một bà bán vé số mời chúng tôi mua, Đinh Nhật Uy hỏi : - Bà có biết vụ án Hồ Duy Hải không ? - Tôi lạ gì vụ án đó, khổ thân thằng bé, hiền lành, ngoan ngoãn, thế mà bị bọn chúng bắt xử tù oan Chúng tôi vào nhà Hồ Duy Hải, cả nhà đón chúng tôi rất vui, chị Loan chị Rưỡi cảm ơn tôi : - Nếu không có video của anh quay chị em chúng tôi tại tòa án, để đánh lên công luận, không biết vụ án bây giờ như thế nào. Tôi nói : - Vụ của con chị không chỉ riêng một mình tôi, còn rất nhiều các tổ chức quốc tế lớn khác như đài SBTN, Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do, Chân Trời Mới, BBC và rất nhiều anh chị em ở trong nước giúp đỡ, đặc biệt có chị Thúy Nga luôn luôn sát cánh cùng các chị, nhưng một yếu tố quan trọng nhất không thể nói đến, đó là tinh thần quả cảm của các chị, không hề nao núng trước bọn tà quyền, kể cả bị đe dọa đến tính mạng, các chị đã tin tưởng vào anh em đấu tranh ở trong nước, và kiều bào ở hải ngoại, cho nên được kết quả như ngày nay, trước diễn đàn quốc hội chánh án tòa án tối cao Trương Hòa Bình phải bật miệng lên tiếng. Sau đó chị dẫn tôi ra khu vườn đằng sau chị bảo đây là đống tro gia đình chuyên gom rác để đốt, thế mà cơ quan điều tra tình Long An lại bảo đây là đống tro thiêu hủy tang vật, sau đó mang đống tro đi xét nghiệm, kết quả không có gì. Tiếp đến chị chỉ cho chúng tôi một vết đào sân xi măng nhà chị, đây là vết đào của công an, chúng tôi hỏi: - Tại sao đào nền nhà tôi lên ? - Thằng Hải nó bảo nó chôn tang vật ở dưới này Khi đào lên cũng không có gì. Sau đó chúng tôi ra về, các chị giữ chúng tôi lại ăn cơm, tôi bảo khi nào con chị được trả tự do , chúng tôi sẽ đến ăn cơm, mặc dù biết nhà chị rất rộng chúng tôi sợ lúc đó không đủ chỗ cho mọi người ngồi, các chị nhìn tôi cười tay nắm mặt mừng, hẹn ngày gặp mặt Trên đường về Đinh Nhật Uy dẫn tôi đến bưu điện cầu Voi nơi xảy ra án mạng giết 2 nữ nhân viên bưu điện, người dân ở đó cho biết từ ngày xảy ra vụ án, không có ai dám đến bưu điện, cho thuê nhà trọ, hàng ăn, hàng tạp hóa không có ai làm ăn được, phải bỏ không (có lẽ hai oan hồn bị giết hại vẫn còn linh thiêng vì chính quyền vẫn chưa tìm ra thủ phạm). Khoảng đầu giờ chiều, Đinh Nhật Uy dẫn tôi đến nhà anh, gặp chị Kim Liên, chị và tôi không còn xa lạ gì với nhau, tình thân như người nhà,chị bổ mít và đục dừa cho tôi uống, tôi nằm trên võng ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến 4h chiều chị gọi tôi dậy , chị bảo : - Ở đây có một số đặc sản cây nhà lá vườn, anh cầm về nhé. Tôi cười bảo : - Có cái tôi cần chắc chị không có. - Cái gì ? - Chị có phong bì đưa cho tôi không ? Chị cười : - Cái ý chắc chắn không bao giờ có Chia tay chị về Sài Gòn, tôi thầm cảm ơn Việt Tân đã tạo điều kiện cho tôi một công đôi ba việc, chuyến đi này phải nói thành công ngoài mong đợi Nguồn: https://www.facebook.com/notes/569343486539039/?pnref=story
......

Vì một Hà Nội xanh

Cây Xanh đối diện Bạo Quyền THẤY GÌ QUA SỰ VIỆC SÁNG NAY? Qua sự việc các bạn đạp xe vì cây xanh HN sáng nay, thấy một số điều: 1. Sự HÈN KÉM của chính quyền tp HN: Việc ngăn chặn các bạn đạp xe đã thể hiện chính quyền quá KÉM và HÈN, đồng thời PHẠM PHÁP. Nếu không có lý do gì LO SỢ thì tại sao họ lại phải cử nhiều lực lượng an ninh ra các tuyến phố để làm trò ngăn cản những người đạp xe yêu cây không hề vi phạm pháp luật gì? Trong khi đó họ vi phạm điều 25 Hiến Pháp VN: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tinh. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.   2. Dù sao thì họ cũng chỉ ngăn chặn dậm doạ để “thử” tinh thần của chúng ta thôi chứ đã không thể có căn cứ gì để bắt giữ vô tội được, họ cũng biết dân thừa hiểu điều đó, nhất là thời đại internet dân ko còn bị chế độ Ngu Dân đe doạ như trước đây. Qua đó cho thấy, khi người dân nắm được luật pháp và Quyền Công Dân thì cứ hành động theo pháp luật và đem luật ra mà chấp lý với họ khi bị căn cản bất cứ điều gì, không vi phạm pháp luật thì không có gì điều gì phải lo sợ. 3. Tuy nhiên, điều sáng nay càng làm cho chính quyền HN MẤT MÁT nhiều hơn, khi người dân vốn đã quá bức xúc với việc làm sai trái của chính quyền HN trong vụ thảm sát cây phạm pháp và tàn ác (chưa kể các vụ việc sai trái khác), khi họ đứng lên bảo vệ lá phổi xanh cho cả những người ra lệnh chặt cây thì lại bị ngăn cản và chụp mũ “thế lực” này nọ...thì giờ đây niềm tin của dân đối với chính quyền càng bị XÓI MÒN hơn lúc nào hết, như vậy là một MẤT MÁT vô cùng to lớn của chính quyền HN, khi họ ĐÁNH MẤT NIỀM TIN của dân là mất GỐC- sẽ mất đi tất cả. 4. Chưa kể, dân VN vốn có truyền thống yêu hoà bình, họ chỉ đứng lên khi bị áp bức và có những bức xúc tột cùng như hiện nay, khi vụ thảm sát cây của chính quyền HN đã nhẫn tâm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khoẻ người dân, mà còn sai phạm đủ các luật, dối trá vòng vo, coi thường dân và khoa học, đến giờ họ vẫn trơ tráo ngoan cố cho rằng việc chặt cây là “đúng chủ trương”. Lẽ ra khi gặp phản ứng của dân thì họ phải nhìn ra cái sai mà tự sửa, dân đã dung thứ để cho họ có đường sửa sai, đằng này họ lại còn làm trò ngăn cản!. NHƯNG, người ta nói “TỨC NƯỚC VỠ BỜ”, “tham thì thâm”, quá tham mà ko biết cách dừng, để cho toàn dân phải sôi tiết mà đứng lên thì họ sẽ biết thế nào là hậu quả. 5. Sự việc sáng nay cũng cho thấy khâu tổ chức Event của nhóm chưa có kinh nghiệm vì là lần đầu. Đã có những ý kiến trước đây rằng việc đạp xe khó có thể mạnh được vì rất ít người có xe đạp, lực lượng tham gia yếu, lại cả vấn đề giao thông nên dễ bị chia tách... Dù đạp xe là việc rất ý nghĩa và được khuyến khích nên làm nếu có thể, tuy nhiên không thể nào hiệu quả bằng việc Đi Bộ tuần hành ôn hoà sẽ có nhiều người tham gia và có thể thành công như CN tuần trước. Nhóm cũng “rút kinh nghiệm” ( “rút” thật chứ ko phải “rút” giả như chính quyền HN đâu wink emoticon ) và mọi thành viên cần tích cực ủng hộ cho các Event sau thành công hơn để chung sức bảo vệ cây xanh. 6. Xem bài vừa đăng lúc nãy của Luật Sư Jonathan Thanh Pham cho thấy chính quyền HN đã lại càng phạm luật khi vi phạm Điều 28 Hiến Pháp của VN: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” Tất cả 2 mục này họ đều chưa để cho dân có quyền tham gia mà ngược lại còn ngăn cản doạ dẫm khi dân cố gắng thực hiện những điều này! Chúng ta cần HÀNH ĐỘNG theo PHÁP LUẬT, sử dụng cái QUYỀN CÔNG DÂN như đã được hiến pháp và pháp luật qui định thì mới có được DÂN CHỦ như vẫn được nghe tuyên giáo. Phải bỏ ngay đi nỗi Sợ không đáng có mà lên tiếng cho cây xanh và cho 1 tương lai XH Văn Minh Dân Chủ hơn cho chính mình. 7. Rất nhất trí với câu nói của Luật Sư : “việc đòi hỏi UBND và lãnh đạo của thành phố Hà Nội phải công khai minh bạch toàn bộ quá trình Lập và phê duyệt đề án cải tạo 6700 cây xanh trên đường phố Hà Nội là hoàn toàn chính đáng và đúng pháp luật... Đòi hỏi trên phải được đáp ứng và chỉ khi được đáp ứng chúng ta mới ngừng tuần hành thể hiện ý nguyện và tư tưởng của mình … Mọi hành vi ngăn cản đe dọa đều là những hành vi vi phạm pháp luật” Bây giờ HN còn được lệnh “Tự Thanh Tra HN” thì kết luận ra sao chúng ta cũng biết rồi, có thể TIN và CHẤP NHẬN được cái trò cũ rích ấy lần nữa ko? Sai phạm đầy rẫy, dân bức bối, Cây Xanh của chúng ta vẫn đang bị đe doạ... Vậy chúng ta còn chờ gì nữa mà không HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT để bảo vệ Cây Xanh và Môi Trường đang bị huỷ hoại và đưa cái gian ác ra trước pháp luật? Nếu để lâu thì sự việc sẽ chìm xuồng, sai phạm tiếp tục tái diễn. Chúng ta hãy tổ chức XUỐNG ĐƯỜNG (Diễu Hành ôn hoà) vào các Chủ Nhật tới, kêu gọi nhiều người tham gia như CN trước (điều hợp pháp), đó là cách hữu hiệu thể hiện tiếng nói Dân Chủ lên án Sai Trái của Chính quyền và bảo vệ Sự Thật!!! HÃY HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ CÂY XANH VÀ MÔI TRƯỜNG CỦA CHÚNG TA TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!!!
......

Pages